Trong tư cách người phụ nữ-người yêu và người vợ, Xuân Quỳnh đã để lại một di sản thơ tình yêu đằm thắm và da diết đến khắc khoải-tình yêu đích thực nào mà chẳng đi đến cùng hai chiều ấy! Trong tư cách người mẹ, Xuân Quỳnh cũng đã để lại một gia tài thơ viết cho con, cũng là viết cho các thế hệ trẻ thơ, thật dồi dào và trong trẻo, thật ngộ nghĩnh và dễ thương.

Xuân Quỳnh viết trước hết là cho con và tình mẹ con ở đây thật cụ thể. Có thể nói chị không viết gì ra ngoài kinh nghiệm sống của mình-như đã có lần chị nói: Thơ-đó là “món quà của một bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn nhỏ bây giờ”.

Là cô bé mồ côi mẹ, chị thiếu tình mẹ, còn cha cũng xa cách ngay từ bé. Đứa trẻ thiếu tình thương trong suốt cả tuổi thơ ấy là Xuân Quỳnh, khi làm mẹ, đã dồn biết bao nồng nàn tình thương cho những đứa con, tựa như để bù đắp cho những thiếu hụt và trống trải của chính đời mình. Trong thơ Xuân Quỳnh, đứa con là thiên thần, là đối tượng che chở và cũng là điểm tựa tinh thần cho người mẹ.

Xuân Quỳnh hai lần làm mẹ, là mẹ chung của cả 3 con-con riêng của mình, con riêng của Vũ và con chung với Vũ (nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ). Và là người mẹ không thiên vị của cả 3 con... Trên đời này có tình cảm nào thiêng liêng và ấm áp hơn tình mẹ con? Từ chỗ đứng của người lớn, hoặc của người đời nói chung để nói về tình mẹ, đó là cách nói quen thuộc của thơ: “Dẫu con đi đến suốt đời/ Vẫn không đi hết những lời mẹ ru” ("Lời ru").

leftcenterrightdel
Nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu 

Nhưng còn cách nói của con, của trẻ thơ? Trẻ chơi trò “Đi trốn đi tìm”. Chúng chẳng biết trốn đi đâu cho kín, bởi chỗ nào cũng sợ lộ. Đã trốn rồi, lại phải tìm nơi khác: Gầm bàn, xó tủ, ngách cửa... Vẫn chẳng đâu an toàn! Chỉ còn một nơi kín nhất: Trốn vào lòng mẹ.

Có gì đo được tình yêu mẹ? Ông trời-quá rộng. Thành phố, trường học-vẫn còn rộng và xa. Phải tìm cái gì gần gũi và cụ thể hơn, bởi: “Tính mẹ cứ là hay nhớ/ Lúc nào cũng muốn bên con”.

Thơ cho thiếu nhi không chỉ là phô bày, là diễn tả, là thể hiện mà còn là gửi gắm, là giáo dục. Có điều cần lưu ý là: Giáo dục cho các em những gì và giáo dục như thế nào? Có biết bao điều cần được gửi gắm trên trang giấy trắng tâm hồn. Nhưng cũng không thể nhồi hết vào thơ, bởi thế sự chuyển tải sẽ rất nặng lên câu chữ... Thế giới thiếu nhi trong thơ Xuân Quỳnh rất đáng yêu không phải ở sự góp nhặt mọi phẩm chất mà ta muốn có. Giản dị như mọi bậc bố mẹ thường yêu con, Xuân Quỳnh chỉ mong có ở bé một phẩm chất ngoan, bởi ngoan là chỉ dành cho trẻ. Vì riêng chữ ngoan, hình như là đã hội đủ các phẩm chất cần cho trẻ. Trẻ ngoan-con ngoan. Chỉ một chữ “ngoan”, đủ cho sự định hình nhân cách trẻ, đủ cho mọi chuẩn bị về tương lai của trẻ. Mọi hoạt động của trẻ, ở các lứa tuổi khác nhau đều được Xuân Quỳnh khai thác xoáy quanh phẩm chất ngoan này. Nó là chuyện bé tự làm lấy mọi việc, không phải nhờ cậy ai. Là chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ, ông bà. Là biết nhường nhịn em. Là nghe lời người lớn. Là vui khi được phần thưởng. Và càng vui khi phần thưởng ấy bé lại đem cho... Cái triết lý nhận và cho, đối với trẻ, phải được người lớn giải thích, như một chân lý hồn nhiên: “Cái ngoan mà đem cho/ Thì lại ngoan hơn nữa”. Bởi lẽ vị tha và vị kỷ, đó là sự phân ranh giới giữa tốt-xấu, thiện-ác, là hai cực đối lập trong đời người và trong thế giới loài người.

Không thể bỏ qua một phẩm chất làm nên đặc trưng của trẻ-đó là sự tò mò, là câu hỏi vì sao, là đòi hỏi cắt nghĩa về thế giới chung quanh. Theo năm tháng, thế giới này càng mở rộng dần biên độ, từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa, từ cụ thể đến trừu tượng. Thơ Xuân Quỳnh có nhiều bài viết theo hướng này: Vì sao? Mùa đông nắng ở đâu? Tại sao gà con sinh ra? Rồi “Chuyện cổ tích về loài người”, “Chuyện về những dòng nước”... Vì sao? Là dồn dập các câu hỏi, trong vô vàn câu hỏi: “Vì sao con cóc/ Nó hay nghiến răng/ Vì sao con còng/ Nó không nhắm mắt/ Không có chân có cánh/ Mà lại gọi con sông/ Không có lá có cành/ Lại gọi là ngọn gió/ Cái quạt bé như thế/ Thì gió ở vào đâu/ Biển ngày đêm thét gào/ Sao lại không khản cổ?”.

Bài thơ cứ thế mà kéo dài, bởi thế giới tự nhiên là vô tận. Cả nhà thơ và người lớn đều biết thế. Còn các em là người đọc lại không thể và không nên kéo dài. Bài thơ phải đến lúc dừng: “Con vịt con bé tí/ Không mẹ, nó không buồn/ Mà mẹ mới ra đường/ Vì sao con đã nhớ?”.

Từ thế giới tự nhiên, Xuân Quỳnh luôn hướng các em trở về với thế giới người. Từ câu hỏi đã chuyển sang câu xác định. Lại vẫn là sự xác định một lần nữa: Tình mẹ con.

Giải thích tự nhiên, qua cách nhìn trẻ thơ, rồi từ thế giới tự nhiên mà chuyển sang thế giới người, mà trở về đời sống xã hội, tôi ít thấy có ai thành công như Xuân Quỳnh. Bằng xét đoán thông minh và trí tưởng tượng phong phú, chị làm vui cho trẻ và làm kinh ngạc cả người lớn chúng ta: “Mí biết làm ra gió/ Chỉ bằng một chiếc quạt con/ Mí còn làm ra cả đêm/ Chỉ cần nhắm hai con mắt”.

Đó quả là logic ngược-đảo nhân thành quả, nhưng lại không có chút nào phi lý. Cái logic ngược này đã được Xuân Quỳnh thực hiện một cách xuất sắc trong bài “Chuyện cổ tích về loài người”, mở đầu bằng hai câu: “Trời sinh ra trước nhất/ Chỉ toàn là trẻ con”.

Trong tư duy dân gian: Trời sinh ra muôn loài. Còn với Xuân Quỳnh: Sau trời là trẻ con. Trẻ con được sinh ra trước tiên. Trẻ được sinh ra như là khởi nguyên của tất cả. Sau chúng, mới là sự sinh thành của tất cả những gì làm nên thế giới.

Và thế giới, trong cách dẫn dắt của người kể cổ tích Xuân Quỳnh là gồm một trật tự các sự vật xuất hiện theo một logic chặt chẽ bên trong, do nhu cầu của trẻ mà có, gồm mặt trời, rồi cây cỏ, chim muông, sông ngòi, biển mây, đường sá... Rồi mới đến mẹ, vì trẻ con cần tình yêu và lời ru. Rồi đến bà, vì trẻ cần nghe chuyện. Sau bà mới đến bố, vì trẻ cần hiểu biết. Do nhu cầu hiểu biết mà sinh ra chữ, bàn ghế, thầy giáo, phấn bảng. Từ bảng mà có lớp học. Và ở buổi học đầu tiên: “Thầy viết chữ thật to/ “Chuyện loài người” trước nhất".

Bài thơ đến đây là kết thúc; có thể nói là kết thúc trong một trật tự ngược. Thế nhưng người đọc là tất cả chúng ta và các em lại không ai bất ngờ, hoặc bất bình trước sự vô lý đó. Chỉ biết thích thú về sự có lý của một chuỗi những điều phi lý. Và sự chấp nhận đó là đi ra ngoài những logic thông thường. Vì có một logic khác, lớn hơn, bao trùm hơn, làm nền. Đó là: Sự tồn tại của cuộc sống bắt đầu từ sự chăm sóc trẻ thơ. Từ nhu cầu vì trẻ thơ. Sự tồn tại chung của loài người là vậy. Và tính ưu việt mà chế độ ta muốn có cũng là vậy. Bài thơ có nghịch lý nhưng không phi lý. Hẳn không ai phản đối Xuân Quỳnh đã bất chấp tri thức sinh học, nhân loại học, xã hội học mà đưa ra một lý thuyết “duy tâm” như vậy. Bởi chị là nhà thơ.

leftcenterrightdel

Bìa tập thơ "Bầu trời trong quả trứng" của Xuân Quỳnh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Trong đời thơ không dài, Xuân Quỳnh để lại một gia tài thơ cho thiếu nhi như là sự kết tinh mọi trải nghiệm của đời mình. Nếu mảng thơ về tình yêu là lời nói của trái tim: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” thì trong thơ viết cho thiếu nhi, Xuân Quỳnh đã, một lần nữa, từ tuổi thơ của chính mình mà đến với tuổi thơ của các em, như chị đã từng viết: “Là một người làm thơ cho các em, qua những đau khổ và khao khát thuở nhỏ, qua những lầm lỡ của tôi khi cư xử với các con tôi, tôi luôn luôn tự nhủ: Muốn viết cho các em điều đầu tiên là sự cảm thông với các em chứ không phải là sự áp đặt. Đừng bắt các em sống và nghĩ theo cách của mình. Nếu muốn giáo dục các em thì phải nhìn bằng con mắt của các em mà nhận xét, đánh giá mọi việc. Cách giải quyết bắt đầu từ đấy”.

Ngoài thơ, Xuân Quỳnh còn viết truyện, các truyện cho thiếu thi của chị được tập hợp trong "Tuyển tập truyện thiếu nhi", gồm 48 truyện (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1995). Những mẩu chuyện được viết với thứ ngôn ngữ giản dị mà trong suốt như gương, nếu được chọn cho các em học thuộc lòng, tôi tin sẽ rất có ích cho môn Văn ở nhà trường.

Trong nhiều dự định viết cho các em ở Xuân Quỳnh, cũng như trong thơ tình yêu và thơ của chị nói chung, ta gặp lại tâm thức quen thuộc về hạnh phúc là nhận và cho: “Đứng trước các em, tôi luôn luôn cảm thấy tôi là người mắc nợ, người có lỗi... Tôi tin rằng: Có các em trên mặt đất này, các em sẽ giúp đỡ tôi theo kịp được các em để những trang viết của tôi gần gũi và có ích cho các em hơn”.

Tiếc thay, tác động hai chiều như nhà thơ mong muốn và sự khơi nguồn ở mạch viết này, với Xuân Quỳnh đã phải dừng lại đột ngột ở tuổi 46.

PGS, TS VÂN THANH