Một quyết định “rất tuổi trẻ” thể hiện ý chí, khát khao và nguyện vọng được cống hiến, xây dựng làng quê giàu đẹp.
Học con chữ để nuôi ước mơ
Về làng Nẻ, xã Ia Din, huyện Đức Cơ (Gia Lai), chúng tôi không mấy khó khăn để tìm được nhà của Rơ Mah Tuenh, một cử nhân trở về quê và chọn cây cao su làm điểm nhấn để phát triển kinh tế, giúp dân làng thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tiếp chúng tôi trong căn nhà thoáng rộng và sạch sẽ, Tuenh không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại những ngày tháng vất vả theo học từ điểm trường làng cho tới 4 năm đại học mà anh đã trải qua.
Cũng như bao đứa trẻ dân tộc Gia Rai sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới này, từ nhỏ, Tuenh đã được mẹ cho tắm nước giọt, trần truồng trong nắng gió, tóc cháy xoăn, da đen, chỉ có đôi mắt là trong sáng và nhanh nhẹn. Chưa tới 5 tuổi, anh đã theo chân mẹ đi rẫy trồng lúa, trồng bắp, vào rừng hái măng và cứ thế, Tuenh lớn lên trùng trục như củ khoai, củ mì giữa cái nắng, cái gió. Rồi con chữ cũng đến với anh như một sự tình cờ. Chiều muộn, sau khi cùng đám bạn ở làng đi đá bóng về, người ướt đẫm mồ hôi và bùn đất, thấy trong nhà có khách, Tuenh lặng lẽ đi vào sau nhà bếp. Chưa kịp tắm rửa thì anh được người khách đến nhà (sau này anh mới hay đó là cô giáo) gọi lên ngồi bên gần gũi và rất tình cảm. Cô uống chén nước rồi thân mật hỏi: “Em có muốn đến trường, muốn học cái chữ, con số không? Trường làng mình mới làm rất đẹp, sáng thứ hai tuần sau, cô đến đón em tới trường và vào lớp học nghe”.
    |
 |
Rơ Mah Tuenh chia sẻ với phóng viên về những thành tích đạt được. |
Đã nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh cô giáo làng và buổi đầu đến trường đi học vẫn in đậm mãi trong tâm trí Rơ Mah Tuenh. Con chữ đến với anh từ đó cùng với bao mơ ước đầu đời tuyệt đẹp, nhưng vì khó khăn mà con đường đến trường có lúc tưởng chừng bị đứt quãng.
Dừng câu chuyện, tôi thấy đôi mắt Tuenh rất xúc động. Rót ly trà nóng mời chúng tôi, anh chậm rãi: “Đến nay, bà con làng mình còn nghèo lắm, trẻ em đủ tuổi đến trường thì nhiều nhưng cũng đến lớp 4-5 là bỏ học. Bỏ học vì khó khăn cũng có, nhưng nhiều em bỏ học theo “phong trào”, ở nhà đi chơi rồi lấy chồng, lấy vợ... cái khổ lại đeo bám”. Trong làng, ngoài Tuenh còn có thêm Rơ Mah Yến, nay là vợ của anh, hai người cùng làng, cùng học các cấp phổ thông với nhau, cùng nuôi ước mơ vào giảng đường đại học. Ước mơ rồi cũng toại nguyện. Tuenh đỗ vào Trường Đại học Tây Nguyên còn Yến trở thành sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Khỏi phải nói niềm vui của hai người khi nhận được giấy báo trúng tuyển và ngày bước chân chính thức lên giảng đường đại học. Nhưng cuộc sống ít khi chiều theo ý muốn con người, hết năm thứ hai đại học, ba mẹ già yếu lại bệnh tật, kinh tế gia đình quá khó khăn, Yến đã tình nguyện bỏ học, về quê làm kinh tế nuôi người yêu ăn học.
Tự hào vì lần đầu tiên có hai đứa con của làng vào đại học, một đứa mới tốt nghiệp đại học, ông Rơ Mah Peng, già làng Nẻ xúc động: “Lâu lắm rồi, không biết từ bao đời qua, bà con dân làng cứ ước mơ “con chữ đại học” đến với trai, gái, con em mình mà khó quá. Chuyện thằng Tuenh học và tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên như là chuyện cổ tích, một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học để tụi nhỏ noi theo, cũng như để các bậc cha mẹ nhìn thấy gương vượt khó học giỏi để vào đại học là chuyện làm được, có thật chứ không phải của yang (thần linh), do yang... như xưa nay quan niệm lạc hậu của dân làng”. Cái nghèo đói đã không ngăn nổi bước chân đam mê đi tìm con chữ, tìm ánh sáng tri thức của Tuenh. Càng nghèo khó, anh càng mong mỏi sẽ tìm được con đường đi, dù con đường gập ghềnh nhưng lại khiến Tuenh nỗ lực vươn tới, giúp cho mình và giúp dân làng bước qua các hủ tục, thoát nghèo đói.
Cây cao su khởi nghiệp ban đầu
Chuyện Rơ Mah Tuenh, một cử nhân đại học ra trường về làng quê vùng biên giới của mình và chọn cây cao su để khởi nghiệp là đề tài bàn tán xôn xao của bà con dân làng. Người đồng tình thì cho đó là việc làm rất tốt, mong Tuenh đem cái chữ về giúp bà con hiểu biết thêm về cuộc sống, về lao động sản xuất, nhất là những hiểu biết về cây cao su để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống rồi vươn lên làm giàu. Người không đồng tình thì lại bảo: “Mất công bao nhiêu năm ăn học, giờ lại về với cây cao su... thì có chi để mà nói!”. Riêng Tuenh thì rất vui bởi theo anh, chọn cây cao su để khởi nghiệp ban đầu là một quyết định đúng đắn.
Những ngày giáp Tết, trời se lạnh, đứng giữa vườn cao su đang khai thác những ngày cuối mùa cạo, khuôn mặt Tuenh vui mừng, đôi mắt sáng hẳn lên, bởi anh tin cây cao su không phụ lòng bà con lao động. Biết trồng, chăm sóc, khai thác thì hiệu quả sẽ cao hơn, kinh tế gia đình anh và bà con dân làng từ đấy thêm phát triển, tiếp tục vươn lên làm giàu. Khi đã có kinh nghiệm, có nguồn vốn, anh sẽ mở rộng diện tích vườn cây, chọn trồng những loại giống chất lượng cao, nhu cầu lớn, trồng xen canh và làm trang trại sản xuất, chăn nuôi...
Với ý chí, khao khát được lập nghiệp trên chính mảnh đất vùng biên giới quê hương mình, tháng 4-2019, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, Rơ Mah Tuenh về quê và bắt đầu con đường khởi nghiệp từ cây cao su. Chi nhánh Công ty 75 (Binh đoàn 15) được anh chọn và tìm đến. Trao đổi với chúng tôi, Tuenh cho biết: “Mình không nghĩ cứ học xong đại học là phải ở lại thành phố, thị xã để làm việc và kiếm sống. Bằng kiến thức đã học, tích lũy cùng với thực tế công việc, cuộc sống, nếu biết vận dụng, cùng với niềm đam mê thì chắc chắn sẽ thành công. Cây cao su dễ trồng, sống được trên đồi cao, thích nghi nắng hạn... đây là những điều kiện tốt nhất và sẵn có để bà con tận dụng phát triển kinh tế. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để có thu nhập ổn định hằng tháng từ 5 đến 7 triệu đồng từ cây cao su với bà con dân làng đã là cao. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm học được, mình sẽ giúp bà con hiểu thêm về cây cao su từ lúc trồng, chăm bón đến khi khai thác. Khi cái đầu của người dân đã biết, cái tay làm đúng, có thu nhập, cuộc sống ấm no hơn thì khi đó chắc chắn bà con sẽ gắn bó với vườn cây, cạo đúng kỹ thuật, thời gian để nâng cao tuổi thọ của cây, sản lượng, chất lượng mủ”.
Cũng như người dân của làng, khi nghe nói san đất để trồng cây cao su, tái canh cây cao su, đi khai thác mủ từ 2 đến 3 giờ sáng... thì Tuenh rất lo lắng. Vì truyền thống người Gia Rai đi làm khi mặt trời gần ngang bằng với ngọn cây và về khi mặt trời buổi chiều chưa tắt nắng. Nhưng được anh em trong công ty thân tình chỉ bảo, hướng dẫn cụ thể nên Tuenh làm quen với cây cao su rất nhanh. Để đáp ứng công việc, có được thành tích cao, đã bao ngày đêm anh bám vườn cây, nắm chắc các công đoạn, từ khâu trồng, chăm sóc đến khi khai thác. Một đường cạo, một dòng nhựa trắng bây giờ có được là biết bao giọt mồ hôi, công sức, biết bao ngày đêm thao thức nuôi dưỡng ước mơ.
Sự cố gắng của Tuenh đã được đền đáp. Danh hiệu “Bàn tay vàng” tại Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2020 do Công ty 75 tổ chức đã gọi tên Rơ Mah Tuenh. Cùng với đó, anh vinh dự được Tư lệnh Binh đoàn 15 biểu dương. Đó là niềm tự hào của anh, của dân làng và của bao người lao động khác.
Đại tá Hoàng Đức Tỏa, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty 75, cho chúng tôi biết thêm: “Hình ảnh Rơ Mah Tuenh, một thanh niên trẻ, một tân cử nhân ngày đêm học tập, nghiên cứu về cây cao su, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác... để đem lại hiệu quả kinh tế cao đang trở thành nhân tố mới của phong trào thi đua, lập nghiệp, xây dựng đơn vị. Rơ Mah Tuenh đã làm được điều mà nhiều người khác chưa làm được, đó là biết vượt qua cái yếu của bản thân, có sự kết hợp giữa sức trẻ dám nghĩ, dám làm, kiến thức khoa học và khả năng cập nhật thông tin. Hy vọng Tuenh sẽ phát triển tốt”.
Chiều biên giới, mặt trời trốn mình sau đỉnh núi, chỉ còn một màu tím vàng phủ nhẹ trên những tán rừng cao su. Câu chuyện của Rơ Mah Tuenh sau đại học trở về vùng biên giới quê hương, chọn cây cao su để khởi nghiệp và giúp bà con thoát nghèo; chuyện về một nữ sinh viên đại học tự nguyện trở về làng sản xuất để nuôi người yêu ăn học... còn đẹp hơn cả giấc mơ!
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI