Trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm rõ những vấn đề của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Phóng viên (PV): Trước tác động của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Thời gian qua, một số địa phương tiêu biểu như: Kiên Giang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Giang, Hòa Bình... đã triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nội tỉnh, nội địa.

Tuy vậy, trên thực tế, để mở cửa đón khách và khôi phục lại hoạt động du lịch thì còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, điển hình như: Sự chênh lệch lớn về độ phủ vaccine giữa các địa phương, bao gồm cả tỷ lệ vaccine cho lao động ngành du lịch kéo theo hạn chế khả năng đón khách của các điểm đến; quy định công nhận hộ chiếu/chứng nhận tiêm chủng vaccine, quy định đi lại, cách ly chưa thống nhất giữa các địa phương.

Nhiều địa phương chưa công bố chính thức các dịch vụ, điểm đến được phép hoạt động để doanh nghiệp thiết kế chương trình du lịch. Chưa có chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại về vấn đề an toàn của các điểm đến và xu hướng đi du lịch gia đình, trong khi đa phần trẻ em lại chưa được tiêm vaccine.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh: TITC

Những vấn đề trên đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp cần có những nhóm giải pháp rất cụ thể. Trước hết, phải bảo đảm an toàn cho khách du lịch; đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp để thích ứng với bối cảnh bình thường mới; tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch về các điểm đến an toàn.

Trong bối cảnh hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần quan tâm, đầu tư hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách; xây dựng kế hoạch đào tạo cho đội ngũ nhân lực ngành du lịch trước thực trạng bị hao hụt, ảnh hưởng rất nhiều vì dịch bệnh.

Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, luôn bám sát, cập nhật đề xuất từ phía doanh nghiệp du lịch về các hình thức hỗ trợ, như: Gói hỗ trợ tài khóa, lãi suất ưu đãi cho vay; giãn, hoãn các khoản thuế, phí...; quan tâm tới việc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hướng dẫn viên du lịch...

PV: Mới đây, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, du lịch thời gian tới sẽ có những cơ hội như thế nào để phục hồi, thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách chuyển từ trạng thái “Không Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP đã định hướng, mở đường cho ngành du lịch, đặc biệt tại các địa phương và doanh nghiệp đã sẵn sàng cho khôi phục hoạt động du lịch trở lại.

Phục hồi du lịch Việt Nam đang được đánh giá tích cực ở hai thị trường chính: Khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa (đóng góp gần 45% tổng thu du lịch Việt Nam); từng bước mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế theo các giai đoạn phù hợp (đóng góp 55,7% vào tổng thu du lịch Việt Nam năm 2019). Việc khôi phục, mở cửa thị trường quốc tế là dấu ấn quan trọng thể hiện du lịch Việt Nam sẵn sàng hội nhập và tham gia thị trường toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh.

Việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và những thích ứng trong điều kiện mới là cơ sở thu hút khách quốc tế quay trở lại; phục hồi thị trường khách du lịch nội địa sẽ thúc đẩy khôi phục hoạt động kinh doanh, nối lại các đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch và liên quan, thu hút lao động ngành du lịch trở lại làm việc, từng bước phục hồi ngành du lịch. 

PV: Du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19 có thay đổi gì so với trước đây, thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Trong tình hình hiện nay, ngành du lịch đề ra phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó” theo lộ trình cụ thể với cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.

Sau thời gian căng thẳng vì dịch bệnh và giãn cách, bị hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng mạnh và có xu hướng quan tâm đến sản phẩm du lịch bảo đảm an toàn, như: Đi lẻ, gia đình, nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái, tránh đến nơi tập trung đông người... Các doanh nghiệp sẽ phải chủ động điều chỉnh, xây dựng sản phẩm phù hợp; vai trò của các liên minh, liên kết giữa những điểm đến, doanh nghiệp, hàng không, khách sạn... sẽ cần phát huy nhằm xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn... để đáp ứng các nhu cầu thay đổi của du khách trong bối cảnh mới.

leftcenterrightdel

Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: TUẤN HUY 

PV: Hiện tại, ông đánh giá đâu là sản phẩm, lĩnh vực thế mạnh của du lịch Việt Nam khi mở cửa du lịch?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Những năm gần đây, Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực và thế giới. Chúng ta đã có những bước phát triển đột phá về năng lực cạnh tranh, tăng trưởng lượng khách, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Đặc biệt, trong thời gian thế giới đang phải đối mặt với dịch Covid-19, Việt Nam vẫn liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng du lịch quốc tế uy tín về điểm đến du lịch hàng đầu châu Á và thế giới. Đó chính là minh chứng rõ nét cho thương hiệu du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

Trong bối cảnh bình thường mới, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đang đồng loạt lên kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam phát huy thế mạnh thương hiệu du lịch sẵn có để chào đón du khách quốc tế trở lại. Việt Nam tiếp tục phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính là: Du lịch nghỉ dưỡng biển,đảo, du lịch văn hóa gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, triển lãm...). Các dòng sản phẩm chủ đạo thời gian tới được xác định là du lịch nghỉ dưỡng biển, núi; du lịch văn hóa khai thác thế mạnh của các di sản văn hóa và du lịch ẩm thực nhằm mang lại những trải nghiệm an toàn, hấp dẫn cho khách du lịch.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh dạn như Thái Lan

Du lịch quốc tế của đất nước hàng xóm Thái Lan đã bắt đầu khởi động từ ngày 1-7, với Chương trình “Hộp cát Phuket”, thí điểm đón khách đến đảo không cần cách ly. Những điều kiện đưa ra như: Là người đến từ nước nguy cơ trung bình và thấp, đã tiêm đủ vaccine trước 14 ngày, đáp ứng những quy định về điều kiện bảo hiểm y tế, có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ... Những quy định về cách ly được dần nới lỏng, giảm xuống còn sau 7 ngày trên đảo có kết quả xét nghiệm âm tính, khách có thể đến một số điểm, và sau 14 ngày vẫn âm tính thì có thể đi các nơi ở Thái Lan. Trước đó, gần 70% người dân trên đảo đã được tiêm hai mũi vaccine. Đảo Phuket giống như một khu vực cách ly "mềm" trước khi khách du lịch tiếp tục hành trình khám phá Thái Lan. Mô hình được triển khai thêm tại một số địa điểm ở nước này. Sau 3 tháng, dù không đạt được như kỳ vọng ban đầu là thu hút 100.000 lượt khách nhưng “Hộp cát Phuket” đã đón được gần 40.000 khách, giúp thu về khoảng 66 triệu USD cho hòn đảo và thêm hàng trăm nghìn USD cho ngành du lịch Thái Lan khi cho phép khách từ Phuket có thể đến các địa phương khác.

Sau giai đoạn thí điểm, Thái Lan đã triển khai các giai đoạn mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Đến tháng 11 đã có hơn 10 điểm, và tới đây, từ ngày 1-12 dự kiến sẽ có thêm 20 địa phương nữa ở Thái Lan được mở cửa đón khách quốc tế. Ngay khi Chương trình “Hộp cát Phuket” được triển khai và mang lại những kết quả ban đầu, đây được đánh giá là mô hình phù hợp để Việt Nam tham khảo triển khai thí điểm với đảo Phú Quốc.

 

 Singapore - chậm và chắc

Chậm và chắc, Singapore cũng khởi động chương trình du lịch không cách ly từ đầu tháng 9, bắt đầu với khách đến từ những nước tỷ lệ lây nhiễm thấp như Brunei và Đức. Và mới đây, nước này tiếp tục thông báo cho phép khách từ nhiều nước đã tiêm đủ hai mũi vaccine như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ sẽ không cần kiểm dịch cách ly, chỉ cần xét nghiệm tại sân bay.

Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Singapore đã đóng cửa biên giới với khách du lịch và người có visa ngắn hạn. Kinh tế Singapore đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng khiến chính phủ phải tung các gói hỗ trợ “khủng” để vực dậy nền kinh tế. Từ chiến lược “không Covid-19”, Singapore chuyển hướng sang “sống chung với Covid-19” khi quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế. Trước đó, Singapore là nước có tỷ lệ phủ vaccine thuộc nhóm cao nhất thế giới, với hơn 80% dân số. Nhiều chương trình quảng bá cho thành công phòng, chống dịch cũng được triển khai bằng cả những hoạt động ngoại giao để chứng tỏ độ an toàn trước Covid-19 và thái độ đã sẵn sàng chào đón khách quốc tế ở đất nước này.

Từ khi mở cửa du lịch quốc tế, Singapore ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng lên, dù hầu hết không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Để “sống chung với Covid-19”, khẩu trang, ứng dụng truy vết, hạn chế đông người vẫn là quy định mang tính bắt buộc ở Singapore. Cùng với đó, chính quyền cũng thắt chặt quy định với người chưa tiêm vaccine để bảo đảm hạn chế sự ảnh hưởng của dịch bệnh tới ngành du lịch.

THU HÒA (thực hiện)