leftcenterrightdel
Di tích Ngã ba Đồng Lộc mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt người thăm viếng.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, “con đường huyền thoại” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử. Con đường ấy hiện là “huyết mạch” giao thông phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời cũng là tuyến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nối miền Trung-Tây Nguyên đến tận các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Với 37 di tích và địa bàn trải dài từ Bắc Trung Bộ vào đến Đông Nam Bộ, tiềm năng khai thác du lịch tuyến đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là rất lớn. Tuy nhiên, hiện mới có một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế biến một phần tiềm năng ấy thành hiện thực, tạo thành những tua du lịch hấp dẫn. “Con đường huyền thoại” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cần một quy hoạch tổng thể, xuyên suốt, tạo sự liên kết giữa các địa phương có tuyến đường đi qua, nhằm khai thác hiệu quả hơn về du lịch, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ; lôi cuốn du khách nước ngoài quan tâm tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đặc biệt là những cựu binh Mỹ và thân nhân của họ; góp phần tăng nguồn thu cho đất nước, phát triển vùng sâu, vùng xa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số dọc Trường Sơn.

Khai thác còn mang tính đơn lẻ

Những năm gần đây, sau khi con đường Hồ Chí Minh của công nghiệp hóa-hiện đại hóa hoàn thành, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước đã thiết lập các tua du lịch đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Phần lớn các chương trình tập trung vào đoạn đường Trường Sơn và các di tích chiến tranh thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, cùng những tua du lịch gắn với di tích căn cứ, trận chiến khốc liệt thuộc khu vực Tây Nguyên thời chiến tranh.

Trong số các địa phương có con đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đi qua, tỉnh Quảng Trị có thể coi là điểm sáng trong khai thác du lịch từ con đường lịch sử này. Di tích lịch sử đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tại Quảng Trị có 6 hạng mục, gồm: Khe Hó, cầu treo Bến Tắt, Trạm chỉ huy tiền phương Bộ tư lệnh 559, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, cầu treo Đakrông và cảng quân sự Đông Hà. Quảng Trị đã đầu tư hơn 53 tỷ đồng xây dựng đoạn đường được công nhận là “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” qua các xã: Tà Long, Ba Nang (huyện Đakrông), xã Húc (huyện Hướng Hóa) dài 41,5km. Theo đó, tôn tạo, tái hiện các công trình phục vụ chiến đấu của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong như: Lán trại, hầm, hào, công sự, binh trạm dừng chân của bộ đội... 4km đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyền thoại được giữ lại nguyên trạng từ bản Xy Pa đến bản Chai (xã Tà Long, huyện Đakrông). Du khách đến tham quan Đường Hồ Chí Minh huyền thoại sẽ dừng chân tại bản Xy Pa để được hòa mình vào lễ hội, sinh hoạt cũng như thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, ngâm mình thư giãn ở suối nước nóng và nghe các làn điệu dân ca độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây như: Tà oải, oát xa nớt, cà lơi cha chấp...

Cùng với Quảng Trị, Hà Tĩnh với Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc nhiều năm qua đã phát huy tốt loại hình du lịch tâm linh. Mỗi năm, di tích đón khoảng 300.000 lượt khách đến thăm viếng. Một số tỉnh khác cũng đã có sự đầu tư cho các công trình tưởng nhớ con đường huyền thoại Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Có thể kể đến Quảng Bình với Di tích bến phà Long Đại-trọng điểm vượt sông trên đường Trường Sơn; làng Ho-hậu cứ của Đoàn 559 trong những năm 1960-1965; Di tích Chỉ huy sở Bộ tư lệnh Trường Sơn…

leftcenterrightdel
Một đoạn đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Cần quy hoạch tuyến du lịch xuyên vùng

Việc khai thác du lịch đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua đã được một số địa phương thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hoạt động này hiện vẫn còn ở mức thấp. Hệ thống đường giao thông đến các tuyến, điểm ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu du lịch, cần phải đầu tư, nâng cấp. Nhiều tỉnh, thành phố, hệ thống cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách hoặc nếu đáp ứng được thì lại xa điểm tham quan, nhất là tại các tỉnh như Ðắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum... Dịch vụ hỗ trợ dọc đường còn thiếu, chủ yếu dựa vào điều kiện hiện có. Khó khăn nhất vẫn là điểm dừng chân thích hợp, dịch vụ ăn uống và vệ sinh dọc đường…

Ðể phát huy hiệu quả tuyến du lịch, biến tiềm năng du lịch của đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trở thành động lực để phát triển đòi hỏi các địa phương có tuyến đường đi qua phải liên kết hình thành tuyến du lịch xuyên vùng với các tua độc lập, gắn với các tuyến, điểm, khu du lịch hiện có cùng các loại hình du lịch khác nhau dọc hệ sinh thái Trường Sơn, như: Du lịch dã ngoại, đi bộ, leo núi, tắm suối nước nóng, nghiên cứu khoa học, du lịch hang động, du lịch văn hóa, cảnh quan; thăm lại chiến trường xưa... Cùng đó, cần xây dựng những tua đặc thù tìm hiểu về đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh nhằm khai thác lâu dài, trong đó phục chế các đoạn đường vận chuyển bằng xe cơ giới với đầy đủ hệ thống hậu cần: Bãi khách, trạm giao liên, quân y, kho tập kết vũ khí-trang thiết bị và một số tuyến đường đi bộ tùy theo điều kiện của địa phương. Sự liên kết giữa các tỉnh còn cần thể hiện ở việc cải tạo, xây dựng mới, để từ đó hình thành một hệ thống cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn dọc tuyến, bảo đảm cho nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.

leftcenterrightdel
Du khách khám phá “con đường huyền thoại”. Ảnh: HUYỀN PHẠM

Ở góc độ quảng bá, để tuyến du lịch đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh thu hút du khách, bên cạnh việc chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, điều quan trọng là công tác xúc tiến, quảng bá cần phải được tiến hành thường xuyên và sâu, rộng ở trong nước cũng như ở ngoài nước, nhất là phải có những biện pháp, hình thức xúc tiến thích hợp tại các thị trường trọng điểm: Bắc Mỹ, Tây Âu, Ðông Bắc Á với các ấn phẩm quảng bá: Tập gấp, tranh ảnh, sách và các bộ phim du lịch giới thiệu về tuyến, điểm dọc đường Trường Sơn. Thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử con đường, những yếu tố đã làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam và về một điểm đến lôi cuốn, độc đáo về sinh thái, cảnh quan và bản sắc văn hóa.

TRẦN QUANG HUY