2010 là năm Hà Nội đăng cai “Năm Du lịch Quốc gia”, tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng là năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Nhưng từ khi khởi động “Năm Du lịch Quốc gia”, số lượng khách quốc tế tới Hà Nội lại sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và mới chỉ có dấu hiệu phục hồi trong những tháng gần đây. Điều đó khiến nhiều người không khỏi giật mình. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Phóng viên (PV): Năm 2010 có thể được coi là năm mà Hà Nội được hưởng nhiều ưu đãi. Đây là cơ hội thuận lợi và cũng không ít thách thức. Nhưng ngay từ đầu năm, ngành du lịch nước ta có vẻ như chưa bắt nhập được thời cơ. Chỉ còn hơn 100 ngày nữa là diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã khai thác lợi thế này như thế nào, thưa ông?

Ông Mai Tiến Dũng

Ông Mai Tiến Dũng: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội tổ chức “Năm Du lịch Quốc gia 2010”. Nếu không có Đại lễ thì Hà Nội khó được ưu tiên đứng ra tổ chức, đấy cũng là lợi thế của 1000 năm Thăng Long. Vậy có thể nói Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chắc chắn là cơ hội kim cương cho ngành du lịch Hà Nội, là cơ hội tận dụng quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Thủ đô.

Với một năm dày đặc các sự kiện, không chỉ ở tầm quốc gia mà còn có tầm phủ sóng ở cả khu vực, đây là cơ hội ngàn năm có một để có thể giới thiệu Hà Nội ngàn năm lịch sử, một thành phố văn hiến, với những con người thân thiện, mến khách. Là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu thêm về thành phố vì hòa bình này. Chúng tôi đã quảng bá sự kiện này đến với bạn bè quốc tế. Liên hợp quốc đã thông qua, đưa Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội trở thành sự kiện chính thức của UNESCO.

Bên cạnh những ưu đãi trên, chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn bởi tất cả các sở, ban, ngành đều vô cùng nhiều việc, luôn trong tình trạng quá tải so với những năm khác. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đóng vai trò trung tâm của các hoạt động này, được giao là đầu mối chính, có nhiệm vụ giúp thành phố thực hiện những hoạt động kỷ niệm. Việc chuẩn bị phục vụ Đại lễ đòi hỏi phải chu đáo tới từng chi tiết. Chúng tôi sẽ đón một lượng khách và khách mời quốc tế rất lớn, dồn dập trong 10 ngày sẽ rất khó khăn, phức tạp về đảm bảo an ninh, trật tự, ăn ở đi lại… Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch sẽ gặp khó khăn vì các khách sạn hạng sang sẽ được ưu tiên đón đoàn khách mời của Nhà nước. Đó là những khó khăn không nhỏ; trong khi, chúng tôi coi việc đón khách không chỉ cho năm nay, mà phải làm sao chu đáo, tạo độ tin cậy để tận dụng cơ hội này quảng bá cho du khách biết tới trong những năm sau.

PV: Thống kê cho thấy, quý I năm 2010, lượng khách quốc tế đến Hà Nội giảm 7,2% so với cùng kỳ. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Mai Tiến Dũng: Giảm 7,2% là con số ước ban đầu, con số thống kê về sau là 2%, nhưng bản thân con số đó có độ tin cậy cũng không hoàn toàn cao, thậm chí có phần bất hợp lý. Toàn ngành du lịch cả nước tăng 36%, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm phần lớn, số còn lại vào bằng đường biển hoặc đường bộ ở các vùng khác. Theo thống kê của chúng tôi, khách du lịch ở tất cả miền Bắc tăng, ít có trường hợp khách từ các tỉnh khác đi thẳng ra điểm du lịch mà không qua Hà Nội. Hầu như các khách sạn nói công suất buồng, phòng tăng so với quý 1 năm 2009.

Sự bất hợp lý đó có thể là do lỗ hổng của Cục Thống kê khi lấy số liệu từ PA 18, Công an thành phố Hà Nội. Họ thống kê dựa trên đăng ký ở sân bay và đăng ký tạm trú ở cơ sở lưu trú. Qua đó, có thể bỏ sót một số mô hình đã đăng ký qua mạng thay vì đăng ký phiếu như trước và số lượng khách ghé Hà Nội nhưng không lưu đêm mà đi thẳng xuống Quảng Ninh… Hiện chúng tôi đang làm việc lại với Cục Thống kê để điều chỉnh sao cho con số có độ tin cậy cao hơn.

Con số sụt giảm 2% trong quý 1, xét về góc độ nào đó cũng chưa phải là con số đáng ngại, chúng tôi đã có cuộc họp tìm hiểu nguyên nhân và hiện nay, sau 5 tháng thì lượng khách vào Hà Nội đã tăng lên 10%. Chúng tôi tin tưởng rằng lượng khách quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tiếp theo.

PV: Có ý kiến cho rằng, chúng ta chưa tận dụng hết tiềm năng du lịch. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Mai Tiến Dũng: Ý kiến đó cũng có cơ sở. Ai cũng muốn tận dụng hết mọi cơ hội nhưng có tận dụng hết được hay không còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân như: Khả năng nắm bắt cơ hội, khả năng tiếp cận thông tin; các nguồn lực và tài lực để nắm bắt. Có những việc biết làm như thế là rất tốt nhưng không có đủ kinh phí, nguồn nhân lực lại có hạn, trong khi đang phải căng ra làm rất nhiều việc để phục vụ cho Đại lễ. Mong muốn và kỳ vọng, ai cũng muốn phải đón đầu cơ hội, nâng hiệu quả quảng bá lên tối đa. Chúng tôi hiểu rằng, cũng còn có nhiều việc có thể làm tốt hơn nhưng bỏ lỡ do thiếu thông tin.

Năm vừa qua, chúng tôi có nhiều sự kiện du lịch xúc tiến ở nước ngoài. Đến năm nay, thành phố lại có chủ trương giải quyết tất cả các lĩnh vực, khối lượng công việc trong nước, nên hạn chế nguồn kinh phí và nhân lực đi công tác nước ngoài. Biết rằng, cơ hội để quảng bá ở các hội chợ du lịch quốc tế là rất tốt nhưng để cân bằng bài toán này, chúng tôi đã phải căng ra rất nhiều.

Có quảng bá nhưng ở mức độ tối đa cho phép, mặc dù không hoàn toàn như kỳ vọng nhưng thành phố đã cố gắng trong điều kiện tốt nhất. Ngay từ đầu năm, sáng sớm ngày 1-1-2010, sự kiện tổ chức đón đoàn khách quốc tế đầu tiên xông đất Hà Nội và xông đất du lịch Việt Nam ở sân bay Nội Bài, đã thu hút sự chú ý của công luận và có sức quảng bá rất lớn. Tại diễn đàn Du lịch châu Á ở Bru-nây, Hà Nội đã được dành nửa giờ để giới thiệu Đại lễ trước đông đảo quan chức và phóng viên quốc tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 diễn ra vào tháng 4 ở Băng Cốc (Thái Lan), đại diện Việt Nam cũng đã trình bày trước hội nghị về Đại lễ 1000 năm và Năm Du lịch Quốc gia tại Hà Nội…

Hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến là hoạt động mang lại hiệu quả rất cao nhưng là hình thức quảng bá rất tốn kém. Trong khi, năm nay có nhiều sự kiện nên không thể dàn trải nguồn kinh phí. Nếu như bình thường, có thể tham gia khoảng 5 đến 6 sự kiện quốc tế thì năm nay chỉ có thể tham gia 3 đến 4 sự kiện do phải căng sức để giải quyết công việc hiện tại. Năm ngoái, chúng tôi đã tham gia quảng bá trên kênh CNN châu Á, hiệu quả rất tốt nhưng do nguồn kinh phí của chúng ta vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia có ngành du lịch phát triển. Trong điều kiện hiện nay, Hà Nội đã cố gắng hết sức để quảng bá cho ngành du lịch.

PV: Hiện nay, có khá nhiều các ki-ốt thông tin du lịch trên những khu vực trọng điểm, nhưng xem ra thông tin còn nghèo nàn. Nếu không phải là người theo dõi thường xuyên, sẽ khó lòng biết được Hà Nội đã và đang có những hoạt động và chương trình gì để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ông nghĩ sao về tình hình quảng bá trong nước?

Ông Mai Tiến Dũng: Du khách đi du lịch theo chương trình của các công ty lữ hành đã được cung cấp đầy đủ thông tin. Các ki-ốt thông tin du lịch chủ yếu cung cấp thông tin cho khách du lịch tự do, vì vậy họ sẽ quan tâm chủ yếu về các dịch vụ: Đi đâu, xem gì, ăn gì, đổi tiền ở đâu, mua sắm thế nào… Do vậy, cẩm nang lữ hành của các công ty du lịch, khách sạn, những sự kiện như Đại lễ cũng có ấn phẩm kịp thời, đưa lên để khách có thể cập nhật thông tin.

PV: Ngoài các sản phẩm du lịch phục vụ Đại lễ 1000 năm tại Hà Nội, việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng là rất quan trọng. Theo ông, sản phẩm du lịch nào ở Hà Nội là đặc trưng và đã có những hoạt động nào để thúc đẩy sản phẩm đó phát huy giá trị. Việc xây dựng một sản phẩm đặc trưng trong lĩnh vực quà lưu niệm có được quan tâm?

Ông Mai Tiến Dũng: Tận dụng những lợi thế của Hà Nội là có rất nhiều làng nghề, làng có nghề và một khu phố cổ nên các sản phẩm du lịch tham quan phố cổ, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề đã được các doanh nghiệp xây dựng. Sắp tới sẽ là tour “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, tour du lịch võ thuật, khai thác nét tiêu biểu, đặc sắc của võ thuật Việt Nam.

Sản phẩm quà lưu niệm cũng là một lĩnh vực hết sức được quan tâm, không chỉ phát triển giá trị văn hóa làng nghề, khai thác lợi ích làng nghề mà còn góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, ngoài những mặt mạnh đó vẫn còn những yếu kém như vấn đề mẫu mã chưa đa dạng, chưa thực sự mang dấu ấn vùng miền. Do vậy cần phải tiếp tục đổi mới, cải tiến nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường khách du lịch.

Chúng tôi đang triển khai xem xét, thẩm định gắn biển những điểm công nhận khu mua sắm cho khách du lịch và tiến hành bình chọn "top ten" điểm mua sắm du lịch.

PV: Có một thực tế, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam rất ít khi quay lại lần thứ hai. Ông nghĩ sao về thực tế ấy?

Ông Mai Tiến Dũng: Tôi có quan điểm hơi khác về vấn đề này. Đặt địa vị vào khách du lịch, ngoài đến Việt Nam thì trên thế giới còn rất nhiều điểm để đến, thậm chí trong một quốc gia cũng có rất nhiều điểm để tới. Vậy trong cuộc đời con người có biết bao nhiêu điều muốn biết, tại sao cứ phải quay lại Việt Nam trong khi có rất nhiều nơi để khám phá. Đó là một kỳ vọng ít có tính hiện thực. Tôi biết rằng, có nhiều nước, khách du lịch quay lại nhiều lần bởi đó không chỉ là du lịch thuần túy. Họ tới vì nhu cầu khác như mua sắm, giải trí (thậm chí có những hình thức giải trí mà ở nơi khác không có). Chúng ta cần một lượng khách mới để phát huy tác dụng tuyên truyền. Hướng phát triển du lịch Việt Nam là phát triển văn hóa, giá trị lịch sử, nhân văn và con người.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Hà thực hiện