Chiều 8-5-1963, Quốc hội họp phiên bế mạc, sau khi Phó chủ tịch Quốc hội Xuân Thủy trình bày chương trình phiên họp, từ trên ghế đoàn Chủ tịch kỳ họp, Bác giơ tay xin phát biểu ý kiến. Đồng chí Xuân Thủy trân trọng mời Bác. Bác đứng lên nhìn mọi người một lượt rồi nói:
“Thưa các đồng chí đại biểu,
Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội.
Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội.
Tổ quốc ta hiện nay đang tạm bị chia cắt làm đôi. Bọn đế quốc Mỹ đang tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam… Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, đồng bào miền Nam đang hằng ngày hằng giờ hy sinh xương máu, anh dũng đấu tranh, kiên quyết chống bọn cướp nước hại dân, để giành lấy quyền tự do, quyền sinh sống… Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam.
Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ-Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng của Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất.
Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này:
Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng”.
Cả hội trường đứng dậy vỗ tay, hết đợt này đến đợt khác. Tiếp đó, Bác đọc mấy câu thơ:
Bảy mươi ba tuổi vẫn còn xuân
Còn nhiều trách nhiệm với nhân dân
Bao giờ đất nước ta thống nhất
Bấy giờ Quốc hội mới trao Huân
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III diễn ra từ ngày 25-6 đến 3-7-1964. Bác dự tất cả các phiên họp. Kỳ họp kết thúc, Bác đọc Lời phát biểu bế mạc kỳ họp với những lời giản dị, chân thành và đầy trách nhiệm:
“Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trong khi toàn dân ta đang hăng hái thi đua “mỗi người làm việc bằng hai” vì chủ nghĩa xã hội, vì thống nhất nước nhà, thì kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa III của chúng ta cũng làm việc khẩn trương và thành công tốt đẹp.
Thay mặt các đồng chí đã được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, tôi xin cảm ơn Quốc hội đã tỏ lòng tín nhiệm. Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội.
Về phần tôi,
Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III, ngày 19-5-1968, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ đọc báo cáo trước Quốc hội. Nhân đúng ngày sinh của Bác, với lòng tôn kính, Thủ tướng ca ngợi vai trò và sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Quốc hội đồng tình, vỗ tay nhiệt liệt.
Ngày 20-5, tại phiên họp toàn thể, trong bài phát biểu của mình, Bác nói:
“Đồng chí Thủ tướng vừa ca tụng Hồ Chủ tịch một cách hơi quá. Nhân đây tôi có một bài thơ mới nghĩ ra, nhờ các đại biểu ai làm thơ hay và hay làm thơ thì sửa lại cho hay. Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ thế này.
Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta”.
Cả hội trường đứng dậy vỗ tay.
Ba bài thơ Bác đọc trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước ai cũng xúc động.
Lời Bác phát biểu xin chưa nhận Huân chương cao quý rất giản dị, chân thực, khiêm tốn, thấu tình, thấu lý, thuyết phục được mọi người. Quốc hội và quốc dân đồng bào đánh giá cao nghĩa cử, đạo đức của Bác.
Về hai bài thơ: Bảy mươi tư tuổi, Bảy mươi tám tuổi, Bác rất có ý thức về tuổi tác hiện thời của Bác. Đối với Bác, tuy tuổi cao nhưng vẫn không già, vẫn chưa già lắm bởi Bác quan niệm, dù tuổi tác bao nhiêu, với Bác vẫn là tuổi cống hiến, tuổi làm việc vì dân vì nước. Càng già càng dẻo lại càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai.
Trước đó, Bác đã có một số bài thơ viết về tuổi cao với cách nhìn và quan niệm tươi trẻ, khỏe khoắn: Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già (Không đề, 1949), Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán (Sáu mươi tuổi, 1950), Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai (Thất cửu, 1953)...
Khi Bác đã 74 tuổi thì đã là tuổi già, tuổi xưa nay hiếm, nhưng Bác cảm thấy mình vẫn không già, hay khi bước vào tuổi 78, Bác không chối bỏ tuổi già, nhưng Bác tự thấy mình vẫn chưa già lắm bởi Bác ngày đêm làm việc không biết mỏi, làm việc không ngừng nghỉ, cùng với Đảng lãnh đạo quân và dân cả nước trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, chiến đấu anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong hai bài thơ, Bác nói rõ và cũng là tâm sự muốn được thổ lộ, chia sẻ với đồng bào, đồng chí qua những người đại diện là đại biểu Quốc hội. Hai câu trong hai bài thơ: Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta (Bảy mươi tư tuổi); Tiến bước! Ta cùng con em ta (Bảy mươi tám tuổi), Bác bộc lộ chân thành và khiêm tốn tự đáy lòng mình, từ sự minh triết nhất về một sự suy nghĩ của người cao tuổi vượt lên trên những hạn chế của tuổi tác, vẫn cố gắng làm tròn nhiệm vụ đặt ra cho chính mình. Vẫn vững hai vai việc nước nhà, vẫn Còn nhiều trách nhiệm với nhân dân, vẫn một niềm lạc quan cách mạng và động viên thế hệ trẻ vững bước tiến lên, vẫn cùng con cháu phấn đấu hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Đọc hai câu thơ Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta; Tiến bước! Ta cùng con em ta, chúng ta càng cảm phục, kính yêu Bác, một con người hiến dâng cuộc đời cho dân cho nước, một con người vượt lên, vượt qua tất cả, làm chủ mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi tình thế.
Nhà văn LÊ XUÂN ĐỨC (*)
(*) Nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII