Sau ngày thống nhất đất nước, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng sáng tác ca khúc mà các học viên lúc ấy tuổi đời chỉ chừng đôi mươi. Lớp bồi dưỡng này đã thành công không ngờ. Với tuổi trẻ của học viên và sự tận tình chỉ bảo của các thầy Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu... lớp bồi dưỡng đã tạo ra một thế hệ nhạc sĩ ở Thành phố mang tên Bác với ngôn ngữ âm nhạc tươi mới. Lúc ấy, giữa những Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên... Thế Hiển đã bắt đầu bằng một ca khúc rất lạ: "Chuyện ngày xưa-chuyện ngày nay".
Do là ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen khi đó nên Thế Hiển mải chăm lo việc hát của mình hơn việc sáng tác ca khúc. Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương là người thầy đỡ đầu giọng hát Thế Hiển. Quả nhiên, anh đã đoạt giải thưởng đơn ca trong một hội diễn toàn quốc với bài hát "Takano-Nhân chứng quả cảm" của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Nhưng thời ấy, chiến tranh biên giới vẫn đang diễn ra ở phía Bắc, phía Nam. Cho nên, đất nước vẫn rất cần có những ca khúc mới để động viên người chiến sĩ trên các mặt trận. Song, có lẽ là do Thế Hiển có cảm tình đặc biệt với những người chiến sĩ nên "Hát về anh" đã ra đời, một ca khúc tinh khôi giữa những ca khúc về bộ đội thời ấy.
Đấy là những ngày mùa đông năm 1983. Khi đó Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen của Thế Hiển vừa trải qua 4 tháng lưu diễn ở các nước anh em như Liên Xô, Đông Đức và Cuba trở về Hà Nội. Một lần, ông Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, sau này là Thủ tướng Chính phủ) từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông đã có buổi tiệc tiếp đoàn tại tư gia. Buổi ấy, sau khi nghe Thế Hiển hát một sáng tác của mình, ông Sáu Dân đã có lời khuyên thật lòng: "Cháu đàn, hát và sáng tác tốt. Nhưng hãy bớt cái tôi riêng tư đi để hướng đến cái ta rộng lớn hơn".
Lời khuyên đó đã theo Thế Hiển lên biên giới phía Bắc ở Quảng Ninh trong chuyến đi diễn phục vụ bộ đội ngay sau đó. Ngọn lửa truyền cảm hứng từ lời khuyên của ông Sáu Dân đã thôi thúc Thế Hiển viết một cái gì đó về người lính biên giới. Và đoạn đầu ca khúc "Hát về anh" đã được hoàn thành sau 10 ngày lưu diễn, sống cùng các chiến sĩ trong hoàn cảnh gian khó như thế.
Về TP Hồ Chí Minh vào những ngày áp Tết âm lịch Giáp Tý 1984, chứng kiến cảnh nhộn nhịp sắm Tết của người dân khiến Thế Hiển trắc ẩn nghĩ tới những người lính biên giới phong phanh áo xanh mà mình vừa chia tay. Một hàm ơn từ sâu đáy lòng dậy sóng. Họ đã tự nguyện hy sinh dâng hiến ở miền biên viễn xa xăm vì cuộc sống bình yên của người dân. Và thế là đoạn sau của ca khúc "Hát về anh" nhanh chóng được hoàn thiện với cao trào hát bằng tiết điệu slow-surf: "Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm tới trường"... Và câu đậm chất Thế Hiển nhất mà các nhạc sĩ trước đó viết về người lính chưa ai có tâm trạng như thế, đấy chính là: "Nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy". Sự hy sinh dâng hiến của người lính đã để lại những nghĩ suy cho những người dân. Đấy là sự hàm ơn lặng lẽ và cao quý.
|
|
Nhạc sĩ Thế Hiển (bên phải) trong một lần biểu diễn trên sân khấu. Ảnh của Hội Nhạc sĩ Việt Nam
|
Quả thực, nếu không có tình cảm, xúc cảm thật lòng thì sẽ không nghĩ như thế. Mà sự thật của tâm hồn chính là sự bảo hành lớn nhất cho những tác phẩm hay. "Hát về anh" nhanh chóng được thu thanh, thu hình và bắt đầu lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó đến nay, đã tròn 40 năm cho một tác phẩm hay về người chiến sĩ. Nhưng cũng chỉ là ở TP Hồ Chí Minh rồi dần dà lan truyền ra cả nước.
Còn nhớ, vào một ngày hè năm 1986, tôi ra Quảng Ninh công tác ở một trạm quân bưu, hình như là trên đồi Con Ốc. Chiều rảnh rỗi, anh em quây quần đàn hát. Hai chàng lính ngồi ôm guitar cùng cất lên giai điệu lạ lẫm: "Một ba lô cây súng trên vai/ Người chiến sĩ quen với gian lao"...
Giai điệu cứ thế chảy vào tôi như một dòng nước mát giữa trời hè nóng bỏng cho đến điệp khúc dâng trào thì tôi như bị chìm đắm vào một sự mới mẻ, một cách ngợi ca người chiến sĩ khác với những ngợi ca trước. Một người chiến sĩ cho tôi biết tác giả của những giai điệu đó là nhạc sĩ-ca sĩ Thế Hiển.
Thế Hiển với tôi khi đó là cái tên nghe vừa lạ vừa quen. Quen vì tôi từng nghe "Chuyện ngày xưa-chuyện ngày nay". Lạ là vì không ngờ Thế Hiển có một ca khúc hay như thế.
Lại trong một hội diễn toàn quân thời kỳ đầu đổi mới, tôi được nghe "Đợi chờ trong cơn mưa" của Thế Hiển. Nghe đến câu: "Mưa vẫn rơi. Rơi vào nỗi nhớ" thì tôi phải đập tay vào bàn thốt lên: "Hay quá! Thơ quá". Viết về sự đợi chờ của người yêu của một người lính trước khi ra đi như thế thì quá mới mẻ.
Nhưng chưa hết, cũng trong hội diễn chỉ ngay sau đó ít tiết mục, tôi lại được cảm nhận về người lính trở về qua "Nhánh lan rừng": "Về thăm thành phố/ Náo nức mùa xuân/ Ba lô trên lưng/ Mang theo nhánh lan rừng"...
Ca khúc này Thế Hiển viết ngay trong chuyến đi phục vụ Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia tại Mặt trận 479 vào mùa xuân năm 1986. Viết và hát cho bộ đội ở chiến hào nghe. Vào thời điểm ấy, sức lan tỏa những ca khúc viết cho bộ đội của Thế Hiển thật đáng trân trọng.
"Song kiếm hợp bích" vừa hát vừa sáng tác thì có lẽ sau Trần Tiến là sự tiếp bước của Thế Hiển. Một sự tiếp bước ấn tượng. Có lẽ bởi thế mà năm 1989, khi nhạc sĩ Trần Tiến và tôi cùng tham gia cuộc vận động sáng tác về đề tài "Sinh đẻ có kế hoạch" do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, Thế Hiển cũng đã có ca khúc lọt vào Top ten cùng với "Sao em nỡ vội lấy chồng" của Trần Tiến; "Lời ru chia đôi" của Trương Ngọc Ninh; "Cô Nụ thôn tôi" của Phó Đức Phương v.v.. Nhưng vệt sáng chủ thể, vệt sáng tạo ấn tượng nhất trong 40 năm sáng tạo của Thế Hiển vẫn là những sáng tác về người lính bằng một tâm hồn yêu người lính của một người chiến sĩ không quân phục.
Đã có "Nhánh lan rừng" lại còn có thêm "Ký ức nhánh lan rừng" nữa chứ. Cảm xúc cứ chồng lên cảm xúc. "Nhánh lan rừng" được bộ đội cả nước nồng nhiệt đón nhận. Họ gặp Thế Hiển trên đường ra trận, họ lại tặng tác giả "Nhánh lan rừng" một nhánh lan rừng thật. Và thế là "Ký ức nhánh lan rừng" lại tiếp tục được sinh ra.
Thế Hiển bằng một tâm hồn yêu người lính đã luôn nhập thân vào người lính để viết ra những khúc ca ngợi ca họ. Nhưng nhập thân đến mức lên đồng thì phải nói đến những ca khúc Thế Hiển viết về chiến sĩ Trường Sa như: "Vỏ ốc biển", "Tiếng hát trên đảo Sơn Ca", "Nỗi nhớ từ đảo xa" (phỏng thơ Lê Xuân Bắc), "Biển đảo quê hương ta" (thơ Trần Đức Thắng) và rất độc đáo là "Lính đảo Trường Sa" mang phong cách rock nhưng lại ẩn chứa trong đó chất đồng dao: "Lính đảo Trường Sa/ Bơi lặn nhanh hơn cá/ Vượt qua những phong ba/ Gió táp và mưa sa/ Trọn niềm tin thiết tha/ Nước non quê nhà/ Biển đảo là của ta"...
Những âm "a" nối nhau qua từng câu hát luôn gợi lên một sự ngạc nhiên về tầm vóc người chiến sĩ Trường Sa.
Gia đình Thế Hiển có mấy anh em trai đều rất mê âm nhạc. Họ có thể hợp thành ban nhạc nếu kể thêm con trai Thế Hiển chơi ngang ngửa với bất cứ ban nhạc nào. Việc Thế Hiển yêu người lính chân thành, hồn nhiên đúng là một việc chưa chắc những người khác ở hoàn cảnh ấy lại có thể có một tình yêu đến vô tư như vậy. Đặc biệt tâm hồn, phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ đã hướng Thế Hiển tới một cái nhìn hướng thiện hơn để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong thời kỳ đất nước hòa bình.
Tròn 40 năm kể từ khi "Hát về anh" khẳng định cá tính sáng tạo không lẫn vào ai, Thế Hiển đã viết không ít ca khúc về người chiến sĩ. Một tình cảm của một nhạc sĩ không quân phục nhưng rất đằm thắm và sâu lắng.
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA