Ngày 15-2-1994, tức mồng 6 Tết Giáp Tuất, bên hầm địa đạo Củ Chi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tôi đã nhiều lần về thăm Củ Chi địa đạo. Lần này, về thăm lại, rất xúc động trước những cố gắng tôn tạo thêm khu di tích lịch sử vô giá này làm tăng sức thu hút du khách bốn phương và vẫn giữ nét tôn nghiêm vốn có. Nhân dân ta, dân tộc ta mãi mãi ghi nhớ, tự hào và sẽ phát triển sáng tạo chủ nghĩa anh hùng bất khuất và kiên cường của Củ Chi, đất lửa anh hùng, xây dựng Tổ quốc ta ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các dân tộc trên thế giới”.
|
Đền tưởng niệm Bến Dược thuộc quần thể di tích địa đạo Củ Chi
|
Địa đạo Củ Chi cách TP Hồ Chí Minh 70km về phía tây bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, là một công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như màng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200km.
|
Bên trong địa đạo Củ Chi
|
Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, nhân dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt.
Với tầm vóc chiến tranh của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120km được bảo vệ và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách. Du khách, đặc biệt là cựu chiến binh, thường chọn điểm tham quan này khi đến thăm TP Hồ Chí Minh. Du khách được trải nghiệm cuộc sống dưới địa đạo như những cư dân thực thụ trước đây.
|
Hầm giải phẫu trong hệ thống địa đạo Củ Chi
|
|
Du khách say mê tìm hiểu lịch sử hào hùng của địa đạo Củ Chi
|
Khu địa đạo Củ Chi (thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia (theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa). Hệ thống địa đạo Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức - căn cứ của Huyện ủy Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến) cũng được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia (theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin).
Bài và ảnh: TRUNG THÀNH