Sau nhiều năm tìm hiểu, sưu tầm tài liệu từ các nguồn nhân chứng, đồng đội, người thân, tác giả đã tái hiện những câu chuyện cảm động, bi tráng về nhân vật chính-liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ.

Chúng tôi được tham dự lễ ra mắt cuốn sách do Ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn Phòng không 387 cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ tổ chức mới đây tại Hà Nội. Buổi lễ giúp chúng tôi được trở lại với những dòng ký ức về người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Tiểu đoàn Phòng không 387 thuộc Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) ra đời ngày 26-3-1951 tại Thịnh Đán (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), gồm 4 đại đội: 78, 322, 241 và 245. Nằm trong đội hình chiến đấu của Đại đoàn 308, đơn vị đã tham gia nhiều chiến dịch trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, như: Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc-Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Rạng sáng 28-3-1954, kíp trực của Đại đội 78 do Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ và Chính trị viên Ngô Hạnh Phúc chỉ huy có cuộc chiến đấu không cân sức với một tiểu đoàn lê dương Pháp có pháo binh, xe tăng yểm trợ nống ra từ cụm cứ điểm phía Nam sân bay Hồng Cúm. Sau vài giờ chiến đấu, địch đến gần trận địa ta, các pháo thủ kiên cường đánh trả. Hết đạn, họ dùng cuốc xẻng, xà beng xông lên đánh giáp lá cà. Hầu hết trong số 24 cán bộ, chiến sĩ kíp trực hôm đó đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này. Thời khắc bi tráng ấy diễn ra vào giai đoạn cuối của chiến dịch lịch sử.

Nguyễn Viết Quỳ sinh ra trong một gia đình giáo chức đông con ở thị xã Việt Trì (nay là TP Việt Trì), tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở làng Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Đông), nay thuộc TP Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, Nguyễn Viết Quỳ nhập ngũ, tốt nghiệp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 2, năm 1948. Đến nay, ký ức về người anh trai thân yêu còn tươi rói trong tâm khảm những người em gái, em trai của ông. Nhà văn Phạm Quang Đẩu đã ghi lại lời kể của bà Nguyễn Thị Tuệ, sinh năm 1943, là em gái nhỏ tuổi nhất của liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ như sau: “... từ năm 1951 cụ thân sinh chúng tôi làm hiệu trưởng trường Lãng Công (Vĩnh Phúc), luôn bận việc ở trường, còn các chị lớn đều đã đi thoát ly xa nhà. Hằng ngày ở nhà còn chị Thanh cùng ba em Quý, Tuệ, Trọng vừa học vừa giúp mẹ mọi việc khá bận rộn vất vả, song không lúc nào không mong nhớ đến người anh trai đang tại ngũ. Mỗi bận anh Quỳ về phép, gia đình quây quần bên nhau, bao giờ anh Quỳ cũng cùng các em hát nhiều bài. Anh chiều các em, song cũng rất nghiêm, ai có sai sót đều được chỉ bảo uốn nắn tận nơi. Sau ngày anh hy sinh, Nhà nước truy tặng anh Huân chương Chiến công hạng Nhất và gia đình nhận bằng Tổ quốc ghi công. Đơn vị từ Điện Biên còn gửi về một số vật dụng thường ngày của anh để gia đình giữ làm kỷ niệm. Xem lại quyển nhật ký, các ghi chép và thư từ... mới thấy anh luôn nghiêm túc tự rèn luyện, phấn đấu cả trong suy nghĩ cũng như trong hành động. Thực ra đến trước khi mất, anh chưa có người yêu. Nhiều cô bạn của các em gái thực sự mến mộ anh, song hình như mối quan tâm lớn nhất của anh lúc đó là ra trận chiến đấu với kẻ thù. Anh ngã xuống chiến trường ở tuổi 25 mà chưa có mối tình đầu...”.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nay đã ngoài 80 tuổi, từng là giáo viên của một trường trung học cơ sở tại Hà Nội. Bà nhớ lần về phép cuối cùng của anh trai trước khi đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày đó bà là thiếu nữ tuổi trăng rằm. Lần nào anh về, mấy chị em cũng được anh dạy múa hát vui vẻ lắm. Đến sáng hôm ấy, anh chuẩn bị khoác ba lô lên đường, Kim Thanh chăm chú nhìn anh trai một lúc, nước mắt ứa ra từ lúc nào. Anh Quỳ chợt nhìn thấy, hỏi: "Sao em khóc?". Cô bỗng xấu hổ quá, mặt đỏ bừng, vụt chạy ra bụi cây cạnh một cái hào tránh máy bay và ngồi thụp xuống. Anh liền đến bên xoa đầu, dỗ dành, đưa em gái trở lại nhà. Lần ấy, anh Quỳ ra đi mãi mãi không về!

leftcenterrightdel

Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ (ngồi hàng đầu, ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội trước ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

 Ảnh do gia đình liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ cung cấp

Cựu chiến binh Vũ Mạnh Bàng, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 78, một trong hai người của kíp trực còn sống sót do bị thương nằm lẫn với các thi thể đồng đội cũng như xác quân địch. Khi tác giả cuốn "Còn sống, còn nhớ" gặp ông Bàng tại Hà Nội, ông đã 86 tuổi, sức khỏe giảm nhiều song ông không thể quên giờ phút bi tráng của đơn vị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Đại đội chúng tôi xây dựng trận địa ở Pe Luông, khá sát với sân bay Hồng Cúm, đã làm quân Pháp mất ăn mất ngủ vì máy bay chúng không thể hạ thấp độ cao để thả dù tiếp tế. Sáng ngày 28-3, Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ cho anh em tranh thủ ăn cơm sớm hơn lệ thường. Pháo địch từ Hồng Cúm nã dồn dập xung quanh trận địa. Cũng trong thời điểm đó, phía tiền duyên, một trung đội bộ binh ta bắt đầu đối mặt với mũi tấn công của tiểu đoàn dù số 6 do Thiếu tá Bigeard chỉ huy. Ta nổ súng đánh trả, quật ngã những tên lính dù đầu tiên, rồi xe tăng địch xông lên, ta không có súng chống tăng, không cách gì cản được tăng chồm qua trận địa tiền duyên, tràn về phía trận địa phòng không của chúng tôi ở phía sau.

Chúng tôi không có súng bộ binh, chỉ có ít trái lựu đạn, trước đấy Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ đã lệnh các khẩu đội chúc nòng 12,8mm bắn thẳng. Thấp thoáng những bóng mũ sắt đen sì như những bóng ma phía xa núp sau chiếc xe tăng đang tăng tốc. Đại đội trưởng liền nổ một phát súng lục về phía trước, hạ lệnh bắn. Trung đội 2 của Chu Mai khai hỏa đầu tiên. “Pằng pằng, pằng pằng” từng tràng đạn lửa thẳng căng từ nòng khẩu 12,8mm tuôn về phía trước. Vệt lửa tóe hoa cà hoa cải trên vỏ thép dày của cỗ chiến xa Chaffee, song đạn trọng liên phòng không không xuyên thủng được áo giáp của nó. Bóng mấy mũ sắt thấp thoáng đang dàn hàng ngang phía sau bị đổ nhào, các tên sống sót liền bỏ chạy. Xe tăng địch khựng lại. Tiếng Chính trị viên Ngô Hạnh Phúc vang lên: "Quyết bảo vệ trận địa đến cùng!". Trung đội tôi tiếp tục khai hỏa. Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ nhô hẳn người lên khỏi mặt hào, tiếng anh hô: "Tiết kiệm đạn! Chuẩn bị lựu đạn!".

leftcenterrightdel

 Bà Nguyễn Thị Tuệ (em gái liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ) tặng hoa nhà văn Phạm Quang Đẩu trong buổi lễ ra mắt cuốn sách "Còn sống, còn nhớ". 

Những tên lính dù xuất hiện ngày càng đông, chúng đi khom, dò dẫm từng bước, giương tiểu liên bắn vãi đạn về phía trước, còn xe tăng lại lừ lừ xông lên, khẩu 37mm trên tháp xe liên tục khạc lửa về các ụ súng phòng không. Một khẩu trọng liên của trung đội tôi nòng đỏ rực không bắn được nữa. Đột nhiên có quả cối 81mm nổ cạnh hào chỗ Đại đội trưởng Quỳ đang đứng chỉ huy. Khói bụi mịt mù trùm lên, không nghe tiếng anh nữa. Chúng tôi lúc đó chợt cảm nhận một sự thật cay đắng: Nguyễn Viết Quỳ hy sinh rồi...”.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Chính trị viên Đại đội 241, có lần kể lại với tác giả cuốn sách rằng: “Đại đội tôi lập trận địa cách xa trận địa của Đại đội 78 chừng hai cây số theo đường chim bay. Đến chiều 28-3, Trung đoàn 88 bộ binh do Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà trực tiếp chỉ huy đã giành lại trận địa Pe Luông mà địch vừa chiếm ít phút trước. Kíp trực của Đại đội 78 hy sinh gần hết, chúng tôi được lệnh đến để thu dọn, làm công tác thương binh, tử sĩ. Thi thể quân ta và xác địch nằm ngổn ngang, có chỗ máu đọng thẫm đen mặt đất. Trước mắt Trung đoàn trưởng Nam Hà, một pháo thủ nhỏ bé còn đang cắn vào cổ một tên lính lê dương to lớn, bỗng ông thốt lên: Anh dũng quá!”.

Phần cuối của cuốn "Còn sống, còn nhớ" viết về nghĩa tình của những người còn sống hôm nay với những người đã khuất. Sau ngày chiến thắng (7-5-1954), biên chế các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều thay đổi, không còn phiên hiệu Tiểu đoàn Phòng không 387 nữa mà đơn vị đã sáp nhập, có phiên hiệu mới, lá cờ truyền thống của Tiểu đoàn thêu dòng chữ “Hồ Chủ tịch khen thưởng Tiểu đoàn 387...” được trân trọng đưa vào Phòng truyền thống của Sư đoàn 308. Đến đầu năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng Tiểu đoàn 387, Đại đoàn 308 danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

HÔNG PHÚC