Vào đêm 4-2-1948, du kích của 7 xã dọc Đường 5 thuộc huyện Kim Thành đã dùng mìn đánh một trận "tổng phá hoại đường sắt" suốt chiều dài gần 20km, mở đầu chiến dịch "Tiếng sấm Đường 5", khiến đoạn đường sắt nói trên bị phá hỏng. Nhiều thanh ray, tà vẹt bị bật tung, cong queo hoặc đứt gãy. Việc vận chuyển hàng hóa của quân Pháp trên đường sắt bị ngừng trệ nhiều ngày.

Quá trình chiến đấu, du kích và bộ đội địa phương huyện Kim Thành phát kiến nhiều cách đánh mìn trên đường sắt phù hợp với từng thời kỳ. Lúc đầu, họ dùng chiến thuật thô sơ là "giật dây". Sau khi bố trí mìn, người đánh ẩn nấp gần đường để giật dây cho mìn nổ nên rất dễ bị địch phát hiện; khó thực hiện được yêu cầu "đánh thắng địch nhưng phải bảo vệ được nhân dân và cơ sở của ta".

Du kích Kim Thành lại mày mò nghiên cứu, tìm ra cách đánh "mìn điện tự động". Chiến thuật này không cần người điều khiển, không cần vị trí ẩn nấp ở gần đường, có thể đặt mìn ở bất cứ đoạn đường nào. Trận đánh thí điểm bằng "mìn điện tự động" được du kích Kim Thành thực hiện thành công tại đoạn đường gần ga Phú Thái sáng 28-12-1951, phá hủy 1 đầu tàu, lật đổ 18 toa xe chở đầy vũ khí, lương thực của địch. Tiếp đó là chiến dịch "Tiếng sấm Đường 5" lần thứ hai vào đầu năm 1954 rất vang dội. Tuy nhiên, trong lịch sử chỉ ghi thông tin rất ngắn gọn, chẳng có tình tiết gì nhiều.

Đang đứng ngắm khối tượng đài "Tiếng sấm Đường 5" bằng đá uy nghiêm phơi dưới ánh hoàng hôn, tôi thấy một thanh niên cho xe máy dừng lại. Cụ già ngồi phía sau xuống xe một cách khó nhọc. Cụ lấy tay nhấc vành mũ và hướng mặt về phía tượng đài rồi lại quay về phía đường ray hoen gỉ dài hun hút như muốn tìm kiếm gì đó. Tôi đánh liều làm quen và hỏi quý danh.

Cụ già cao, gầy lòng khòng không ngại ngần nói rằng tên là Nguyễn Văn Kính, 96 tuổi và nhà ở thôn Phạm Xá 1, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành; cách nơi xây công trình này gần 1km. Cụ khoe, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1949, cụ đã tham gia du kích của địa phương. Hôm nay, thấy trong người hơi bức bối, cụ bảo đứa cháu đưa ra xem tiến độ công trình cho thoáng cái đầu.

Tôi sướng rơn, như mở cờ trong bụng vì thông tin này. Mấy lần tôi đã liên hệ với đồng đội ở các xã dọc Đường 5 để tìm nhân chứng du kích nhưng chưa được. Nay gặp được cụ Kính, tôi như người vớ được vàng. Dù cụ đã gần trăm tuổi nhưng mắt còn tinh, tai còn thính, trí nhớ minh mẫn, trò chuyện rất lưu loát.

leftcenterrightdel

Tượng đài “Tiếng sấm Đường 5”  ở huyện Kim Thành chuẩn bị hoàn thành. Ảnh: HẢI MINH 

Cụ Kính nói, ngày xưa, chỗ cụ đang đứng là cái đầm rất rộng. Chỉ tay vào hai làn đường ray xe lửa, cụ bảo, nơi này là chỗ đoàn tàu chở quân của Pháp bị ta đánh mìn lật đổ vào rạng sáng 31-1-1954. Xuôi xuống khoảng 200m về phía Hải Phòng là ga Phạm Xá có bốt cao hai tầng, luôn có cả lính Tây và tề, ngụy canh gác ngày đêm.

Lúc ấy, Đường 5 bé tí, hai xe cam nhông tránh nhau còn chật. Sâu vào hai bên đường bộ và đường sắt chỉ có một vài nhà dân. Giờ thì nhà ở dày đặc, chỉ có cái nhà ga cũ và đường ray là còn giống cảnh xưa.

Sau khi vượt qua con ngõ ngoằn ngoèo, sâu hun hút, tôi đến nhà cụ Kính. Đó là ngôi nhà ngói 3 gian thấp lè tè có cửa bằng những tấm gỗ xếp trên ray gỗ thường thấy hồi trước thập niên 2000. Cụ kể, năm 1949, cụ chính thức tham gia du kích của xã với hơn 10 người. Nhiệm vụ của du kích lúc ấy rất đa dạng. Ban ngày sống bên Thanh Hà, tối đến thì vượt sông về làng rồi mới đi thực hiện nhiệm vụ.

- Du kích chỉ về được ban đêm thôi sao cụ?

- Đúng rồi, bọn Tây và tề, ngụy ở trên bốt cao quan sát cả vùng rộng lớn. Ban ngày, nếu phát hiện một chiếc thuyền di chuyển trên sông là chúng điều quân từ bên kia cơ động đến vây bắt. Nếu ở lại làng thì phải di chuyển ra cánh đồng và ẩn nấp trong hầm bí mật, tối mới ra ngoài hoạt động.

Các làng ở gần đường tàu và đường bộ đều bị chúng đốt phá, tạo ra hành lang an toàn. Muốn về làng phải chờ đến tối. Nhiệm vụ của du kích là không được đánh địch vỗ mặt mà chỉ phá hoại, quấy rối rồi rút. Vì thế, lúc thì du kích đi phá đường ray, dùng cờ lê xoáy ốc kẹp các thanh ray rồi lấy xà beng bẩy nó lệch đi cho tàu trật bánh, khi làm tuyệt đối không để phát ra tiếng động, thậm chí ngay cả thở cũng phải rất nhẹ; lúc lại đi cắt dây điện thoại; có khi thì đưa đón cán bộ từ Thanh Hà sang Quảng Ninh và ngược lại. Rồi có lúc du kích làm nhiệm vụ dẫn đường trinh sát, bảo vệ bộ đội của huyện về đặt mìn đánh xe, đánh tàu hỏa. Suốt nhiều năm tháng, đêm ta phá còn ban ngày địch lại cho người đi khắc phục.

- Chúng có thủ đoạn nào ngăn chặn ta không hả cụ?

- Có chứ, quyết liệt là khác ấy. Đêm nào chúng cũng cho lính đi tuần dọc đường ray, rồi mật phục để đón lõng du kích, cán bộ ta. Trước khi tàu hỏa vào hoặc rời ga, chúng cho rà địa lôi, mìn điện dọc đường sắt.

- Vậy thì du kích hoạt động thế nào được cụ?

Cụ kể, khi về đến làng sẽ có người thông tin tình hình bố phòng của chúng. Du kích sẽ tránh những nơi địch phục. Khi hành quân thì có một tổ đi trước và một tổ đi sau, cách nhau hơn 100m. Có động thì sẽ báo lại bằng ám hiệu. Du kích ít khi đi lẻ, nhưng cũng có lần bị phá đội hình. Tối 17-7-1954, khi đang hành quân, do tổ trinh sát gần địch quá nên tản ra, không kịp truyền tin cho tổ sau, vì thế nên bị địch bắn, 2 du kích hy sinh.

Chờ cho cụ bớt xúc động, tôi xin cụ kể cho nghe trận đánh mìn điện diệt hơn 1.000 quân Pháp vào rạng sáng 31-1-1954.

Cụ nói, hôm ấy, du kích được lệnh dẫn đường và bảo vệ 4 người ở Huyện đội về. Họ mang theo mìn, dây điện và nhiều thứ khác tiếp cận đường ray, còn Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Kính thì tổ chức canh gác cách đó chừng 200m.

4 người của Huyện đội Kim Thành thay nhau moi đất. Họ nạo từng ít một, rất thận trọng để không phát ra tiếng động. Họ hớt lớp đất mặt cho lên miếng vải rồi gói riêng để sau khi hoàn thành sẽ phủ ngụy trang. Họ chôn mìn xuống hố vừa đào rồi gắn kíp điện.

Tàu vào ga Phạm Xá trả, đón khách. Gần 6 giờ, khi đất trời còn chìm trong hơi sương lạnh lẽo thì con tàu phì khói, rùng rùng di chuyển. Khi nó đi qua ga Phạm Xá hơn 200m thì mìn nổ tung ở chính giữa đoàn tàu, nơi có 3 toa chở lính Pháp.

Quân địch ở bốt quanh đó kéo đến phong tỏa hiện trường. Chúng bắn chết một chiến sĩ cảnh giới. Du kích lao tới mang xác chiến sĩ cảnh giới của Huyện đội giấu vào bụi tre rồi di chuyển. Địch lần theo vết máu và phát hiện ra. Chúng dùng dây dẫn điện để đánh mìn buộc vào cổ, lôi xác về bốt phơi ở đó. Đến tối, chúng cho người đưa đi chôn. Đêm ấy, du kích đột nhập vào và lấy xác đồng đội mang về làng để bà con làm lễ mai táng.

Cuối câu chuyện, cụ Kính nói, cái hay trong trận đánh này mà cụ chưa lý giải được là quân ta đã chuyển tin tình báo từ Hải Phòng về bằng cách nào mà nhanh thế. Bởi lính Pháp đến ga Hải Phòng, lên tàu thì ta mới nắm được vị trí chúng ngồi. Hơn nữa, quân ta điểm hỏa, mìn nổ đúng chỗ 3 toa chở lính Pháp. Đó là cả một sự tính toán và chờ đợi rất căng thẳng.

Trong cuộc trò chuyện hôm ấy, cụ Kính kể cho tôi nghe, sau trận đánh đó, vào năm 1999, Nguyễn Văn Thòa, người chỉ huy và trực tiếp điểm hỏa quả mìn được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.

Cụ Kính tâm tình, điều mong mỏi nhất của cụ là quê hương thanh bình, phát triển và đời sống nhân dân đi lên đang hiện diện từng ngày. Cụ mong muốn xã Tuấn Việt của cụ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, để con cháu hôm nay tự hào mà xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nắm chặt đôi tay nhăn nheo của cụ Kính, tôi cảm nhận được hơi ấm, tình người và cả tấm lòng của người du kích gần trăm tuổi với làng xã quê hương và thế hệ tương lai. Dường như đó là chất keo đặc biệt được sinh ra từ loại gene mà bất cứ người dân Việt nào cũng có-lòng yêu nước nồng nàn!

ĐỨC TÂM