Đọc thơ Ngát, tôi cứ hình dung một cô gái trẻ quê ở Hưng Yên khát khao, ngơ ngác ra Hà Nội trước giông gió cuộc đời vẫn tranh đấu vươn lên tạo dựng cuộc đời mình trong hoàn cảnh cực kỳ nghiệt ngã.
… Tôi nghèo như không thể nghèo hơn
Gầy cũng không thể gầy hơn được nữa
Ai đó gọi gia đình là bếp lửa
Tôi cặm cụi một mình gầy lấy lửa của lòng tôi…
("Ngôi nhà Tân Mai" trong tập "Nhớ và khát")
Hình như cô gái trẻ đó đã gặp những trắc trở, đổ vỡ chuyện gia đình dù chị luôn mong ước có một ngôi nhà hạnh phúc. Trách mình như thế, nhưng chị vẫn sống hết mình, chung thủy, dâng hiến cho người mình yêu dẫu tình yêu là nước mắt cay đắng làm tan nát trái tim mình:
Câu thơ đọc thuở còn thơ
Dư âm đến tận bây giờ còn đau
Tình yêu đâu chỉ ngọt ngào
Trong mơ nước mắt vẫn trào, lạ chưa?
Nhưng chị vẫn tin:
… Đã yêu, yêu đến tận cùng
Đã thương, thương đến hết lòng vì nhau…
Một tình yêu thật lạ vì ngay cả khi người mình yêu phản bội, không xứng với tình yêu của mình, chị vẫn tha thứ, bao dung, trái tim vẫn mong chờ, khát khao hạnh phúc:
… Khát chi sao cứ khát hoài
Nửa đời còn lại đâu dài hỡi anh?
Ngước nhìn thăm thẳm trời xanh
Mỗi lần khát-tự biến thành giọt mưa…
(Trong tập "Nhớ và khát")
Đọc thơ Hồng Ngát những năm xa xưa ấy làm tôi cứ tò mò tự hỏi: Rồi cuộc đời chị sẽ bất hạnh hay sung sướng? Đau khổ hay hạnh phúc? Thất bại hay thành đạt trong cuộc sống đầy bất trắc này?
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đi làm phim tại Đồn Biên phòng Mường Khương (Lào Cai), tháng 12-2016. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Sau này, khi viết kịch bản phim, vì công việc nên tôi biết và quen Ngát. Lúc ấy, chị là Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, sau chuyển sang làm Phó cục trưởng Cục Điện ảnh. Hai kịch bản đầu tay của tôi là "Bí kíp học đường" và "Tình yêu, em ở nơi nao?" ở chương trình "Điện ảnh chiều thứ bảy" đều có sự giúp đỡ của chị. Ngát tặng tôi hai tập thơ: "Bâng khuâng chiều" và "Gió thổi tràn qua mặt", cuốn tiểu thuyết "Hai lần sống một mình", tôi đọc, nhận ra hầu hết những tưởng tượng hình dung về cuộc đời Hồng Ngát gần đúng những gì chị viết…
Người phụ nữ trẻ tan vỡ hạnh phúc gia đình ở tuổi 30 đã là mẹ của ba đứa con, phải một mình vật lộn với miếng cơm, manh áo, nuôi con ăn học thời bao cấp khó khăn biết chừng nào? Nhưng Ngát vẫn vượt lên chiến thắng hoàn cảnh nghiệt ngã của mình: Từ một diễn viên chèo trở thành biên kịch viết những vở chèo xuất sắc… Năm 1981, chị được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Mát-xcơ-va, Khoa Biên kịch điện ảnh. Tốt nghiệp trở về nước, chị có nhiều kịch bản điện ảnh xuất sắc: "Một thời đã sống", "Canh bạc", "Anh sẽ về", "Trăng nơi đất khách", "Cha tôi và hai người đàn bà", "Ký ức Điện Biên",… đoạt giải thưởng Bông sen của Liên hoan Phim quốc gia và Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Thơ và đời Hồng Ngát bện chặt với nhau, đọc thơ thấy cuộc đời của chị: Cuộc đời với tình yêu đam mê, son sắt thủy chung, khát vọng sống mãnh liệt và những nghĩ suy nhân ái, bao dung về gia đình, xã hội, cuộc đời. Chị là người đàn bà đa cảm, đa đoan, luôn sống hết mình, nhiều khi chính chị cũng ngạc nhiên tự hỏi:
… Tôi là người tham lam
từng giây, từng phút
Yêu và sống hết mình
…Có lẽ mai sau sẽ tự cười mình
Đa cảm thế sống làm sao nổi?
(Trong tập "Gió thổi tràn qua mặt")
Qua tuổi 60 khi đã trải qua nhiều khó khăn, đau đớn, bất trắc của đời mình, chị vẫn mạnh mẽ, thiết tha sống như người đàn bà đang yêu trong thơ chị viết:
… Người đàn bà đang yêu kia đã từng là mẹ
Đã từng bị bỏ rơi và từng bị dối lừa
Nhưng bài hát về tình yêu vẫn rất thiết tha
“Người đàn bà đang yêu” do một người đang yêu hát…
("Người đàn bà đang yêu")
Khi Hồng Ngát về làm Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh, chị đã là bà nội, bà ngoại. Các con đã lớn khôn, xây dựng gia đình, đứa ở Sài Gòn, đứa ở nước ngoài… Nhưng chị vẫn mải miết đi lúc gần, lúc xa giải quyết công việc hội, rảnh chút nào là lo lắng, chăm sóc con cháu. Bận thế nhưng chị vẫn viết đều đặn vì thơ đã thành máu thịt, tiếng nói trái tim mình, lần lượt các tập thơ: "Gió thổi tràn qua mặt" (NXB Văn học, 2007), "Cỏ thơm, mây trắng" (NXB Hội Nhà văn, 2012) và các kịch bản phim: "Nhìn ra biển cả", "Gương trời". Bên cạnh đó, chị xông xáo tìm vốn tổ chức làm phim.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hạnh phúc muộn mằn lại đến với chị: Một tình yêu lớn đã cho chị một bờ vai vững chắc, an bình tựa vào-một nhà văn, dịch giả nổi tiếng-đây có lẽ là tình yêu cuối mang đến hạnh phúc ấm áp, sâu lắng như bếp lửa mùa đông trong ngôi nhà nhỏ sưởi ấm hai trái tim già, chắc chị thật hạnh phúc khi viết tặng anh:
Ta thuộc nhau như lòng bàn tay…
Em không nghĩ lại thương anh đến thế
Khi đi xa em chỉ có một mình
Em cứ tưởng mình là người từng trải
Thì có sao mọi việc sẽ quen dần
Nhưng không phải, rất khó quen anh ạ
Bát cơm bưng vẫn cứ phải có nhau
(Tập "Cỏ thơm, mây trắng")
Đó là hạnh phúc tròn đầy, viên mãn của Hồng Ngát sau bao năm buồn vui, nhọc nhằn, vất vả. Tất cả đã lặn sâu vào tâm hồn, trong ánh mắt lấp lánh tình yêu người, yêu đời bao dung của chị:
… Có vị cay của gừng, vị mặn của muối
Có nước mắt của cách xa
Có thao thức của nhọc nhằn mỗi tối
Viết những lời yêu gửi gió bay đi…
(Rút trong tập "Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát")
Với tôi, hơn chục năm biết Hồng Ngát, vừa là bạn viết kịch bản điện ảnh, vừa là cấp trên của tôi, có những kỷ niệm đi trại sáng tác điện ảnh hằng năm, tiếp xúc cuối năm, đi dự Lễ trao Giải Cánh diều ? ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Những kỷ niệm vừa gần vừa xa, có lúc như thoáng qua, có lúc dừng lại trong nghĩ suy hồi tưởng… Ngát bao giờ cũng hiện ra với đôi mắt vui, hóm hỉnh cùng nụ cười thoải mái, tự nhiên, lôi cuốn những ai tiếp xúc với mình… Những kỷ niệm đó như bông hồng buổi sớm đọng những giọt sương long lanh trong ký ức tôi, thoảng hương thơm lãng đãng trong đời…
Gần đây là lần Hồng Ngát và tôi cùng các biên kịch, đạo diễn đi thực tế ở Quảng Ninh năm 2013, theo lời mời của Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đoàn chúng tôi đi thăm Đồn Biên phòng Cô Tô, giao lưu với các chiến sĩ biên phòng, nghe các anh kể về chuyện tuần tra trên biển. Một chuyến đi ấn tượng khó quên với các đạo diễn, biên kịch, nhà báo trong đoàn… Sau này, Ngát kể cho tôi nghe khi trở lại làm phim "Gương trời" ở Quảng Ninh rất thành công. Nhưng chuyện làm tôi nhớ nhất là khi nghe tin bố mất, Ngát cùng đoàn phim đang quay ở giữa biển, chị đã nhờ chiếc ca nô của bộ đội biên phòng vượt mấy chục ki-lô-mét trên biển ngay trong đêm để về nhà kịp tổ chức lễ tang. Nghe mà hãi, mà thán phục bản lĩnh, sự dũng cảm, mạnh mẽ của Ngát dù đã ở tuổi 60. Rồi những chuyến lặn lội vất vả đi chọn bối cảnh, tìm nhân vật khi làm phim "Những đứa con của làng" đã giúp Ngát thành công, bộ phim đoạt giải Bông sen Bạc của Liên hoan Phim quốc gia và Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh. Sự dẻo dai về thể chất và nghị lực tinh thần của người phụ nữ bé nhỏ đã là bà nội, bà ngoại làm mọi người khâm phục.
Và Ngát vẫn không quên thơ, chị in tập thơ "Cỏ xanh, mây trắng" với những bài thơ đằm thắm, dịu dàng. Thơ Ngát hiền hòa, sâu lắng như những lời ru mang triết lý đời thường và cõi tâm linh nguồn cội của con người, đúng như câu thơ: Cỏ rất xanh, mây trắng rất hiền hòa của chị.
NGUYỄN LONG KHÁNH