Giữ trọn lời thề trước Đảng, trước Bác
Trên ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại gia đình, CCB Nguyễn Trung Dật treo bức hoành phi với 4 chữ: Cần-kiệm-liêm-chính. Đó được ông xem là chân lý, niềm tin, động lực để giữ trí, bền gan vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Nhớ lại ngày vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, CCB Nguyễn Trung Dật nghẹn ngào kể: “Đêm 1-5-1962, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Tôi đã lên hứa trước Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trung thành với điều lệ, chính cương và mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Nguyện phấn đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập-tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Khi Đảng cần, tôi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và tài sản vì mục tiêu của Đảng”.
Khắc sâu lời hứa vào trong tim, tháng 10-1965, chàng thanh niên Nguyễn Trung Dật khoác ba lô lên đường đi chiến đấu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trải qua nhiều đơn vị, với nhiều vị trí nhưng với Nguyễn Trung Dật thì nhiệm vụ gì cũng là của Đảng giao phó. Trách nhiệm của người đảng viên, người quân nhân cách mạng là phải hoàn thành xuất sắc, không phụ sự tin tưởng của cấp trên.
Hòa bình lập lại, từ năm 1976 đến 1991, đồng chí Nguyễn Trung Dật trải qua các vị trí từ trợ lý điều tra viên đến Trưởng ban Điều tra hình sự, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. Trở về cuộc sống đời thường, ông tưởng sẽ gác lại những hồ sơ, vụ án để vui vầy bên con cháu. Nhưng trước những sai phạm của một số cán bộ ở cơ sở, một lần nữa, ông lại dấn thân vào cuộc đấu tranh mới, gian khổ hơn và cũng hiểm nguy, áp lực không kém bom đạn kẻ thù.
Đấu trí với những “công bộc” biến chất
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Trung Dật ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội xem lại những giấy tờ tố giác sai phạm của cán bộ xã. |
Năm 2006, người dân xã Canh Nậu bức xúc trước những khuất tất trong việc triển khai cấp đất giãn dân của chính quyền. Gần 200 lô đất thuộc diện đất giãn dân đã được giao không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đúng đối tượng.
Không thể đứng nhìn sự dối trá của một số cán bộ xã đang ăn mòn niềm tin trong dân, gây thất thoát thuế của Nhà nước, bằng nghiệp vụ được tôi rèn trong quá trình công tác, sau một thời gian thu thập chứng cứ, tháng 10-2007, CCB Nguyễn Trung Dật viết đơn báo cáo chi ủy Chi bộ thôn 1 và được chi ủy cho thông qua Chi bộ thôn 1 về việc vạch trần những sai phạm của một số cán bộ xã Canh Nậu trong việc cấp đất giãn dân. CCB Nguyễn Trung Dật nhớ lại: “Khi ấy, tinh thần đấu tranh trong chi bộ rất mạnh mẽ, nhất là những đảng viên lão thành, từng kinh qua bom đạn của hai cuộc kháng chiến. Với khí thế ấy, tôi nghĩ đơn giản, chỉ một thời gian ngắn, những sai phạm của một số cán bộ xã sẽ được các cấp kiểm tra, xem xét, giải quyết, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội. Nhưng mọi việc không diễn ra như vậy...”.
Cuốn vở “Sổ theo dõi kết quả báo cáo và kiến nghị 2007-2008” được ông cẩn thận chép lại chi tiết diễn biến sự việc. Hàng trăm lần, ông đạp chiếc xe cà tàng đi hết lên xã, lên huyện rồi ra cả UBND tỉnh Hà Tây (trước đây), sau này đến UBND TP Hà Nội. Những lá đơn kèm theo hồ sơ có “đi” mà “ít phúc đáp về”. Do tính chất phức tạp của sai phạm nên quá trình tố cáo của CCB Nguyễn Trung Dật càng khó khăn và bị cản trở nhiều hơn.
Những ngày đầu đấu tranh với các sai phạm, trong xã còn 20 người sẵn sàng đi cùng ông đến bất cứ cơ quan chức năng nào có thẩm quyền. Nhưng thời gian là “phương thuốc” hiệu quả nhất để thử thách lòng kiên nhẫn của con người, thấy tốn nhiều công sức mà không thu được kết quả, những đồng chí, đồng đội của ông Dật cứ lẳng lặng rút lui. Không nản chí, ông nói với những đồng đội của mình: “Các anh có bỏ thì tôi vẫn phải làm. Dù hàm răng còn một chiếc thì tôi cũng sẽ bừa để mảnh ruộng của làng gieo hạt cho lúa trổ bông mới dừng”.
Để mua chuộc người cán bộ quân đội nghỉ hưu, ban đầu, một số cán bộ xã Canh Nậu hứa phân cho ông một mảnh đất ở nhưng ông không nhận vì không có nhu cầu. Mua chuộc ông không được, những cán bộ bị ông phanh phui sai phạm đã cho người “bắn tin” bằng đủ mọi hình thức nhằm ngăn việc tố cáo. “Họ cho người quen đến khuyên nhủ, họ nhắn tin vào điện thoại của tôi. Tôi không đọc, bảo con xóa hết đi. Họ lại nhắn vào số các con tôi đe dọa...”.
Đỉnh điểm của tạo sức ép, ngăn cản việc ông tố cáo sai phạm là lần Đảng ủy xã Canh Nậu triệu tập cuộc họp bất thường, mời đầy đủ đại diện của huyện Thạch Thất tham dự. Nội dung cuộc họp là đề nghị kỷ luật đồng chí Nguyễn Trung Dật vì đã vi phạm kỷ luật Đảng khi vu khống cán bộ. “Tôi đứng cô đơn giữa cuộc họp. Đó cũng là điều khiến tôi buồn nhất là vì biết bao đảng viên dự họp, không một ai có ý kiến phản biện. Một mình tôi đứng lên bảo vệ quan điểm của mình. Tất cả những gì tôi làm đều chỉ theo lời Đảng và Bác Hồ dạy nên kết quả là họ không thể lợi dụng được danh nghĩa của Đảng để kỷ luật tôi”, ông Dật nhớ lại.
Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đấu tranh chống lại những sai phạm của một số cán bộ xã, nhiều đêm ông không ngủ được, vắt tay lên trán mà nghĩ suy. Bao nhiêu câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu ông: Vì sao sai phạm như vậy mà chính quyền cấp trên không vào cuộc kiểm tra? Vì sao bao đơn thư đi mà đợi không thấy phúc đáp? Vì sao họ lại phớt lờ những chứng cứ rõ như ban ngày ông cung cấp? Vì sao? Vì sao?... Thương ông trằn trọc bao đêm, cháu nội mua tặng ông chiếc radio để làm bạn đêm khuya.
Cũng đã đôi lần, vợ ông-bà Nguyễn Thị Thìn (80 tuổi) và các con khuyên nhủ ông nên gác lại mọi việc, lấy cảnh điền viên, vui cùng con cháu để an dưỡng tuổi già nhưng ông đã nói với các con: “Bố là đảng viên, thấy mặt trái của xã hội mà không lên tiếng thì lòng không yên. Im lặng là hại Đảng, hại dân, có lỗi với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình của đất nước! Các con cứ để bố làm đến cùng. Có như vậy, bố mới không cảm thấy hổ thẹn khi nhìn lên Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Với niềm tin vào công lý, vào sự nghiêm minh, trong sạch của Đảng, 10 năm sau, cuộc đấu gan, đấu trí của “châu châu đá xe” ở Canh Nậu với những cán bộ biến chất đã có kết quả. Năm 2017, Văn phòng Chính phủ bắt đầu có chỉ đạo, yêu cầu Công an TP Hà Nội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết nghiêm nội dung tố cáo của CCB Nguyễn Trung Dật. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơ quan chức năng xác định: Những tố cáo, khiếu nại của đồng chí Nguyễn Trung Dật là có cơ sở; đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đưa các đối tượng liên quan đến sai phạm trong việc cấp đất giãn dân tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất ra xét xử. Tháng 3-2018, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 5 bị cáo nguyên là những cán bộ xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” 5 bị cáo gồm: Nguyễn Trung Thắng (sinh năm 1956, nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Nậu) bị tòa tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù; Đỗ Đăng Soạn (sinh năm 1966, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Canh Nậu) và Nguyễn Lương Thanh (sinh năm 1973, nguyên cán bộ địa chính xã Canh Nậu) cùng bị phạt 4 năm tù; Nguyễn Văn Chắt (sinh năm 1958, kế toán xã Canh Nậu) bị phạt 3 năm tù treo; Nguyễn Đức Giạng (sinh năm 1959, thủ quỹ xã Canh Nậu) bị phạt 30 tháng tù treo.
Đáng mừng hơn nữa, tháng 2-2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1219/VPCP.V.I gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an và UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ. Theo đó, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ quá trình tiến hành tố tụng vụ án này để kết quả điều tra, truy tố, xét xử được nghiêm minh, các đối tượng có hành vi vi phạm phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu biểu dương ông Nguyễn Trung Dật đã có tinh thần, trách nhiệm trong việc đấu tranh chống tiêu cực liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, kinh tế tại địa phương. Giao UBND TP Hà Nội xem xét, có hình thức khen thưởng phù hợp với ông Nguyễn Trung Dật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khen thưởng người tố cáo, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
“Nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ, tôi như trút được gánh nặng hơn 10 năm qua. Tôi đấu tranh không mong mình sẽ được khen thưởng, chỉ mong góp một phần nhỏ bé vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang đẩy mạnh. Cuộc đấu tranh này đã được cả xã hội đồng thuận, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo: Tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai có thể đứng ngoài được. Tôi là đảng viên của Đảng, càng không thể đứng ngoài cuộc được”, CCB Nguyễn Trung Dật phấn khởi chia sẻ.
Bài và ảnh: DUY THÀNH