Nhưng đã được “phòng thủ” từ trước, hàng trăm chiếc bao tải, tấm nilong được anh em bung ra để che nước. Bóng người, bóng xe cộ, máy móc đan vào nhau, hối hả trong làn mưa nhạt nhòa. Một cơn mưa tệ hại, chả làm lung lay được quyết tâm của những người lính đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho một sân đậu máy bay mới, phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC-2017 tại thành phố biển xinh đẹp này.

leftcenterrightdel
Công ty ACC 23 thi công mở rộng sân đỗ máy bay tại Sân bay Đà Nẵng. 
Đã đến rất nhiều công trình xây dựng của Tổng Công ty ACC trên khắp mọi miền đất nước, nhưng bước vào công trình của Công ty ACC 23 trên Sân bay Đà Nẵng, chúng tôi vẫn háo hức như mới biết đến lần đầu. Vẫn là cảnh người xe đội nắng, đội mưa, vẫn là những kỹ sư, công nhân như những chú ong thợ cần mẫn đang xây tổ, mà chúng tôi mê mẩn ngắm nhìn họ không biết chán. Thích thú hơn khi những anh, những chị công nhân lại lầm tưởng chúng tôi là anh kỹ sư, chị thiết kế nào đó đang đi kiểm tra, nghiệm thu công trình.

Dẫn chúng tôi thăm công trường, Thiếu tá Nguyễn Huy Bình, Giám đốc Công ty ACC 23 và Đại úy Phạm Văn Thái, Chủ nhiệm Chính trị công ty rất hăm hở. Đầu đội nắng, chân đạp bê tông, trông các anh chẳng khác gì những chàng lái xe, cô công nhân trên công trường. Gương mặt rạng rỡ trên một làn da đầy màu nắng, cho thấy những năm tháng ăn ngủ ở công trường, thao thức với những công trình của mọi người đau đáu đến mức nào. Có lẽ những công trình xây dựng đã tạo riêng cho con người ACC một phong cách rắn rỏi, khoan thai và tự tin đến khâm phục. Nguyễn Huy Bình thủ thỉ: “Đây là công trình rất có giá trị đối với Sân bay Đà Nẵng. Mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc, cùng với sân đỗ của Sư đoàn Không quân 372, sẽ nâng tổng số bến đỗ lên con số 43 để phục vụ APEC 2017. Chúng tôi đã huy động tối đa phương tiện máy móc, nhân lực và nguồn kinh phí để thi công chất lượng tốt, đúng tiến độ thời gian và đạt độ thẩm mỹ cao”.

Có lẽ phải tin tưởng lắm, ngành hàng không mới giao cho Công ty ACC 23 thi công mở rộng sân đỗ máy bay và Nhà ga khách VIP đón nguyên thủ quốc gia các nước thành viên APEC đến với Đà Nẵng. Kể từ khi được lựa chọn thi công những công trình này, lãnh đạo và đội ngũ công nhân, nhân viên ACC 23 rạo rực lắm. Vui nhiều, nhưng lo cũng không ít. Chả là thời gian thi công tương đối gấp (chỉ 6 tháng), thời tiết miền Trung trong thời gian mưa bão, rồi tiền vốn, tìm nguồn vật liệu xây dựng, điều phương tiện, nhân lực nữa... Bao nhiêu thứ lo dồn vào đầu óc lãnh đạo và những người thợ. Nếu thời tiết thuận thì cũng không phải suy nghĩ về tiến độ. Hay việc thiếu vốn, thiếu phương tiện, nhân lực thì Tổng công ty sẽ hỗ trợ, nhưng tìm nguồn cung cấp vật liệu mới là bài toán khó.

Từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng là một đại công trường thi công các công trình phục vụ cho APEC. Nào là làm Trung tâm báo chí, công trình hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, cải tạo Cung thể thao Tiên Sơn, làm nhà ga quốc tế mới cho sân bay... Những công trình này ngốn hết cả triệu m3 đá, cát và hàng trăm tấn sắt thép chứ chả chơi. Để có vật liệu xây dựng, Giám đốc Nguyễn Huy Bình, cùng các phó giám đốc và cả kế toán trưởng cũng phải chạy đôn đáo đi khắp miền Trung. Nhiều chỗ phải đặt cọc trước vài tỷ đồng mới có đá, cát. Lấy hàng rồi cũng phải “tiền tươi, thóc thật” mới có thể lấy tiếp lần sau. Thời buổi này mà làm xây dựng đi mua đá, cát cứ như đi mua vàng, bạc thì quả thật rất đau đầu. Ấy vậy mà vẫn cứ phải tìm, vẫn phải mua cho bằng được. Tất cả cứ hối hả, tất bật và say mê với nhiệm vụ như những người “nghiện” làm các công trình từ mấy chục năm nay vậy.

leftcenterrightdel
Công ty ACC 23 thi công mở rộng sân đỗ máy bay tại Sân bay Đà Nẵng. 
Thi công mở rộng sân đỗ máy bay ở Đà Nẵng không phải là độc quyền về mặt bằng, mà vừa phải thi công, vừa phải bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động bay. Việc thi công phải chia ra làm các giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 60-75 ngày. Chỗ nào làm xong phải tổ chức nghiệm thu và bàn giao ngay cho ngành Hàng không để làm chỗ khác. Mọi thông số kỹ thuật phải đúng chuẩn mới bàn giao được. Làm đường sá còn có thời gian theo dõi sụt lún, chứ làm đường băng, sân đỗ mà sụt lún là "ăn đòn" liền. Thế rồi phải tìm cách ngăn bụi, bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu xử lý chất độc dioxin nằm sát bên cạnh theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Công việc hối thúc phải khẩn trương, chính xác, nhất là thi công Nhà ga khách VIP phải theo chuẩn quốc tế, khiến nhiều ngày lãnh đạo ACC 23 mất ăn, mất ngủ. Hoàn thiện nhà ga này phải tính toán chi ly, phải lựa mua những bộ bàn ghế, những trang thiết bị, những bức tranh trang trí bảo đảm tốt nhất, tiện ích nhất và đẹp nhất, kể cả phải ra nước ngoài tìm. 

Khi gặp tôi trong buổi Lễ khởi công Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa đầu tháng 9 vừa qua, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ACC tiết lộ: “Công trình mở rộng sân đỗ máy bay và khu Nhà ga khách VIP ở Sân bay Đà Nẵng có ý nghĩa chính trị rất lớn. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc cũng như các phòng, ban chức năng đã dồn vốn, dồn sức lực và phương tiện để Công ty ACC 23 hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Tôi và Nguyễn Anh Tuấn đã có nhiều kỷ niệm khi anh là kỹ sư trưởng trong Dự án mở rộng Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) 13 năm về trước. Cái ngày mà các anh phải bóc hơn hai trăm ngàn m3 đất hữu cơ trong thung lũng Liên Khương đổ đi chỗ khác, rồi lại phải tìm gần tám trăm ngàn m3 đất khoáng ở xung quanh đổ vào để lu lèn, trải bê tông, lắp các hệ thống đèn trong những mùa mưa rừng. Sống và làm việc giữa đại ngàn đầy muỗi vắt, rồi bị đau dạ dày, bị sốt rét tím môi, tái da nhưng Chỉ huy trưởng công trình Hà Duy Khanh và kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn vẫn ngày đêm thao thức, lăn lộn cùng anh em trên công trường. Những ngày khô da, bạc tóc, hõm mắt với Tây Nguyên của những người lính ACC mới có được một Sân bay Liên Khương rộng dài, hiện đại như ngày hôm nay, để rồi bao du khách ngẩn ngơ, mơ màng khi đến với xứ ngàn hoa từ trên trời cao.

Tôi cũng cùng các cán bộ gạo cội của ACC như Bùi Vinh, Đàm Hưng Tộ, Đặng Hùng, Nguyễn Văn Hà đi Côn Đảo, Phú Quốc, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cam Ranh, Phù Cát, Plây Cu... Càng đi, tôi càng hiểu, càng yêu những con người của ACC gấp bội phần. Mà không yêu thương, không trân trọng và cảm phục họ sao được, khi ACC chính là đơn vị đã dệt nên nhiều đường băng, sân đậu máy bay, các công trình dân dụng, công trình quốc phòng và những công trình hàng không khác trên đất nước hình chữ S của chúng ta. Có thể tự hào mà nói rằng, những người lính ACC đi đến đâu là đường băng, sân đậu, đường sá, nhà cửa... mọc lên đến đó. 

Mải nghĩ miên man, chúng tôi đứng trước những tấm thảm thép được đan chặt để chuẩn bị rải bê tông từ lúc nào không hay. Đại tá Nguyễn Xuân Cường, người đã ngấp nghé tuổi lục tuần, đã từng làm Giám đốc của ACC 23 nhiều năm, đang cùng Ban giám đốc ACC chỉ đạo anh em công nhân chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho khối bê tông đầu tiên đổ xuống. Cạnh anh Cường là Phó giám đốc Công ty ACC 23 Lê Văn Tiến, Thiếu tá QNCN Bùi Văn Đạt-Đội trưởng Đội Cơ giới, Đại úy QNCN Trương Minh Tròn-Kỹ sư trưởng, rồi cả Trưởng phòng Tài chính Trần Đăng Hải nữa... Hình như cả Công ty ACC 23 đang muốn tổ chức một lễ hội lớn vào chiều thu Đà Nẵng.

Chúng tôi cứ nghĩ việc đổ bê tông nó ồn ào lắm, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Tất cả đều theo một guồng máy uyển chuyển, tuần tự và nhịp nhàng đến khó tin. Những dòng xe chở bê tông nối đuôi nhau vào vị trí. Những tốp người hối hả gạt đều khi bê tông được phun xuống. Chiếc máy san gạt bê tông, máy thảm bê tông cứ tiến đi, tiến lại như thoi dệt. Chúng tôi cứ nghĩ như mình đang được xem các diễn viên, các nghệ nhân thể hiện tài biểu diễn về xây dựng trên một sân khấu rộng dài tới hàng chục ngàn m2.

Trên đầu là nắng gió miền Trung, dưới đất là hơi nóng của mặt bê tông. Kiểu thời tiết hầm hập, loang loáng khí trộn lẫn với bụi đất cát, khiến bất cứ ai đứng trong khoảng sân này đều cảm thấy bứt dứt, nồng nặc và nhầy nhụa mồ hôi. Những người lính ACC 23 thì chẳng để ý gì đến nắng gió, đến bụi bẩn. Họ làm việc như quên cả không gian, quên cả thời gian của Đà Nẵng, để những thảm bê tông cứ dày lên, trải dài ra trong ánh mắt. Anh lái xe thảm bê tông Vũ Văn Hiệp, quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định tếu táo với chúng tôi: “Nóng bụi ở đây chưa ăn nhằm gì đối với tụi em đâu. Có thời điểm anh em còn phải làm việc trong cái nóng gần 50 độ C, rồi dầm mình trong những trận mưa xối xả cơ. Ngồi trong cái nóng, cái bụi mà có người còn hát, còn ngâm thơ được đấy”. Tôi đã từng biết cái chất vô tư, hồn nhiên của dân ACC từ lâu rồi, nhưng nghe Hiệp nói vẫn thấy vui vui đến lạ.

Giám đốc Nguyễn Huy Bình nói vào tai tôi: Những lúc cao điểm, đơn vị phải huy động từ 150-200 người làm việc trên công trường. Để hoàn thành tiến độ đề ra, công ty bố trí làm việc 3 ca một ngày, xoay vòng liên tục 24/24 giờ, làm cả ngày lễ, ngày Tết. Hiện Công ty ACC 23 không chỉ thi công công trình hàng không phục vụ APEC ở Sân bay Đà Nẵng, mà còn thực hiện nhiều công trình khác ở Sân bay Chu Lai, Phù Cát. Công việc ngập đầu, khiến một số cán bộ, công nhân muốn về thăm gia đình của mình cũng khó. Hoàng hôn nhuộm Đà Nẵng thành màu tím thủy chung. Trên sân đỗ, tiếng xe chạy, tiếng đổ bê tông vẫn rộn rã dội vào lòng người. Chúng tôi đã nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc trên môi các lãnh đạo và anh, chị em công nhân có mặt trên công trình. 

Đà Nẵng vào thu xanh thẳm, xao xuyến trong tâm hồn những người lính thợ ACC 23. Trong sự xốn xang ấy, công trình Nhà ga khách VIP và sân đỗ máy bay mở rộng tại Sân bay Đà Nẵng cũng vừa được Tổng Công ty ACC bàn giao cho ngành hàng không dân dụng. Chỉ một tháng nữa thôi, nơi đây sẽ đón chào nguyên thủ quốc gia, cùng đoàn đại biểu cấp cao các nước đến dự Tuần lễ APEC 2017. Ai cũng tin rằng, trong những ấn tượng và tình cảm của bè bạn quốc tế dành cho Việt Nam, có ấn tượng về những công trình hàng không tại Sân bay Đà Nẵng do những người lính ACC thi công. Đó là những ấn tượng đầu tiên, cũng là ấn tượng lúc chia tay, để cộng đồng APEC nhớ về Việt Nam, tin yêu Việt Nam và hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ chúng ta nhiều hơn, để Việt Nam tiếp tục bay cao, bay xa trên con đường hội nhập và phát triển.

Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh, tháng 10-2017

Ghi chép của PHI HÙNG - KIM NGÂN