Quy Đạt là một thị trấn cổ miền sơn cước, nằm cạnh ngã tư giao cắt giữa đường xuyên Á 12A nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn qua Cổng Trời-Cha Lo và đường xuyên Việt Hồ Chí Minh qua Khe Ve, Đá Đẽo, Khe Gát... là những địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngược dòng lịch sử, khi Phong trào Cần Vương kháng Pháp nổ ra, vua Hàm Nghi đã cùng các tướng sĩ yêu nước từ Huế chạy ra Quảng Trị rồi theo đường thượng đạo rút lên vùng rừng núi Minh Hóa, Quảng Bình, lập căn cứ Sơn Phòng. Kháng chiến thất bại, nhà vua bị bắt, nhiều quân sĩ và cung nữ trà trộn vào các bản làng sống mai danh ẩn tích, nhiều nhất là ở Quy Đạt và các xã xung quanh. Ngày nay, Quy Đạt là “miền gái đẹp” nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, bởi tập trung rất nhiều hậu duệ của các cung tần mỹ nữ triều Nguyễn từng theo xa giá nhà vua đi kháng chiến...

leftcenterrightdel
Cơm pồi, ốc khe và canh ong ở chợ rằm Quy Đạt

Còn nguồn gốc phiên chợ rằm ở Quy Đạt thì được kể như sau: Ngày xưa có ba anh em vào rừng tìm mật ong. Khi họ vào trong hang nghỉ, nhìn thấy nhiều hòn đá đủ hình thù rất đẹp, liền ôm về ba hòn giống tượng Bụt. Sau khi dừng chân bên suối uống nước, nhấc ba hòn đá lên thì không sao nhấc nổi nữa. Cố lắm mới nhấc được một hòn, nhưng đến chân thác Hói Chàm thì đành để lại. Từ đó, bà con dân bản gọi thác này là Thác Bụt. Vào dịp rằm tháng Ba, mọi người dân trong vùng đều đến Thác Bụt để cầu tự, cầu tài, cầu phúc, mong mưa thuận gió hòa, tránh thiên tai dịch bệnh... Phiên chợ rằm cũng hình thành từ đấy, nhưng không phải để mua bán mà chủ yếu là tổ chức các lễ hội. Ngày nay, phần hội được phát triển dưới dạng “Làng vui chơi, làng ca hát” vào ban đêm và thi đấu thể thao, thi ẩm thực vào ban ngày. Cạnh đó là chợ phiên Quy Đạt với nhiều loại hàng phong phú của miền sơn cước, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Ai lên Minh Hóa vào dịp rằm tháng Ba mà chưa thưởng thức món pồi chấm với mật ong rừng, nhắm ốc suối với rượu đoác thì coi như chưa lên miền sơn cước này. Tất cả được bày trên cái mẹt tre lót lá chuối, trên đó là đĩa pồi vàng ươm, nóng hổi, bát mật ong sóng sánh và đĩa ốc khe nhưng nhức mùi sả ớt cùng đĩa muối tiêu. Và thế nào cũng có cô chủ quán với chiếc váy thổ cẩm màu lam càng tôn thêm làn da trắng mịn và đôi mắt đen lúng liếng: “Chúng em không có sơn hào hải vị để tiếp đãi khách quý, chỉ có mấy món ăn dân dã này, xin mời các bác...”.

 Đúng là món ăn dân dã bởi được làm từ những cây nhà lá vườn, nhưng nghe nói làm ra được đĩa cơm pồi cũng thật lắm công phu. Nguyên liệu chính để làm món pồi chủ yếu là hạt ngô vàng được chọn lọc kỹ, cũng có nơi làm món pồi bằng gạo hoặc sắn, nhưng ngày hội rằm thì phải là ngô, vừa để cúng tổ tiên, vừa đãi khách. Pồi nấu xong thì xới ra bát hoặc vắt thành nắm để ăn, nếu đem bán thì làm thành đĩa hoặc ép khuôn như kiểu bánh trung thu. Bánh pồi chấm với mật ong là đặc sản vùng quê này. Mùi thơm và béo ngậy của ngô hòa cùng vị ngọt thanh của mật ong khiến thực khách thưởng thức mãi không chán. Ăn xong, bạn có thể mang về vài đĩa pồi và lít mật ong làm quà. Còn một món khác không thể thiếu trong dịp lễ hội này, đó là ốc khe. Ốc bắt ở khe suối từ vài ngày trước, ngâm nước vo gạo cho sạch, trộn gia vị, sả, ớt, phi hành mỡ thơm nức rồi xào lên, chuẩn bị ăn mới bưng ra, nóng hổi, thơm phức. Cứ một chén rượu, một miếng pồi, một miếng ốc khe ngọt lịm, có khi say sưa quên cả lối về. Pồi là thức ăn truyền thống của người dân Minh Hóa nên có câu ca rằng:

      Trời mưa nước chảy quanh hồi

Anh không lấy vợ ai đâm pồi anh ăn?

Đặc sản ẩm thực chợ rằm còn có canh ong, canh kiến. Người dân vào rừng tìm ong không phải để lấy mật mà chỉ lấy nhộng ong bầu, ong chành và ong vò vẽ để làm món đặc sản canh ong. Canh nhộng ong béo ngậy, vắt mấy quả tắc (giống quả chanh) thơm phức, ăn một lần nhớ mãi. Canh kiến thì được làm từ trứng của loài kiến vàng hoặc kiến đen làm tổ trên cao, đưa về nấu với lá cây bún mọc trong rừng. Lá bún khi hái về phải ủ chua bên bếp 3 ngày, đến khi chuyển màu vàng và có hương thơm thì đem nấu với trứng kiến, ai ăn một lần thì suốt đời không quên...

Đêm chợ rằm còn có tục “đi sim” rất độc đáo. Khi trăng rằm đã đứng bóng là khi muôn vàn âm sắc hòa quyện cùng với điệu hát đúm, hát sắc bùa, hò thuốc cá của các bản làng vang lên từ sân khấu ngoài trời. Đó cũng là lúc từng đôi trai gái hẹn hò bên bờ suối cạn, nhiều đôi nên vợ nên chồng từ dịp lễ hội rằm tháng Ba.

Nét đẹp hồn nhiên của các thôn nữ miền sơn cước, các món ăn truyền thống của người dân bản địa và những làn điệu dân ca địa phương đã níu chân du khách không chỉ vào dịp chợ rằm tháng Ba; như lời ca trong một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Hoàn: Ai lên Quy Đạt quê mình/ Chè xanh mật ngọt đượm tình nước non…

Bài và ảnh: XUÂN VUI