Không biết từ sau năm 1820 cho đến khi hình thành Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Nghi Xuân (năm 1962), ngoài gia đình, gia tộc, có ai hoặc đơn vị nào làm giỗ Nguyễn Du không? Chỉ biết phải đến ngày 10 tháng 8 năm Giáp Tý, tức 8-9-1924 mới có một cuộc giỗ lớn do Hội Khai trí Tiến Đức ở Hà Nội tổ chức cho Nguyễn Du, nhân 104 năm Ngày mất (theo âm lịch) của đại thi hào, chẵn 100 năm sau ngày thi hài được cải táng rồi chuyển về quê Tiên Điền (Nghi Xuân)...
Có thể nói, thiên tài Nguyễn Du và sức sống của Truyện Kiều đã được khẳng định từ rất lâu-hàng trăm năm về trước, có thể là được bắt đầu từ bài Tựa Truyện Kiều của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, viết vào tháng Hai, năm Minh Mệnh nguyên niên, tức 1820-năm Nguyễn Du qua đời: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. Câu trên của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân không chỉ có giá trị tổng kết mà còn giúp ta giải thích những căn rễ sâu xa của giá trị đó, ở hai phía con mắt và tấm lòng tác giả. Hơn một thế kỷ sau, một số học giả lại có những tổng kết tuyệt vời về Nguyễn Du gắn với năm mất và nhân ngày mất của đại thi hào, điều đó cho thấy một chân lý về giá trị bất tuyệt, bất hủ của Truyện Kiều.
 |
Học sinh Trường THPT Lý Chính Thắng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vịnh thơ nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: NGUYỄN BÌNH
|
Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du tổ chức vào năm 2015-hai năm sau khi UNESCO vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới, được ghi nhận bởi một khối lượng khổng lồ các công trình nghiên cứu về Nguyễn Du trong nhiều bộ tuyển hàng nghìn trang và nhiều tên sách của các văn nhân học giả đứng ở hàng đầu các ngành khoa học xã hội-nhân văn thời hiện đại. Các công trình lần lượt xuất hiện, gần như không lúc nào đứt đoạn trong nửa sau thế kỷ 20 và hai thập niên đầu thế kỷ 21. Còn trước đó thì những bình và luận về Truyện Kiều lúc nào cũng có, nhưng vẫn còn thưa thoáng và chưa thật nhiều. Có nghĩa là thời hiện đại, thời chúng ta đang sống hôm nay đã làm được rất nhiều về Nguyễn Du và cho Nguyễn Du, với rất nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo, trong đó đáng chú ý là bài phát biểu của bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO ở Việt Nam, trong Lễ kỷ niệm 250 năm sinh nhằm tôn vinh Nguyễn Du vào ngày 5-12-2015 ở TP Hà Tĩnh.
Ở bài phát biểu này, bà Katherine Muller-Marin đã gắn Nguyễn Du với những giá trị nhân loại mang tính phổ quát và có ý nghĩa xuyên thời đại, qua các mối quan hệ giữa Nguyễn Du với khát vọng hòa bình, Nguyễn Du với chủ nghĩa nhân văn-quyền con người, Nguyễn Du với các giá trị gia đình và với yêu cầu bình đẳng giới, và Nguyễn Du với truyền thống văn hóa dân tộc Việt.
Thời điểm kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Nguyễn Du (năm 2015), Việt Nam đang tiến sâu vào kỷ nguyên hội nhập. Các giá trị dân tộc và nhân loại trong sự cần thiết phải gắn bó với nhau, vì nhu cầu phát triển, càng cần được khẳng định và khơi rộng để mỗi dân tộc không những không tự đánh mất mình mà còn chủ động trong đồng hành với nhân loại. Chính là trong bối cảnh đó mà cuộc thăm Việt Nam và bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24-5-2016 đã nhận được sự đồng tình và ngưỡng mộ của mọi trái tim người Việt chúng ta, khi ông hai lần nhắc đến Nguyễn Du và dẫn một câu thơ đích đáng để nói về mối quan hệ Việt-Mỹ trong thế giới hôm nay: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Ngày 10-9-2016, Hội Kiều học Việt Nam cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày giỗ lần thứ 196 của đại thi hào trong Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền-Nghi Xuân. Sự kiện này nhằm ôn lại những giá trị đã được nhân loại tôn vinh và để chuẩn bị cho Đại hội của Hội-nhiệm kỳ II (2016-2021) vào ngày 3-11-2016 và đại hội hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào vào năm 2020, với niềm tin tưởng: Với các giá trị tinh thần càng bền vững và dồi dào theo năm tháng, gắn với dân tộc Việt và gắn với quê hương Hà Tĩnh, Nguyễn Du sẽ còn đem lại cho chúng ta sức mạnh để vượt mọi thử thách mang tính toàn cầu như đang diễn ra hôm nay.
3.254 câu của Truyện Kiều, không có câu nào không gắn vào tâm và trí, vào con tim và bộ nhớ của mỗi công dân Việt suốt hơn 200 năm qua. Thế nhưng, ở thời điểm hôm nay, xem ra câu được chọn, với ý tưởng thích hợp nhất để nói lên tâm nguyện chung của chúng ta sẽ là: “Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Của tin, trong tâm thế dân tộc Việt thì đó là một vật thiêng, một kỷ niệm quý giá hoặc vô giá.
Hơn bất cứ lúc nào, lúc này chính là lúc chúng ta phải lấy lại hoặc xây dựng cho được lòng tin, để có của tin: Tin ở chân lý, ở lẽ phải, ở cái thật, ở sự thật, ở thiện tâm, ở sự tử tế, ở ý chí vượt lên, và chiến thắng những gì là trái, là ngược lại những giá trị cao quý và thiêng liêng mà Tổ quốc ta, nhân dân ta, hệ thống chính trị ta quyết tâm gìn giữ, vốn đã được kết tinh với sức hút và sức tỏa tuyệt vời của nó nơi đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều bất hủ...
Tháng 9-2020
GS PHONG LÊ