Diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 15-10 đến 20-11. Không gian triển lãm được bố cục thành 4 phần chính: Phần 1-Truyền thống chống giặc ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam; Phần 2-Phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1930-1954); Phần 3-Phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) và Phần 4-Phụ nữ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan Triển lãm “Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc 
và bảo vệ Tổ quốc”. Ảnh: Đức Thuận

Trong triển lãm, nhiều hiện vật quý về phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã được giới thiệu đến khách tham quan, tiêu biểu như: Đồng tiền vàng cứu quốc của bà Lê Thị Sanh tham gia Tuần lễ vàng (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) vào năm 1946; vỏ quả bầu do phụ nữ xã Phú Nhượng (Tuần Giáo, Lai Châu) dùng tiếp tế nước cho du kích chống giặc, diệt 5 tên, thu 6 súng, năm 1948; hòm đạn chị Bùi Thị Tám (tức Ba Tứ) ở ấp Hiệp Hòa (xã Gia Hòa, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) vượt qua 3 hàng rào vào đồn địch, lấy ra được 11 hòm đạn với 9.240 viên và 8 quả đạn cối 81mm ở đồn Mỹ Hiệp mang về trang bị cho du kích, dùng diệt 200 tên địch, ngày 8-7-1973; túi xách của Thiếu tá tình báo Lâm Thị Phấn-“Người đẹp Tây Đô” đã sử dụng để vận chuyển, cất giấu tài liệu bí mật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nồi đồng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê xóm Rừng (thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã sử dụng để nuôi bộ đội trong kháng chiến…

Phát huy truyền thống “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang”, trong giai đoạn mới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh việc xây dựng gia đình hạnh phúc, họ còn là những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao giỏi, những trí thức tài năng, chuyên gia kinh tế xuất sắc, lao động sáng tạo vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà.

leftcenterrightdel
Từ trái qua phải: Vỏ quả bầu phụ nữ xã Phú Nhượng (Tuần Giáo, Lai Châu) dùng tiếp tế nước cho du kích chống giặc; Giấy khen và Quyết định khen thưởng của Ủy ban Mặt trận Việt Minh và bộ đội Mai Đà, Hòa Bình khen du kích Nguyễn Thị Bột vì có thành tích ngụy vận, ngày 28-8-1949; chông tre của du kích Mường San (Mộc Châu, Sơn La) dùng xây dựng làng chiến đấu, năm 1947.
leftcenterrightdel
Nồi đồng nuôi bộ đội của Bà mẹ Việt Nam 
anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam)

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT