Là nước láng giềng, Trung Quốc trở thành hậu phương lớn của cách mạng Việt Nam với ý nghĩa đầy đủ nhất. Trong chiến dịch này, Trung Quốc đã viện trợ 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch; chi viện 3.600 viên đạn pháo 105mm (đó là cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng; sau đó nước bạn tiếp tục chuyển cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105mm, dù lúc này đạn pháo 105mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên. Vì điều kiện vận chuyển khó khăn nên 7.400 viên đạn này đến tháng 5-1954 mới tới nước ta, khi chiến dịch đã kết thúc(1). Trong những ngày cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp trang bị cho ta một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn (Cachiusa) 6 nòng(2)-loại hỏa lực mạnh nhất mà Quân đội nhân dân Việt Nam có được lúc bấy giờ.
|
|
Di tích trận địa pháo H6 ở xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: NGUYỄN NHƯ
|
Bên cạnh đó, Trung Quốc tích cực giúp Việt Nam tổ chức cơ sở quân sự và đào tạo cán bộ. Tính đến tháng 6-1950, đã có hàng nghìn cán bộ Việt Nam được cử sang Trung Quốc để học tập, bổ túc các chuyên ngành quân sự. Kết quả này đã chứng minh sự cam kết của Trung Quốc trong việc hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quân sự cho Việt Nam. Trung Quốc cũng cử nhiều cán bộ quân sự có kinh nghiệm sang giúp Việt Nam trong việc xây dựng Quân đội và vạch kế hoạch tác chiến, thể hiện qua số lượng lớn cố vấn quân sự tại Việt Nam, đặc biệt trong những chiến dịch quan trọng ở miền Bắc. Đến tháng 10-1954, đã có hàng trăm cố vấn quân sự Trung Quốc có mặt ở Việt Nam. Sự giúp đỡ này giúp Quân đội ta duy trì và phát triển lực lượng, cũng như bảo đảm sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mang những nét đặc trưng riêng, phát triển và sâu đậm dần qua thời gian. Dù địa lý xa xôi nhưng sự hợp tác giữa hai nước đã nhanh chóng trở nên mạnh mẽ và có ý nghĩa quan trọng sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Liên Xô với tư cách là một trong những cường quốc hàng đầu của khối xã hội chủ nghĩa đã viện trợ Việt Nam những khoản vật chất quan trọng, thể hiện cam kết và sự ủng hộ vững chắc dành cho cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. Từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, toàn bộ hỏa tiễn H6 (Cachiusa), súng tiểu liên K50, 685 ô tô vận tải và số lượng lớn thuốc kháng sinh ký ninh(3).
Về mặt chính trị, sự ủng hộ và giúp đỡ từ Trung Quốc, Liên Xô và nhiều quốc gia khác giúp Việt Nam phá vỡ thế bao vây, cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đối ngoại của mình.
Như vậy, chiến thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không chỉ là kết quả từ ý chí và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam mà còn nhờ vào sự giúp đỡ quý báu từ các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô.
PGS, TS HỒ KHANG
-------------
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 348.
(2) Công tác đảm bảo hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 309.
(3) Tài liệu về nhu cầu giao nhận, phân phối hàng viện trợ năm 1952-1954, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1.