Trong căn nhà nhỏ tại khu 1, thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), cựu chiến binh (CCB) Hoàng Thư nhẹ nhàng lật giở từng trang tư liệu, tranh ảnh, cùng nhiều kỷ vật đã ngả màu thời gian về cha mình là cụ Hoàng Cầm, người đã sáng tạo ra chiếc bếp dã chiến huyền thoại, góp phần quan trọng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt. Kính cẩn thắp lên bàn thờ người cha đáng kính nén hương trầm, bao ký ức về cụ Hoàng Cầm ùa về trong ông.

- Ngày còn sống, cha tôi thường kể cho các con, các cháu nghe nhiều chuyện chiến trường, từ sự ra đời của bếp Hoàng Cầm, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh trong rừng sâu, dưới giao thông hào, rồi kỷ niệm những lần một mình ông băng rừng, vượt suối cả chục cây số vào nhà dân tìm mua thực phẩm nấu ăn phục vụ bộ đội-CCB Hoàng Thư bồi hồi nhớ lại.

- Con đường đi theo cách mạng của cụ Hoàng Cầm như thế nào hả bác? - tôi hỏi CCB Hoàng Thư.

- Bố tôi sinh năm 1916, ở xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, hết thực dân Pháp lại đến phát xít Nhật đô hộ, bóc lột dân mình... Không chịu nổi cái đói, năm 20 tuổi, bố tôi bỏ nhà lên thành phố mong kiếm được cái ăn. Rồi lại theo người họ hàng lên Thái Nguyên buôn bán vặt, nhưng vẫn không đủ sống. Năm 1938, ông về Hà Nội làm thuê cho một hiệu giặt là; sau chuyển sang học nghề đầu bếp và làm thuê cho hàng cơm Văn Phú ở phố Hàng Lọng (đường Lê Duẩn ngày nay). Cách mạng Tháng Tám thành công, bố tôi tham gia tự vệ thành Hà Nội. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội và bị thương. Sau khi được điều trị khỏi, ông đưa cả gia đình tản cư lên vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) sinh sống.

leftcenterrightdel

Ông Hoàng Thư (bên trái) kể với đồng đội về cha mình thông qua những bức ảnh tư liệu. Ảnh: HỒNG SÁNG 

Đầu năm 1947, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) thành lập An dưỡng đường trên núi Tam Đảo, Hoàng Cầm xung phong vào làm việc và nhập ngũ từ đó. Vốn sẵn tay nghề đầu bếp, ông được phân công làm tổ trưởng nuôi quân, tích cực cùng anh em trong đơn vị tu sửa cơ sở vật chất do thực dân Pháp để lại thành nơi nghỉ ngơi, an dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho thương binh, bệnh binh.

Cuối năm 1948, Hoàng Cầm rời An dưỡng đường Tam Đảo về công tác trong đội phẫu thuật tiền phương. Tháng 8-1949, Sư đoàn 308-sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được thành lập, ông chuyển về Đội điều trị, Phòng Quân y của Sư đoàn. Chính trong thời gian phục vụ chiến đấu tại Sư đoàn 308, có điều kiện tham gia nhiều chiến dịch lớn nên Hoàng Cầm đã sáng chế ra chiếc bếp dã chiến có một không hai trên thế giới.

Theo đó, khoảng 16 giờ một ngày giữa tháng 3-1951, đơn vị của Hoàng Cầm được lệnh dừng hành quân để nấu cơm. Tuy nhiên, khi lửa vừa nổi lên đã bị máy bay trinh sát của địch phát hiện, ào đến trút hàng loạt bom đạn xuống vị trí đóng quân của đơn vị. Do không kịp phòng tránh, bộ đội bị thương vong nhiều. Cuộc họp rút kinh nghiệm sau đó, Sư đoàn chỉ ra nguyên nhân chính là do khói bếp đã vô tình dẫn đường cho quân địch. Sau sự kiện này, tổ anh nuôi của Hoàng Cầm và các đơn vị quyết định chuyển sang nấu ăn vào ban đêm, khi máy bay địch tới thì nhanh chóng dội nước dập lửa. Nhưng làm như vậy cơm thường bị khê, sống, bộ đội ăn không bảo đảm sức khỏe.

Rớt nước mắt vì thương đồng đội, Tổ trưởng Tổ nuôi quân Hoàng Cầm trằn trọc suốt mấy đêm liền, tự nhủ phải tìm ra cách “trị” khói, để bảo đảm an toàn cho bộ đội. Một buổi sáng, đi dạo bên bờ suối, nhìn làn khói lượn lờ quanh mái bếp nhà dân, Hoàng Cầm chợt nảy ra ý tưởng làm một kiểu bếp có thể nấu nướng vào cả ban ngày lẫn ban đêm mà không sợ máy bay địch phát hiện.

Ông miệt mài nghiên cứu, vừa vẽ sơ đồ, vừa hì hục đào hàng chục cái bếp khác nhau, rồi đặt nồi lên từng bếp, chất củi đun thử, kết quả lửa vẫn lộ, khói vẫn phảng phất bay lên. Đang rơi vào bế tắc, Hoàng Cầm chợt nhớ đến những ngày còn nhỏ cùng các bạn trong xóm đi hun chuột. Lúc bó rơm cháy ở ngoài, khói cay xè mắt, nhưng khi quạt vào hang chuột, khói chỉ còn là những làn sương mỏng, bay là là sát mặt đất. Ngay lập tức, ông ra phía sau doanh trại đào, đắp, chế ra chiếc bếp theo kiểu hang chuột. Đó là loại bếp được đào sâu vào lòng đất, có hầm phụ chứa khói và các rãnh thoát khói ra 3 phía. Trên các đường rãnh được phủ thêm nhiều cành cây, cỏ tươi. Khi đốt lửa, khói tỏa theo các đường rãnh, thấm vào lớp đất mỏng, lại gặp cành cây nên khi bốc lên chỉ thoảng nhẹ như hơi sương.

Vẫn chưa thật yên tâm, Hoàng Cầm tiếp tục đào thêm nhiều chiếc bếp khác, thử đi thử lại nhiều lần, vừa làm vừa cùng đồng đội bàn bạc, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm. Mỗi người góp một ý, cuối cùng chiếc bếp đã ra đời theo ý muốn và nhanh chóng được phổ biến khắp các đơn vị trong toàn quân. Bếp do Hoàng Cầm sáng tạo rất phù hợp với bộ đội thời chiến, kín lửa, khói không bốc cao, anh nuôi nấu ăn cả ngày, cả tối, không sợ máy bay địch phát hiện.

leftcenterrightdel

Sử dụng bếp Hoàng Cầm trong diễn tập tại Sư đoàn 3, Quân khu 1, năm 2021. Ảnh: BÙI HIỆP

Tháng 10-1952, đơn vị đã quyết định lấy tên người chiến sĩ sáng tạo ra chiếc bếp ấy để đặt tên: Bếp Hoàng Cầm. Cũng từ ấy, bếp Hoàng Cầm dần trở nên thân thuộc với bộ đội qua từng chiến dịch. Các chiến sĩ được phục vụ cơm dẻo, canh nóng ngay tại chiến hào, sát nách quân địch mà vẫn không bị phát hiện. Với thành tích xuất sắc này, Hoàng Cầm được bầu là Chiến sĩ thi đua của Sư đoàn, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, được báo công với Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ngày 1-5-1952, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Cũng tại đại hội này, anh nuôi Hoàng Cầm vinh dự được Bác Hồ tặng một chiếc đồng hồ đeo tay.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, bếp Hoàng Cầm tiếp tục theo chân chiến sĩ ta vượt qua các trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ trên con đường Trường Sơn huyền thoại, có mặt trong các chiến dịch lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng các cánh quân tiến thẳng hướng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1958, sau khi chỉnh biên, toàn quân bước vào học tập, huấn luyện, thực hiện xây dựng Quân đội theo chế độ thời bình; đồng thời thi hành chủ trương giảm quân số, giải quyết cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã qua thử thách chiến đấu, phục viên về gia đình, chuyển ngành tham gia xây dựng công-nông-lâm trường, củng cố hậu phương. Hoàng Cầm được ra quân đầu năm 1959 với quân hàm thiếu úy.

Tháng 1-1963, con trai cả của cụ Hoàng Cầm là Hoàng Thư khi đang là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Sư phạm cũng xung phong vào bộ đội, tham gia chiến đấu trong đội hình Đại đội 2, Trung đoàn 367 (sau này là Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân)-đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh bộ đội Hoàng Thư trở lại giảng đường để hoàn thành nốt chương trình đại học, sau đó gắn bó với nghề dạy học cho đến khi nghỉ hưu. Cháu nội của cụ Hoàng Cầm là Thượng úy QNCN Hoàng Phương đang công tác tại Bộ tư lệnh 86, nhiều năm liền được bầu là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Từ ngày vào bộ đội, anh luôn lấy tấm gương cống hiến cho cách mạng của ông nội để không ngừng học tập, phấn đấu, vươn lên...

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thiếu úy Hoàng Cầm được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và nhiều bằng khen của các cấp. Ông chỉ thực sự nghỉ hoạt động khi bước sang tuổi 78. Hai năm sau, ngày 12-3-1996, ông qua đời, thọ 80 tuổi, sau đó được truy thăng quân hàm Đại úy.

NGUYỄN HỒNG SÁNG