leftcenterrightdel
Nguyễn Công Chung (đứng giữa) nhận Giải thưởng “Đầu bếp xuất sắc nhất châu Á năm 2017”. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đến hiện tại, Nguyễn Công Chung có lẽ là đầu bếp người Việt thành công nhất trong lĩnh vực ẩm thực quốc tế. Anh từng là tổng bếp trưởng đầu tiên của một hệ thống khách sạn quốc tế 5 sao tại Việt Nam. Anh cũng là người đầu tiên đạt danh hiệu “Đầu bếp xuất sắc nhất châu Á”. Thế nhưng, ít ai biết rằng, nghề đầu bếp đến với Nguyễn Công Chung khá tình cờ. Cách đây hơn 20 năm, với Nguyễn Công Chung, nghề làm bếp là một khái niệm rất mơ hồ. Tốt nghiệp THPT, ước mơ của chàng trai trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời là một nghề gì đó thật “hot”, ví như: Bác sĩ, kiến trúc sư, kinh doanh... Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình anh khi đó không cho phép. Một người cô của Chung giới thiệu anh đến làm bếp. Dường như có duyên với nghề, anh vào học Trường Trung cấp Nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội. Không ngờ, càng học, Chung càng bị cuốn vào những công thức nấu nướng, những món ăn, gia vị... Niềm đam mê của anh đã lập tức gặt hái thành quả. Sau năm học đầu tiên, Chung đạt kết quả xuất sắc được cấp học bổng toàn phần.

Thời gian đi tập sự, Nguyễn Công Chung bắt đầu với một nhà bếp của... quán bia. Làm việc 14 giờ/ngày trong một không gian chật chội, nóng bức, sức lực trai tráng cũng như bị vắt kiệt. Thế nhưng, bù lại, Chung tiến bộ rất nhanh trong nghề. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội, anh đã được một nhà hàng Ấn Độ mời về làm đầu bếp. Thế rồi, chỉ một năm sau, Chung lại thử sức với cuộc thi tuyển đầu bếp của hai khách sạn nổi tiếng tại Hà Nội là Khách sạn Daewoo và Khách sạn Sofitel Metropole. Kết quả, anh trúng tuyển cả hai nơi. Chung lựa chọn Khách sạn Sofitel Metropole để đầu quân. 8 năm làm việc tại một trong những căn bếp “xịn” nhất Hà Nội, anh tích lũy được vô số kinh nghiệm và tay nghề nấu nướng đã được nâng lên đẳng cấp... cao thủ.

“Tiếng lành đồn xa”, biết tiếng Nguyễn Công Chung, khách sạn quốc tế 5 sao Sheraton Hà Nội mời anh về làm bếp phó, phụ trách bếp tiệc. Năm 2013, Chung được đề bạt làm Tổng bếp trưởng của khách sạn này. Nhiều năm qua, Nguyễn Công Chung được mời đi hàng chục nước từ châu Á đến châu Âu để tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu gian hàng ẩm thực Việt Nam. Anh đã cùng các đầu bếp Việt thể hiện được sự tinh tế, đặc sắc và hương vị riêng của món ăn Việt để khoe với bạn bè quốc tế. Có lần ở Pháp, sau khi thưởng thức món ăn của Chung, một phụ nữ Việt kiều đã bật khóc. Bà nói với anh, món ăn của anh làm bà nhớ Hà Nội, nhớ quê hương bởi bà định cư ở Pháp đã chục năm nay mà chưa có dịp về thăm quê.

Trong các cuộc giao lưu văn hóa, giới thiệu ẩm thực, những món ăn đặc trưng Việt Nam do Nguyễn Công Chung nấu luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao về độ thanh, nguyên liệu tươi, gia vị độc đáo, quy trình nấu nướng không lâu. Thế nhưng, anh vẫn trăn trở, dù nhận được nhiều lời khen ngợi, trong bản đồ ẩm thực thế giới, món ăn Việt vẫn chưa nổi. Theo chuyên gia này thì nguyên nhân là món ăn Việt khó bảo đảm hương vị khi ra nước ngoài vì những khó khăn về nguyên liệu, đặc biệt là cây rau gia vị. Mặt khác, ẩm thực Việt vẫn chưa có được nhiều chương trình quảng bá xứng tầm,  khiến đông đảo bạn bè quốc tế chưa biết đến nền ẩm thực đa dạng, độc đáo của ta.

Không chỉ đem ẩm thực Việt ra nước ngoài, Nguyễn Công Chung còn có cơ hội được phục vụ nhiều đoàn khách nguyên thủ quốc tế. Năm 2006, khi đang là bếp phó của Khách sạn Sheraton, nhóm bếp của anh được giao lo bữa ăn cho đoàn khách đặc biệt là Tổng thống Mỹ G.Bush nhân chuyến thăm Việt Nam. Thực đơn do Tổng bếp trưởng-một người nước ngoài-phụ trách. Bữa tối của Tổng thống G.Bush ngày đó gồm các món từ thịt bò. Dùng xong bữa, các đầu bếp được mời lên nói chuyện với Tổng thống Mỹ. Nguyễn Công Chung đã hỏi ông G.Bush rằng, ông có hài lòng với bữa tối không? Tổng thống G.Bush vui vẻ khen bữa tối và hỏi về nguồn gốc thịt bò. Khi được biết nguồn thịt nhập từ Mỹ, ông cười và bảo, ở nước Mỹ cũng có món này và đương nhiên ông thích được trải nghiệm bữa ăn của người Việt Nam.

Sau lần được nói chuyện với Tổng thống G.Bush, Nguyễn Công Chung rút ra nhiều bài học cho mình, rằng sự khác biệt về văn hóa ẩm thực và làm quen với sự khác biệt đó chính là trải nghiệm tuyệt vời nhất của mỗi du khách tới Việt Nam. Cũng từ đó, Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung chăm chút hơn cho từng món ăn Việt trong thực đơn của một khách sạn quốc tế như Sheraton.

NGUYỄN HÀ DUYÊN