Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cựu chiến binh-cựu giáo chức Phạm Văn Mạo tâm đắc nhất giai đoạn ông làm Phó hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương, từ năm 1970 đến khi đất nước thống nhất, chấm dứt mô hình giáo dục Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Chặng ấy với ông đầy gian nan, vất vả nhưng rất đỗi tự hào về tình người sâu đậm, ghi dấu ấn đặc biệt trong tâm hồn học sinh, mãi mãi ấm áp danh xưng “thầy Mạo”.
Tròn 17 tuổi, đã qua bậc trung học thuộc hệ thống giáo dục thực dân Pháp dành cho người bản xứ (giáo dục Pháp-Việt), chàng trai Phạm Văn Mạo tình nguyện gia nhập quân đội, vào Trung đoàn 238, Sư đoàn 332 ở Chiến khu Việt Bắc, làm nhiệm vụ dạy văn hóa cho chiến sĩ.
Năm 1957, anh chuyển ngành để “dùi mài kinh sử”. Tốt nghiệp trung cấp sư phạm văn và cao đẳng nhạc-họa Trung ương rồi lăn lộn trong thực tiễn công tác dạy học, cho đến năm 1970, thầy Mạo được Bộ Giáo dục bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương (thuộc hệ thống 28 trường học sinh miền Nam trực thuộc bộ), đứng chân tại Chợ Mát, thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương). Đầu năm 1972, trường sơ tán về thôn Đông, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ.
Khi nhận trọng trách này, thầy Mạo phân vân lắm. Trong thâm tâm, thầy chỉ muốn đạt được niềm mơ ước mà mình đã ấp ủ từ lâu, đó là người giáo viên yêu nghề, dạy văn học, nhạc, họa (sở trường của thầy) cho các em học sinh ở quê hương mình.
Nhưng, thầy được đồng chí cán bộ tổ chức cho biết, nhiệm vụ tới của thầy có ý nghĩa đặc biệt, đó là trực tiếp tham gia tổ chức nuôi dưỡng, dạy dỗ con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất.
Trong điều kiện miền Bắc vừa xây dựng và bảo vệ hậu phương, vừa tập trung chi viện tối đa cho tiền tuyến, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ vẫn quyết dành cho học sinh miền Nam những điều kiện tốt nhất về ăn, ở, học tập. Nhân dân miền Bắc sẽ cưu mang, đùm bọc các thế hệ học sinh miền Nam như đối với con em của chính mình... Thấm nhuần ý nghĩa sâu sắc ấy, thầy Mạo đã toàn tâm toàn ý, mang hết tài năng “tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu”.
Ở cương vị của mình, thầy cùng ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quán triệt yêu cầu nhiệm vụ. Thầy tạm xa người vợ trẻ đồng nghiệp và con thơ, sát cánh cùng đội ngũ giáo viên của trường, vừa giảng dạy, vừa chăm lo dưỡng dục học sinh miền Nam. Thầy không mấy khi được no cơm ấm áo, nhưng vẫn san sẻ để học sinh có đủ sức khỏe học hành tấn tới.
Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, thầy luôn lo lắng, tổ chức xây dựng hầm hào phòng không, dành những điều kiện tốt nhất để bảo vệ tính mạng các em. Học sinh miền Nam cũng cùng các thầy và đồng bào miền Bắc khắc phục khó khăn, tham gia đắp đê, chống hạn, lao động sản xuất, góp phần tiếp sức cho miền Nam.
Trong số hơn 300 học sinh, có những em thuộc diện cá biệt, nghịch ngợm, thậm chí tùy tiện hái quả trên cây, quấy nhiễu dân làng, kể cả với những gia đình thường xuyên “nhường cơm sẻ áo” cho mình. Thầy Mạo luôn luôn nhắc nhở các cộng sự lấy tình yêu thương để giáo dục, khuyên bảo các em chăm chỉ học tập, không làm việc xấu, phấn đấu nhanh tiến bộ, trưởng thành để giúp nước.
Khoảng tháng 9-1972 xảy ra vụ việc thật bất ngờ. Một phần tử xấu lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của một số học sinh đã dã tâm truyền vào tâm hồn các em này những điều xuyên tạc chủ trương của Đảng và Bác Hồ về đoàn kết hai miền Nam-Bắc, xúi bẩy các em làm những việc có tính phá hoại, dẫn đến sự vụ rất đau lòng. Một nhóm học sinh đốt nhà dân ở xã Bình Lãng. Giáo viên lao vào can ngăn, liều mình trèo lên mái nhà, có ý để các em thấy thế mà dập lửa, nhưng các em chống lại, trói thầy Mạo vào gốc cây và tiếp tục đốt...
Công an vào cuộc, nhanh chóng làm rõ sự việc, đưa kẻ xấu kia vào tù và tạm giam số học sinh đốt nhà. Thầy Phó hiệu trưởng Phạm Văn Mạo lại đến trại giam, nêu ý kiến để ban quản lý trại hiểu thêm về số học sinh này bản chất là tốt đẹp nhưng chỉ vì bị kẻ gian manh dẫn dụ mà các em vương vào tội lỗi.
Trước tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương học sinh của thầy Mạo, lãnh đạo trại giam đã đồng ý để các em sớm trở lại trường học tập. Việc làm của thầy gây ấn tượng đặc biệt sâu sắc đối với Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương và cả với học sinh miền Nam trên đất Bắc nói chung...
Sau năm 1975, các thế hệ học sinh Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương đều trở về miền Nam xây dựng quê hương. Nhiều người là cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, các nhà khoa học, doanh nhân tài năng, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ.
Trong đó có các ông, bà: Bùi Quốc Đinh, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ (Quảng Nam); Phạm Trường Dân, Đại tá, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Minh Hùng, Tổng biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng; Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi; Phạm Phú Bổn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắc Lắc; Phạm Ngọc Thanh, Bí thư Huyện ủy và Đặng Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (Đắc Lắc)...
Nay tuổi cao, đa số đã hoàn thành nhiệm vụ, về với đời thường. Song dù ở cương vị công tác nào, đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, họ đều giữ vững và phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, xứng đáng là “hạt giống đỏ” miền Nam được gieo mầm trên đất Bắc. Có một người không may sớm lâm bệnh hiểm nghèo, trước khi “nhắm mắt xuôi tay” đã trăng trối với các bạn đồng môn rằng: “Khi gặp lại gia đình thầy Mạo, cho tôi gửi lời thăm hỏi và xin lỗi vì những điều đã làm thầy cô phiền lòng”.
Cách nay 10 năm, Ban liên lạc truyền thống của trường đã đến Hải Dương tổ chức gặp mặt, tri ân các thầy cô và xã Bình Lãng, thăm gia đình thầy Mạo. Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2018), 3 đoàn cựu học sinh Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương từ Quảng Nam, Đà Nẵng cũng ra thăm, ngồi kín sân nhà thầy Mạo.
Đặc biệt, ngày 7-12-2019, ông Phạm Phú Bổn từ TP Buôn Ma Thuột cùng Ban liên lạc truyền thống Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương dẫn đoàn đại diện đến thăm xã Bình Lãng, trao 110 triệu đồng ủng hộ Quỹ Khuyến học của xã, một chiếc ti vi tặng UBND xã và 10 suất học bổng (hơn 200.000 đồng/suất) tặng học sinh vượt khó vươn lên. Đoàn đã dành cả buổi chiều cho việc thắp hương kính lễ thầy Mạo và động viên, chia sẻ cùng gia quyến...
Tôi nhớ lần mình đến thăm thầy Mạo vào dịp hè năm 2018, khi ấy thầy ở tuổi 85, phải nằm nhiều. Nhưng thấy chúng tôi trước khi ra về cứ xúm xít xem khung ảnh lớn treo trên tường nhà có dòng chữ do thầy viết bằng bút: “Mấy hình ảnh thân thương của Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương” thì thầy đi ra phòng khách.
Thầy gọi chúng tôi lại và chìa ngón áp út trên bàn tay trái có chiếc nhẫn vàng, rồi kể: “Chiếc nhẫn này là của các em ở Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương tặng tôi trong một dịp kỷ niệm ngày thành lập trường. Ngón tay này mang ý nghĩa biểu tượng tình cảm. Tôi đeo chiếc nhẫn vào nó để ghi mãi tình thầy trò Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, mang tình cảm đôi miền, như chân với tay, như cội với cành”.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG