Theo tư liệu lịch sử ghi lại thì Chu Văn Điều được Chi bộ Yên Lưu kết nạp Đảng vào tháng 11-1930. Khi giơ tay lên thề trước cờ Đảng, tự nhiên ông òa khóc nức nở. Sau này, ông tâm sự: “Khi nhìn màu đỏ lá cờ, tôi nhớ đến những dòng máu đào mà nhân dân quê tôi đã đổ xuống trong ngày 1-5-1930. Món nợ này mình phải trả sao đây?”.

Trở lại những năm cuối thập niên 1920, xã Yên Lưu là một vùng đồng chua nước mặn, đời sống người dân cơ cực vì lao dịch nặng nề, thuế sưu chồng chất, trai tráng trong làng phần lớn không biết chữ. Hàng trăm người phải vào làm thuê trong các nhà máy ở Vinh. Ở làng họ bị địa chủ ức hiếp, bóc lột không còn đường sống, vào nhà máy họ lại bị bọn chủ cúp lương, hành hạ đủ kiểu... Tức nước vỡ bờ! Ý chí phản kháng của họ ngày càng như thủy triều dâng. Vì thế, những người cộng sản thế hệ tiền bối đã chọn Yên Lưu làm nơi xây dựng cơ sở. Từ đây, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vùng nông thôn phía Đông Bắc Vinh-Bến Thủy (gọi tắt là Chi bộ Lộc Đa, Yên Dũng, Đức Thịnh)-một trong 5 chi bộ cộng sản đầu tiên của Nghệ An và cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên duy nhất ở Hưng Nguyên ra đời. Trong hào khí cách mạng đó, thanh niên Chu Văn Điều và nhóm trai làng đi làm phu khuân vác ở các nhà máy ở Vinh, Bến Thủy khát khao được góp sức đánh đổ thực dân, phong kiến.

Trở thành đảng viên, Chu Văn Điều được giao nhiệm vụ tổ chức mít tinh, tuần hành, vận động nhân dân đi nghe diễn thuyết về cách mạng. Rồi ông tập hợp số bạn cùng trang lứa vào hội trai làng. Hội này khi đi vào Vinh, Bến Thủy làm thuê đã chắp nối liên lạc, mang tài liệu truyền đơn đi phân phát cho các nhà máy diêm, nhà máy xe lửa và các xã phụ cận; bí mật chuẩn bị gậy gộc, giáo mác để bảo vệ quần chúng đấu tranh với hào lý địa phương. Thắng lợi của cuộc mít tinh, tuần hành của Yên Lưu đã cổ vũ phong trào quần chúng ở Hưng Nguyên lúc bấy giờ. Tiếp đó, theo sự chỉ đạo của tổ chức đảng ở Yên Lưu, Chu Văn Điều và các bạn trong hội trai làng đã vận động hàng trăm người dân Yên Lưu tham gia cuộc mít tinh nhân Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1930) của công nhân Vinh-Bến Thủy. Tri phủ Hưng Nguyên, Chánh tổng Yên Trường trực tiếp chỉ huy lính xả súng điên cuồng vào đoàn biểu tình tay không, hàng chục người đã ngã xuống. Lo cấp cứu người bị thương, lo chôn cất người chết, lần đầu tiên trong đời cách mạng, máu đào của nhân dân, của đồng chí, đồng đội thấm đỏ người Chu Văn Điều.

Dẫu còn rất trẻ (chưa đầy 18 tuổi) nhưng qua các lần thử thách, Chu Văn Điều được nhân dân Yên Lưu tin cậy. Nông hội đỏ Yên Lưu bầu Chu Văn Điều cùng với Trần Vương làm chỉ huy Xích vệ (Tự vệ đỏ). Cuối năm 1930, chính quyền cũ ở Yên Lưu tan rã. Chính quyền Xô viết công nông đầu tiên trong lịch sử được thành lập. Lực lượng Tự vệ đỏ do Chu Văn Điều chỉ huy đã có quân số hơn 50 cán binh thay nhau chốt chặn các ngả đường vào làng để thị uy và giữ vững trị an làng xóm.

Trước sự lớn mạnh của phong trào Xô viết ở Nghệ An, thực dân Pháp đã huy động lực lượng ở các tỉnh khác về đàn áp dữ dội. Chúng thiết lập chế độ bang tá ở các cấp xã, tổng, phủ, tỉnh. Bang tá bắt tra xét, đánh, giết những ai nghi là cộng sản, hàng loạt đảng viên bị bắt, bị giết dã man. Nhiều tổ chức bị vỡ. Chi bộ Yên Lưu, chính quyền Xô viết Yên Lưu cũng bị dìm trong biển máu. Nhiều đồng chí bị bắt đi đày ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tháng 6-1931, bang tá Võ Quý Công bày trò “quy thuận”, chúng bắt một lúc hơn 50 người trong đó có Chu Văn Điều để ký vào giấy cam kết “quy thuận”. Ai không ký, chúng treo ngược lên xà nhà cho lính thay nhau đánh đập, nhiều người không chịu nổi đòn tra tấn phải ký vào giấy. Tuy nhiên, sau hai ngày đánh đập dã man, chúng vẫn không làm sao “quy thuận” được Chu Văn Điều. Sự kiên trung của ông đã khích lệ, động viên mọi người kiên nhẫn vượt qua thử thách.

leftcenterrightdel

Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4 (ngoài cùng, bên trái) trong dịp đón Bác Hồ về thăm, năm 1961. Ảnh tư liệu


Đại hội chi bộ tháng 11-1932, đồng chí Chu Văn Điều được bầu làm Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng Tự vệ đỏ. Trước sự trả thù quyết liệt của kẻ thù, với chủ trương “đơn tuyến, đồng lòng”, Bí thư Chi bộ Yên Lưu Chu Văn Điều vừa bảo toàn được lực lượng vừa phát triển thêm đảng viên mới, nắm dân, giữ vững liên lạc với Phủ ủy Hưng Nguyên. Nhờ thế, phong trào ở Yên Lưu bên ngoài thì tạm lắng, bên trong thì sục sôi. Sang năm 1933, tình hình có nhiều chuyển biến thuận lợi, nhiều đồng chí qua 3 năm giam cầm đã được trả tự do. Chớp thời cơ, Bí thư Chu Văn Điều đề ra chủ trương: Chuyển phương thức đấu tranh từ bí mật sang bán công khai, bán hợp pháp, đấu tranh đòi lại ruộng đất tu lý (ruộng đất của dân, hào lý tạm tịch thu vì thiếu sưu thuế), giảm các khoản thuế khóa vô lý. Vừa công khai đấu tranh, Tự vệ đỏ còn tìm các cơ hội khống chế, đe dọa bọn cường hào gian ác... Với những kinh nghiệm vận động quần chúng đấu tranh hợp pháp và bài học bám dân, bám cốt cán trong thanh niên để xây dựng Đảng của Bí thư Chu Văn Điều ở Chi bộ Yên Lưu sau đó được Tỉnh ủy Nghệ An nhân rộng trong toàn tỉnh.

Mặc dù ngụy trang bí mật nhưng quá trình hoạt động cách mạng, Chu Văn Điều (sau này đổi tên là Chu Huy Mân) vẫn bị lọt vào tầm ngắm của mật thám Pháp. Tháng 2-1937, khi đang tổ chức cho một tốp thanh niên Yên Lưu sang đá bóng ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thì bọn hương kiểm cho lính ập đến bắt giải ông về phủ Hưng Nguyên. Nhờ sự khéo léo trong đấu tranh nên sau một tuần giam giữ, đánh đập, chúng phải thả ông ra. Tháng 7-1937, trước tình hình khủng bố trắng của kẻ thù ngày càng quyết liệt, để bảo toàn nòng cốt, theo sự chỉ đạo của Phủ ủy Hưng Nguyên, Chu Văn Điều tạm lánh sang Nghi Xuân với danh nghĩa đi dạy học. Chưa được vài tháng, Tri phủ Hưng Nguyên lại cho lính sang Nghi Xuân vây bắt giải ông về phủ, không đủ chứng cứ, chúng lại phải đưa ông về Yên Lưu quản thúc. Ngày 4-10-1938, đúng phiên chợ Trụ, khi nhân dân đến chợ đã đông, Tri phủ Hưng Nguyên và đề lại, lãnh binh kéo hơn 20 quân lính xanh đến lùng bắt cộng sản, ngang nhiên đánh đập nhiều người. Chu Văn Điều bình tĩnh bố trí Tự vệ đỏ chốt chặn các cửa chợ rồi xông vào. Thấy ông đến, chúng xông vào đánh tới tấp, ông nhìn thẳng vào mặt tri phủ thét lớn: "Muốn đánh thì cứ đánh nhưng sau phải để tôi nói".

Chúng đánh ông một lúc thì tri phủ bảo dừng tay để ông nói. Bằng lý lẽ xác đáng, ví dụ cụ thể, ông đã vạch trần bộ mặt hào lý Yên Lưu, Yên Dũng, Lộc Đa. Bọn hào lý đến mỗi lúc một đông, cuộc cãi vã lúc đầu chỉ một bên là Chu Văn Điều và một bên là tri phủ, sau đó một bên là hàng chục, hàng trăm người dân với một bên là tri phủ, hào lý địa phương. Thấy vòng vây dân chúng khép chặt dần, Tri phủ Hưng Nguyên vội đánh bài chuồn để lại bọn hào lý ngơ ngác cho dân mắng chửi. Phát huy thắng lợi này, ông quyết định vận động nhân dân đấu tranh đòi chia lại ruộng tu lý. Thế cùng, bọn hào lý chịu thua. Nhờ thắng lợi này mà hàng chục hộ dân thoát qua trận đói năm đó. Một thời gian sau, trong các cuộc khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chu Huy Mân hoạt động rất tích cực. Ông cũng là một trong 4 cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Nam lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lại chính quyền về tay nhân dân ngày 24-8-1945.

Nhìn lại quá trình hoạt động cách mạng giai đoạn 1930-1945, đồng chí Chu Văn Điều-Chu Huy Mân nhiều lần bị thực dân, tay sai bắt giam, tra tấn ở phủ Hưng Nguyên, nhà lao Vinh, rồi chuyển lên nhà tù Đăk Glei, Đăk Tô (Kon Tum)... Dù bị những trận đòn ác liệt nhưng ông vẫn quyết không khai để bảo tồn tổ chức đảng ở Yên Lưu và các địa phương. Trong nhà tù, ông và các đồng chí của mình còn biến nhà tù thành trường học... Đúng như lời tuyên thệ của ông trong lễ kết nạp Đảng: "Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng"...

Được tôi luyện qua những khó khăn, gian khổ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, roi vọt của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của Chu Huy Mân mà ngược lại, càng tôi luyện ông trở thành người cán bộ cách mạng kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 Tham gia các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào... sự nghiệp cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân trải qua rất nhiều vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội như: Đoàn trưởng Đoàn 100 (Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào); Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4; Chính ủy Quân khu Tây Bắc; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5; Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, chỉ huy các chiến dịch: Plei Me, Sa Thầy; Chính ủy Chiến dịch Đà Nẵng...

Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa IV, V; nguyên Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc; nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ông từ trần năm 2006.

------------
* Trong bài có sử dụng một số tư liệu tham khảo từ các cuốn:“Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Lộc” (NXB Nghệ An, năm 1985); "Lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Nguyên" (NXB Nghệ An, năm 2001)

Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN