leftcenterrightdel
 Nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh: ĐÌNH TOÁN

Hoàng Cầm mê thơ và mỹ nhân từ nhỏ. Những mỹ nhân miền Kinh Bắc ông gặp và phải lòng đơn phương đều là những thiếu nữ chớm thanh xuân. Họ đều hơn Hoàng Cầm chừng năm, sáu tuổi. Đấy là chị Vinh, “nàng thơ” sinh ra “Lá diêu bông” bất hủ. Đấy là chị Nghĩa, “nàng thơ” sinh ra “Cây tam cúc” lừng danh không kém. Các “nàng thơ” này đều được Hoàng Cầm tặng thơ-những vần thơ tình hồn nhiên của tuổi ấu thơ.

Ngày xưa thật khác với bây giờ. Tuy về Hà Nội học tú tài nhưng Hoàng Cầm đã được gia đình cưới vợ cho từ sớm để rồi sinh ra con trai Hoàng Kỳ năm 1940 và con gái Hoàng Yến năm 1943. Song do ở Hà Nội tu nghiệp, Hoàng Cầm đã bắt đầu định danh tên tuổi mình trong làng thơ sau Phong trào Thơ mới, cùng thời với “Xuân Thu nhã tập”, bằng kịch thơ. Khi ấy, cao trào “Thanh niên-lịch sử” đã cuốn Hoàng Cầm vào những vở kịch thơ đầu tiên nhưng còn mãi với thời gian. Đó là kịch thơ “Hận Nam Quan” và “Kiều Loan”-những vở kịch mượn chuyện xưa để hun đúc lòng yêu nước trong nhân dân, nhất là thanh niên thời ấy. Câu chuyện Nguyễn Trãi đi theo xe chở Nguyễn Phi Khanh sang phương Bắc tới tận ải Nam Quan để đưa tiễn người cha-trung thần nhà Hồ, bị bắt và bị đưa đi đày ải-đã là một trong những câu chuyện cảm động trong lịch sử và được tuổi trẻ sục sôi lòng yêu nước quan tâm. Nếu người bạn đồng niên của Hoàng Cầm là nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết về câu chuyện này bằng âm nhạc qua ca cảnh “Nguyễn Trãi-Phi Khanh” thì Hoàng Cầm viết cả vở kịch thơ “Hận Nam Quan”. Kịch thơ ám ảnh đến nỗi hồi còn thơ ấu, các anh chị đã dạy tôi đọc vài đoạn của kịch thơ mà tôi còn thuộc đến tận hôm nay.

“Hận Nam Quan” được Hoàng Cầm hoàn thành năm 1943 và Nhà xuất bản Người bốn phương ấn hành năm 1944. Nó trở thành một vở diễn lôi cuốn qua diễn xuất của các diễn viên Ban kịch Đông Phương. Chính ở ban kịch này, Hoàng Cầm đã gặp “tình yêu sét đánh” với bà Tuyết Khanh. Đấy là khi Ban kịch Đông Phương chuẩn bị dựng vở kịch thơ “Kiều Loan” mà Hoàng Cầm viết từ năm 1942, kết thúc năm 1944. Nhưng thời điểm dựng vở kịch này là năm 1946, khi nước Việt Nam mới vừa tròn một tuổi sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Vở kịch được dựng để trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc họp tại thủ đô vào ngày 24-11-1946. “Kiều Loan” được nhà thơ Hoàng Tích Linh đạo diễn. Nói chung các vai đều đã tìm được người sắm. Riêng nhân vật chính Kiều Loan thì vẫn chưa tìm được ai phù hợp. Bỗng một hôm, nhà thơ Trần Huyền Trân đưa đến một nữ nghệ sĩ từ Hải Phòng lên, ra mắt ban kịch. Đó là bà Tuyết Khanh.

Tuyết Khanh vốn là vợ bác sĩ nha khoa Nguyễn Kim Trúc ở Hải Phòng. Ông Trúc là anh trai của giọng ca vàng Kim Tiêu và Bảo Hùng khi đó đang hoạt động cách mạng. Không may, ông Trúc bị bạo bệnh qua đời, bà Tuyết Khanh thành bà quả phụ ở tuổi đôi mươi. Nhờ em chồng là ca sĩ Kim Tiêu giới thiệu, bà trở thành ca sĩ của Chiến khu Đông Triều. Cách mạng thành công, bà trở về Hải Phòng và lọt vào “mắt xanh” của nhà thơ Trần Huyền Trân. Vừa thấy bà xuất hiện, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và nhà thơ Vũ Hoàng Chương hôm đó cũng đến ban kịch xem tập, ngay lập tức đã khẳng định rằng bà Tuyết Khanh sinh ra để dành cho vai Kiều Loan. Một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Hoàng Cầm và Tuyết Khanh. Qua công việc, cặp trai tài gái sắc này đã bén duyên nhau lúc nào không hay. Giữa lúc vở “Kiều Loan” đang dựng đến đoạn chót trước khi công diễn tại Hà Nội thì Pháp gây hấn ở Hải Phòng ngày 20-11-1946. Ngay cả việc diễn tổng duyệt vở kịch thơ cũng chỉ được diễn vào chiều cùng ngày công diễn. Chiều ấy, tuy là tổng duyệt nhưng các diễn viên đã diễn thành công như một buổi diễn thực sự. Vở kịch thơ đã tác động mạnh đến nỗi, lão nhà văn Phan Khôi đã đột nhiên đứng lên nói lớn từ hàng ghế khán giả ở Nhà hát Lớn Hà Nội sau khi tấm màn nhung khép lại: “Kịch hay thế này, diễn hay thế này, chúng ta mất nước thế nào được!”.

Toàn quốc kháng chiến, nhịp bước cùng toàn dân tộc, Tuyết Khanh theo Hoàng Cầm lên chiến khu. Cả hai đầu quân tham gia một đoàn văn nghệ kháng chiến. Tình cảm giữa hai người ngày càng khăng khít. Họ đã sinh ra một bé gái và họ đặt tên cho bé là Kiều Loan để kỷ niệm mối tình nảy sinh nhờ kịch thơ “Kiều Loan”. Cũng chính vào thời điểm ấy, quân Pháp bắt đầu tấn công lên Bắc Ninh, vượt qua sông Đuống. Tin quê hương bị tàn phá khiến Hoàng Cầm xuất thần ra bài thơ dài “Bên kia sông Đuống” với các tứ đưa vợ về thăm quê: "Em ơi! Buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lì/ Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ". Bài thơ làm xong, nghe Hoàng Cầm đọc, nhà văn Nguyên Hồng đã khóc nức nở. Sông Đuống của Hoàng Cầm cùng sông Lô của Văn Cao, sông Thao của Đỗ Nhuận và sông Hồng của Nguyễn Đình Thi đã tạo nên bộ “tứ linh” thơ-nhạc chảy lai láng trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng đằng sau thành công về thơ, Hoàng Cầm lại gặp éo le trong chuyện gia đình. Không thể nay đây mai đó trên các nẻo đường khói lửa để nuôi con được, bà Tuyết Khanh rất muốn cả gia đình về lại Hải Phòng để yên vui tổ ấm. Nhưng làm sao Hoàng Cầm có thể rời bỏ chiến khu. Bởi vậy, mình bà đã bế bé Kiều Loan về Hải Phòng, còn Hoàng Cầm vẫn tiếp tục rong ruổi trên các mặt trận bằng lời thơ thúc giục người lính. Ngày hòa bình lập lại, bà Tuyết Khanh do đợi chờ Hoàng Cầm quá lâu đã phải thêm lần tái giá rồi cùng chồng mới và bé Kiều Loan di cư vào Nam. Thế là giữa đoàn tụ của bao người, Hoàng Cầm lại chịu cảnh phân ly.

Giữa rất nhiều nỗi niềm những năm đầu hòa bình, Hoàng Cầm tưởng sẽ gục ngã thì chính tình yêu với bà Lê Thị Hoàng Yến đã cho ông chỗ nương tựa và bình tâm suy ngẫm, tìm đến một giọng điệu mới cho thơ mình. Họ trở thành vợ chồng, sống trong căn nhà nhỏ ở số 43 Lý Quốc Sư (Hà Nội). Bà Hoàng Yến (trùng tên với con gái Hoàng Yến của Hoàng Cầm) không chỉ sinh cho Hoàng Cầm hai cậu con trai mà còn là "bà đỡ" để Hoàng Cầm cho ra đời tập thơ “Về Kinh Bắc” bất hủ trong lịch sử văn chương hiện đại Việt Nam. Với “Về Kinh Bắc”, Hoàng Cầm đã tìm đến bản thể thơ đích thực mang phong vị tân cổ điển. Thơ ông lúc này thường được khởi từ một vùng núi sự tích, rồi lặng lẽ chảy ra biển trực tình. Thơ ông trám đầy một nỗi phương Đông: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông” (Đêm Thổ) hay “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều/ Cuống rạ” (Lá diêu bông). Ông tiếp tục khai thác chất dân tộc khi làm phụ nghề gốm ở Bát Tràng. Và truyện thơ “Men đá vàng” đã ra đời năm 1973.

Thời mở cửa, đổi mới đã phục sinh cả thân phận và thơ Hoàng Cầm. Người mến mộ do không được đọc thơ ông đã lâu thì giờ đây tắm mát thỏa thuê trong biển thơ Hoàng Cầm. Những tập thơ của Hoàng Cầm liên tiếp được ấn hành. Chỉ tiếc hai “nàng thơ” của ông đều không hiện diện bên ông để chứng kiến sự phục sinh này. Bà Tuyết Khanh sau ngày đất nước thống nhất đã cùng Kiều Loan sang định cư ở Mỹ. Còn bà Lê Thị Hoàng Yến thì lại rời bỏ cuộc đời vào đúng năm bắt đầu thời mở cửa. Sự phục sinh được chính thức ghi nhận khi ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Sang thế kỷ mới, thiên kỷ mới, Hoàng Cầm vẫn rất dồi dào bút lực. Vào tuổi bát tuần đã đủ cả phúc-lộc-thọ-khang-ninh, Hoàng Cầm vẫn ấn hành tập thơ lục bát mang cái tên rất độc đáo “Gọi đôi”. Trong tập thơ có bài “Ai xui chắp mảnh xe hồng” như một sự tổng kết lại đời thơ ông với những tựa đề tiêu biểu được ghép chặt vào vần lục bát:

Một đời nợ “Lá diêu bông”
“Gọi đôi” kết lứa xe hồng được đâu
Nghiêng nghiêng “Sông Đuống” đôi câu
Tung tình “chín chín khúc” sầu lẻ loi

...

Trong số những anh em “một lứa bên trời”, Hoàng Cầm là người chuyển cõi sau cùng ở tuổi 89. Năm 2010, sau ngày Hữu Loan chuyển cõi ở tuổi 95 chừng 3 tháng, Hoàng Cầm cũng đã chuyển cõi, để lại dương thế biết bao niềm thương tiếc.

Mùa xuân này kỷ niệm tròn 100 năm Ngày sinh Hoàng Cầm. Đêm trước ngày Hội Lim cách đây tròn 100 năm, chàng thi sĩ xứ Kinh Bắc ra đời. Nếu nhằm ngày dương lịch thì là ngày 8-2-1922 (12 tháng Giêng năm Nhâm Tuất 1922). Nhưng sinh thời, Hoàng Cầm luôn mừng sinh nhật vào ngày 12 tháng Giêng. Ngày này cũng chính là ngày cưới của vợ chồng Văn Cao. Bởi thế, rất nhiều năm, chúng tôi với tư cách là đàn em của các ông thường có một hành trình du xuân rất tình nghĩa: Chiều thì kéo nhau đến 108 Yết Kiêu (Hà Nội) mừng ngày hợp hôn của ông bà Văn Cao, đêm thì tiếp tục kéo nhau về 43 Lý Quốc Sư mừng sinh nhật của Hoàng Cầm. Hành trình này đã biến thành câu đối vần: “Chiều mừng hôn lễ “bác Quốc Ca”/ Tối chúc phúc sinh “ông Sông Đuống”.

Mùa xuân nhớ ông, lại nhớ những ngày xuân cũ say ngả bên nhau và những câu thơ về ông bật mầm:

... Men Thương, lơ thơ cầu, nghiêng Đuống
Những mối tình suốt đời luống cuống
Chỗ nào cũng gặp em ruộng sâu
Khom lưng cấy gặt
Chỗ nào cũng Kinh Bắc ngọt ngào
Nuôi dưỡng thơ và bắt ta phải chết
Và từ từ hồi sinh...
Có phải thế không? Hỡi ông Hoàng Cầm thơ tình?

NGUYỄN THỤY KHA