Cái tên cà phê muối đã tự nồng lên vị mằn mặn của biển cả. Ấy thế mà khi lần đầu được nhấp ngụm cà phê muối, thực khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi hương vị đặc biệt vô cùng được tổng hòa từ những thành phần tưởng chừng rất bình thường. Đó là lớp sữa tươi lên men bùi ngậy, lớp cà phê đen thơm lừng, nồng đậm và lớp muối nhẹ nhàng tan trong miệng một cảm giác lạ lẫm rất khó diễn tả.

leftcenterrightdel
Cà phê muối xứ Huế

Thực chất, việc chế ra món cà phê muối không quá khó. Tuy nhiên, tạo ra được sự cân bằng để thành phẩm có vị ngọt nhưng không béo ngậy, thơm thoang thoảng mùi cà phê chứ đừng gắt, vị mặn vừa vặn thấm nhẹ dần trên đầu lưỡi chứ đừng sắc tựa dao cau, còn tùy thuộc vào tài năng của mỗi người pha chế.

Có lẽ vì cái sự thi vị của cà phê muối mà người Huế coi thức uống này là cà phê của tình yêu. Trong đó, có đủ gia vị ngọt ngào, cay đắng và mặn mà.

Đến Huế, ngồi nhấm nháp gia vị của tình yêu ấy trên Gác Trịnh-căn gác trước kia nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và viết nên nhiều tình khúc nổi tiếng-có lẽ là cái thú không thể bỏ qua. Ly cà phê muối càng thêm đậm đà bên câu chuyện về mối tình đầu sâu đậm của người nhạc sĩ tài hoa. Gác Trịnh chính là nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Diễm xưa”, ca khúc gắn với câu chuyện về cô nữ sinh Ngô Thị Bích Diễm...

Sau này, những người yêu nhạc Trịnh đều cho rằng, Diễm là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Diễm đã trở thành một huyền thoại. Bản thân cô nữ sinh Ngô Thị Bích Diễm ngày nào cũng hoàn toàn im lặng với quá khứ. Tuy nhiên, dù sinh thời, Trịnh Công Sơn có rất nhiều người tình đi qua cuộc đời ông, nhưng do mối tình đầu với Bích Diễm quá sâu nặng cho nên những mối tình sau này, dường như Trịnh Công Sơn chỉ là đi tìm hình bóng của cô nữ sinh ngày xưa.

Giờ đến Huế, bất kể ngày nắng, mưa, chỉ cần ghé một quán, nhấm nháp ly cà phê muối, vừa chìm đắm trong những câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, vừa nhìn thế giới chậm chạp trôi qua cũng đủ thi vị rồi.

Bài và ảnh: HOÀNG NGỌC HÙNG