Trước năm 1890, khi cùng những chuyến tàu thủy viễn du qua vùng biển miền Trung Việt Nam, chàng bác sĩ nhiều mơ mộng Alexandre Yersin thường say mê nhìn về phía đất liền, nơi có những dãy núi cao vút, điệp trùng, xanh thẳm. Tháng 7-1891, Yersin đến Nha Trang, đi dọc miền duyên hải đến Phan Rí, men theo các con đường mòn, vượt qua một ngọn đèo cao 1.200m và lần đầu đặt chân tới Di Linh. Năm 1893, Yersin dẫn đầu đoàn thám hiểm rời Sài Gòn, vượt qua thác Trị An đến Tánh Linh, qua sông La Ngà đến Di Linh. Ngày 21-6-1893, Yersin lần đầu đặt chân lên cao nguyên Lang Biang.

leftcenterrightdel
Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng nay là trụ sở của Phòng Dân Tộc và Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh

Từ bản phúc trình của Yersin cùng nhiều chuyến khảo sát sau đó, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer quyết định chọn Đà Lạt xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng kiểu châu Âu. Nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ cho đề án táo bạo này, năm 1899, Paul Doumer ký sắc lệnh thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, Ernest Outrey được bổ nhiệm làm công sứ, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (lúc bấy giờ gọi là Djiring).

Tại sao vùng đất này có tên là Djiring? Có người nói đó là tên của vị chủ làng xưa đã có công lập ra buôn người Cơ Ho trên vùng đất này. Cũng có giả thuyết cho rằng, cái tên Djiring chính là cách gọi chệch đi của Nriêng, nghĩa là sáp ong rừng. Vùng này ong rừng rất nhiều, người Cơ Ho sinh sống bằng nghề lấy mật ong rừng nên người xứ khác gọi họ là Nriêng, sau viết chệch ra thành Djiring. Địa danh Djiring tồn tại trong các văn bản hành chính mãi đến năm 1958 mới bị chính quyền Ngô Đình Diệm “Việt hóa” thành Di Linh, cùng với hàng loạt địa danh khác như B’lao, Liên Khàng, Đran cũng bị đổi thành Bảo Lộc, Liên Khương, Đơn Dương…

Năm 1899, tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng do kỹ sư trắc địa kiêm kiến trúc sư Cunhac thiết kế bắt đầu được khởi công. Để xây dựng công trình, người Pháp đã huy động hàng trăm người dân tộc bản địa tham gia. Mỗi người bị bắt làm “xâu” thời ấy phải xuống Bình Thuận, gùi 50kg các loại vật liệu như sắt, thép, gạch, ngói… trên lưng, vượt qua quãng đường rừng hơn 70km, trong đó có đèo Gia Bắc cao hơn 1.200m. Cuối năm 1900, tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng hoàn thành, cao 2 tầng, rộng 200m2, bên trong có 8 phòng, trên đỉnh có tháp tựa như tháp đồng hồ, mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu. Đây là công trình xây dựng có quy mô lớn đầu tiên của người Pháp trên đất Lâm Đồng, sớm hơn nhiều so với các công trình khác tại Đà Lạt. Hiện nay, tòa nhà là trụ sở làm việc của Phòng Dân tộc và Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh.

Năm 1901, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ và sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, việc thiết lập các tuyến giao thông từ đồng bằng lên cao nguyên Lang Biang vẫn tiếp tục. Năm 1906, phái đoàn do Cunhac dẫn đầu tiến hành khảo sát, xây dựng tuyến đường bộ Bình Thuận-Di Linh-Đà Lạt, đến năm 1914 hoàn thành. Ngày nay, một phần của tuyến đường thuộc Quốc lộ 28 nối Bình Thuận đi các tỉnh Tây Nguyên. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng tuyến đường vẫn không thay đổi nhiều so với thuở ban đầu. Mặt đường nhỏ hẹp, chạy hun hút giữa rừng, vắt qua những sườn núi cao ngút, hai bên đường dân cư khá thưa thớt, đôi khi khách có thể gặp những phiến đá, cây cầu rêu phong, phủ bụi thời gian.

Năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập. Người Kinh, người Hoa từ xuôi lên sinh sống, buôn bán tạo nên phố chợ sầm uất. Năm 1925, ông Ngô Châu Liên, một nhà thầu khoán mua mảnh đất trước tòa thị chính xây dựng nhà nghỉ phục vụ du khách và những người đam mê săn bắn. Năm 1926, ông bán toàn bộ khu đất và khách sạn cho Hội thừa sai Paris ở Sài Gòn để làm cơ sở truyền giáo vùng Di Linh với giá tiền là 10.000 đồng Đông Dương. Đây chính là cơ sở truyền giáo cho người dân tộc bản địa đầu tiên vùng đất Lâm Đồng. Năm 1950, công trình nhà thờ Di Linh được khởi công xây dựng. Hai công trình đến nay còn khá nguyên vẹn, mang vẻ đẹp cổ kính, đậm chất hoài niệm.

Năm 1926, linh mục Jean Cassaigne được giao nhiệm vụ truyền giáo và coi sóc con chiên vùng Di Linh. Tại đây, ông đã thành lập trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc cho những người bị bệnh phong. Sau này, chính ông cũng bị lây nhiễm và mất bởi căn bệnh quái ác này. Mộ của linh mục Jean Cassaigne hiện nằm giữa làng phong. Ông đã để lại một cụm công trình kiến trúc là những ngôi nhà làm việc, nhà nguyện, nhà ở được quy hoạch chi tiết, khoa học, tạo nên một “chòm phố” mang vẻ đẹp hết sức tinh tế, nên thơ, chứa thông điệp nhân văn sâu sắc.

Năm 1917, nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh, gắn kết cộng đồng của người Việt trên vùng đất cao nguyên, bà con đã dựng đình Di Linh. Qua nhiều lần tu sửa, đình vẫn giữ được nét kiến trúc và vẻ cổ kính ban đầu. Công trình đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2006. Hằng năm, tại đình diễn ra hai lễ tế lớn là Tế Thu và Tế Xuân cùng nhiều hoạt động văn nghệ dân gian đặc sắc.

Năm 1957, tỉnh Đồng Nai Thượng được đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ chuyển về Bảo Lộc. Sứ mệnh của một đơn vị hành chính cấp tỉnh trên vùng đất nam Tây Nguyên kết thúc. Tuy nhiên, dấu ấn “khai sơn phá thạch” vẫn còn đó, ẩn hiện giữa lòng thị trấn Di Linh sầm uất hôm nay. Các di tích này cùng nhiều danh thắng khác như núi Brah Yang cao 1.874m, núi Yang Doan cao 1.812m, hồ Kala, thác Bobla, những đồi chè, cà phê bát ngát... thực sự là điểm đến hấp dẫn, gọi mời, giục giã bước chân du khách tìm về khám phá, trải nghiệm.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG