QĐND - Trong lúc chúng tôi chưa hết bàng hoàng trước sự hoang tàn của khu đền thờ Nguyễn Thiếp ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, thì một ông già lọm khọm bước vào mảnh sân gạch đã bung lên nứt nẻ, tự giới thiệu là cháu đích tôn đời thứ 16 của danh nhân La Sơn Phu Tử. Đó là cụ Nguyễn Văn Giai, hiện đang đảm nhiệm trông coi, thờ cúng đền thờ này. Tôi xúc động nắm lấy bàn tay người mang dòng máu của người đã hiến kế sách quan trọng giúp Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh, sau đó dâng chiếu khuyên nhà vua thực hiện các kế sách an dân, giữ nước.
Cụ Nguyễn Văn Giai có dáng gầy, mặt khắc khổ, nhưng giọng nói vang và ấm. Thời trước, dòng họ Nguyễn này là một trong những họ có nhiều người đỗ đạt cao, được gọi là họ khoa bảng của miền sông La núi Hồng, rạng rỡ nhất là Nguyễn Thiếp. Tương truyền, sau đại thắng quân Thanh, trên đường về Phú Xuân, vua dừng lại ở Hà Tĩnh mời Nguyễn Thiếp xuống núi bàn chuyện quốc sự và cấp cho Nguyễn Thiếp "tiền thuế điền thổ cả xã Nguyệt Ao để làm tuế bỗng", nhưng Nguyễn Thiếp đã dâng sớ từ chối, rồi đưa gia quyến lên lập trại Bùi Phong, thuộc triền Hồng Lĩnh, để trồng cây, dạy học, đọc sách. Cụ Giai chia sẻ:
- Chúng tôi không được học hành chu đáo, nên khi khách đến thăm kể lại mới hiểu thêm công lao và đức độ của ông tổ Nguyễn Thiếp.
Theo cụ Nguyễn Văn Giai, thời trước ở nhà thờ này còn nhiều câu đối, hoành phi về La Sơn Phu Tử, nhưng qua binh lửa, vật đổi sao dời, mất mát hết. Giờ đây, hai gian từ đường chỉ còn cái bệ thờ xây bằng xi măng, trong ngôi đền chính bằng ba gian nhà gỗ tạp, một cái án hương đơn sơ, có hai con ngựa đất đứng hai bên, phía trên là bằng chứng nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, mấy chiếc ghế bàn mục dồn lại một góc nhà.
Trong suốt buổi sáng, cụ Giai và chúng tôi ngồi ở bậc thềm đá mòn dấu chân người xưa để trò chuyện về La Sơn Phu Tử và hậu duệ của danh nhân. Tôi thốt lên sự bức xúc đang chất chứa từ khi thấy ngôi đền hoang tàn này:
- Sao để nơi thờ phụng danh nhân nổi tiếng đất nước thế này, thưa cụ?
Cụ Giai như thấy mình có lỗi:
- Di tích này được chứng nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhưng chẳng thấy ai đoái hoài, còn họ Nguyễn chúng tôi hầu hết làm ruộng nên nghèo, muốn tu bổ cũng chẳng có tiền.
Quả thật, bốn bức tường của ngôi đền lở lói, cỏ gai phủ kín vườn, mái ngói đền thờ chính cũng đã bị mục dột nhiều chỗ, đến cái cổng sắt cũng đã xiêu vẹo. Nghe nói, hằng ngày trâu bò vẫn tràn vào đây gặm cỏ.
Khi hỏi về cháu chắt hậu duệ La Sơn Phu Tử, cụ Giai cho biết, dòng họ Nguyễn Thiếp đã có hơn 100 hộ, riêng cụ Giai có 6 người con đều đã lập gia đình, phần lớn làm ruộng, cần cù chất phác. Thời trước có gia đình túng thiếu trong buổi giáp hạt, tháng ba ngày tám, nhưng bây giờ lương thực dư thừa. Thành đạt nhất họ có Đại tá Nguyễn Hữu Tô và kỹ sư Nguyễn Văn Quyết, hiện đã nghỉ hưu, sống ở Hà Nội. Hằng năm, ngày giỗ tổ đều họp mặt đông đủ và lúc nào cũng nêu ra vấn đề tu bổ đền thờ Nguyễn Thiếp, nhưng không thể thực hiện nổi vì thiếu kinh phí. Thành ra phương án cả chục năm nay vẫn chỉ là... ý định.
Ra khỏi cổng đền thờ Nguyễn Thiếp là con đường lớn trải nhựa, các ngõ hẻm đã được đổ bê tông, nhà dân cũng đã xây tường, lợp ngói đỏ, rất nhiều nhà lên một hai tầng. Làng Mật của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã không còn nhà tranh vách đất. Kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả đáng khích lệ, làng xóm đẹp hơn, đời sống vật chất của nhân dân dần được nâng lên, nhưng đa số thanh niên trong làng, kể cả con cháu hậu duệ Nguyễn Thiếp, vẫn tìm cách ly hương tứ xứ, "hấp dẫn" nhất vẫn là các thành phố lớn trong Nam, ngoài Bắc. Phải chăng, một phần là do môi trường văn hóa tinh thần chưa đáp ứng để họ ở làng lập nghiệp? Một trong những nguồn cội của văn hóa, chính là phải trân trọng bảo vệ di sản của cha ông. Sự nghiệp cứu nước và văn chương của Nguyễn Thiếp - La Sơn Phu Tử là di sản lớn không chỉ của miền sông La núi Hồng mà của cả nước ta. Việc xây dựng, tôn tạo, gìn giữ di tích lịch sử văn hóa này hẳn không phải của riêng một dòng họ và vì thế đang trở nên rất cấp bách.
NGUYỄN QUỐC TRUNG