Tháng 12, Thượng úy QNCN Trần Thị Quảng Bình và Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Huyền Trang là vợ và con gái liệt sĩ Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4 hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nhận quyết định công tác tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man ra đi, còn lại mẹ già trên 90 tuổi, 3 người con chưa kịp trưởng thành! Suốt những năm chồng biền biệt làm nhiệm vụ trong quân đội, chị Quảng Bình tự nguyện đứng sau, lui về hậu phương, vun vén gia đình để chồng yên tâm công tác. Chị cũng từng làm nhân viên nuôi quân ở Quân khu 5, rồi khi chồng ra Quảng Bình công tác, chị chuyển về TP Đồng Hới để chăm sóc chồng và các con. Có giai đoạn cuộc sống khó khăn, chị ra chợ mở một ki-ốt nhỏ buôn bán rau quả để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Chẳng ai nghĩ, người phụ nữ chân chất ấy là một người vợ của một vị tướng. Từ khi chồng hy sinh, chị Bình lưu giữ cẩn thận những đồ dùng cá nhân của chồng, từ bộ quân phục, mũ kê-pi, đôi giày... Thỉnh thoảng, chị mang ra sắp xếp lại, ngắm nghía rồi nước mắt lặng lẽ rơi. Khi chúng tôi đến thăm gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Man nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, đi qua một góc phòng, bộ quân phục mới được mẹ con chị treo ngay ngắn. Ngày nhận quyết định công tác, trước bàn thờ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, chị Bình và cháu Trang báo với chồng, với cha, cùng lời hứa viết tiếp truyền thống binh nghiệp còn dang dở của chồng, của cha, phục vụ Tổ quốc, quân đội và nhân dân.

Thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị trao quyết định tuyển dụng thân nhân liệt sĩ vào công tác trong quân đội. Ảnh: XUÂN DIÊN

Những người dân tại tổ dân phố 9, phường Nam Lý, TP Đồng Hới kể, vợ chồng bác Man rất bình dị. Những ngày nghỉ, bác Man về quê là lại đi quanh xóm hỏi thăm nhà này, nhà khác. Ai gặp khó khăn gì bác đều giúp đỡ. Hay tin vợ và con bác được tuyển dụng vào quân đội làm việc, ai cũng thấy đó là việc làm hợp lòng dân, đầy tính nhân văn và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, quân đội để động viên các gia đình vượt qua mất mát, tiếp tục cuộc sống. Đại tá Lê Văn Vỹ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận các thân nhân liệt sĩ về công tác, đồng thời có sự bồi dưỡng, bố trí công việc phù hợp. Mong rằng, thân nhân các liệt sĩ sẽ vượt lên hoàn cảnh, trân trọng sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, quân đội; tích cực nghiên cứu, học hỏi để sớm tiếp cận công việc và môi trường công tác mới, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công đảm nhiệm”.

Một ngày cuối năm, thời tiết rét buốt. Chúng tôi tới phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, thăm căn nhà nhỏ của Thiếu úy QNCN Hoàng Thị Diệu, là vợ liệt sĩ Trung tá Phùng Thanh Tùng, công tác tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, hy sinh khi làm nhiệm vụ vào ngày 18-10-2020 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngôi nhà khuất trong hẻm nhỏ, nằm im lìm nhưng trầm ấm khói hương, bởi hầu như ngày nào cũng có người thân, làng xóm, bạn bè, đồng đội đến thăm hỏi, động viên. Trước hiên nhà, chiếc máy khâu với những vải vóc, quần áo là vật dụng mà chị Diệu mở một tiệm may nhỏ để phụ giúp gia đình, nhiều ngày nằm lặng lẽ. Từ khi anh Tùng hy sinh, chị chưa làm việc trở lại. Trước đây, mọi sinh hoạt gia đình đều phụ thuộc chủ yếu vào đồng lương của anh Tùng. Chị Diệu mở một tiệm may nhỏ, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Hai vợ chồng đồng lòng tích cóp mãi đến năm 2015 mới xây được căn nhà. Xây xong nhà, hai vợ chồng còn một khoản nợ, đang dành dụm tiết kiệm để trả dần. Cuộc sống tưởng vậy cứ êm đềm trôi đi đến khi chị nhận được tin chồng hy sinh... Chị Diệu tâm sự, nhiều đêm, trong giấc mơ, chị vẫn thấy anh Tùng trở về sửa đường ống nước, mỉm cười dắt xe vào cho chị mỗi khi đi làm về. Nhưng đó chỉ là giấc mơ mà thôi. Đã hơn hai tháng kể từ khi anh Tùng hy sinh nhưng nước mắt của chị chưa ngày nào ngừng rơi. Chị vẫn mang những bức ảnh kỷ niệm của chồng và ảnh cưới hai người ra xem. Khi mất đi anh Tùng, chị Diệu cũng không thiết tha gì với cuộc sống này nữa. Nhưng mỗi khi nhìn 3 đứa con thơ dại, nhất là bé trai út mới chỉ 7 tháng tuổi, chị lại quên đi ý nghĩ yếu đuối đó, mạnh mẽ tiếp tục cuộc sống để nuôi dạy các con. Với sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, chị Diệu được tuyển dụng vào làm việc tại Ban CHQS thị xã Cửa Lò, nhân viên hậu cần, phiên quân hàm thiếu úy QNCN. Những ngày này, chị Diệu đã bắt đầu làm quen với đơn vị, với công việc mới. Bà nội, mẹ của anh Tùng hằng ngày đến nhà chăm các cháu để chị Diệu yên tâm đi công tác...

Hội viên Hội Phụ nữ Lữ đoàn Thông tin 80 (Quân khu 4) đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc con gái của Đại úy QNCN, liệt sĩ Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4. Ảnh: HOA LÊ

Trung tá Phan Văn Thảo, Chính trị viên Ban CHQS thị xã Cửa Lò chia sẻ: “Nhận được quyết định tuyển dụng đồng chí Diệu là vợ của liệt sĩ Phùng Thanh Tùng vào đơn vị công tác, trước hết chúng tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, trình độ chuyên môn để bố trí công việc phù hợp với khả năng. Với tấm bằng Trung cấp nấu ăn, đơn vị đã bố trí đồng chí Diệu làm nhân viên hậu cần. Tiếp đó, đơn vị cũng đã bồi dưỡng cho đồng chí Diệu tìm hiểu, tiếp cận môi trường quân đội qua việc phổ biến các điều lệnh, quy định để đồng chí nhanh chóng hòa nhập công việc. Sau một thời gian, đồng chí Diệu đã bắt đầu ổn định công việc và yên tâm công tác”.

Chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Anh, vợ của liệt sĩ Đại úy QNCN Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80 (phường Bến Thủy, TP Vinh) khi chị đang chuẩn bị cơm tối. Lò bếp than đỏ lửa xua bớt đi cái lạnh buốt giá mùa đông và sự thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình. Chị và hai con nhỏ, bé trai hơn 4 tuổi, bé gái 13 tháng tuổi, hiện đang sống chung với bố mẹ chồng. Ông bà tuổi đã cao, sức yếu nhưng vẫn giúp trông các cháu để chị làm công việc nhà. Mỗi khi nhớ chồng, chị bần thần ngồi bên khung cửa sổ, đưa bộ quân phục lần cuối chồng mặc ra mân mê, ôm chặt vào lòng rồi òa khóc nức nở. Đứa con gái út chưa hiểu chuyện nhưng thấy mẹ khóc cũng òa khóc theo.

Chị Anh tốt nghiệp Đại học Vinh, ngành du lịch nhưng chưa có việc làm ổn định. Được Bộ Quốc phòng tuyển dụng làm nhân viên quân bưu thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 80, phiên quân hàm thiếu úy QNCN, chị Anh tâm sự, đây là một nguồn động viên lớn để chị có công việc ổn định, nuôi dạy các con trưởng thành và đi tiếp hành trình mà chồng để lại. Những ngày này, chị Anh đang thu xếp công việc gia đình, gửi các con đi nhà trẻ để chuẩn bị đi làm. Chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 80 cũng tạo điều kiện, khi qua 100 ngày của liệt sĩ Đinh Văn Trung, chị mới nhận công tác. Các hội viên phụ nữ Lữ đoàn Thông tin 80, bà con lối xóm thường đến thăm hỏi, thay nhau chăm sóc các cháu, giúp đỡ gia đình những công việc thường ngày.

Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Giao Linh là vợ của liệt sĩ Trung tá Phạm Ngọc Quyết, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, được về nhận công tác tại Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị. Lúc trước, anh Tùng đi công tác xa, ông bà nội thì đã mất, ông bà ngoại cũng bận nhiều việc không thể chăm cháu nên chị Giao Linh phải nghỉ việc ở một cơ quan nhà nước để có thời gian chăm sóc con, giúp chồng yên tâm công tác. Nay chồng đã hy sinh, gánh nặng gia đình đặt lên vai người mẹ trẻ, chị vừa làm mẹ, vừa làm cha để chăm sóc, dạy dỗ con cái. Nhận được sự quan tâm của Nhà nước, quân đội tuyển dụng vào làm việc, chị Giao Linh vừa xúc động, trân trọng nhưng cũng lo lắng bởi thời gian tới sẽ phải bố trí thời gian hợp lý để thực hiện tốt công việc.

Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng lại chung một nỗi đau. Nỗi đau mất người thân chẳng gì khỏa lấp được nhưng cuộc sống này vẫn phải tiếp tục. Việc Bộ Quốc phòng tuyển dụng các thân nhân gia đình liệt sĩ vào làm việc trong quân đội là một nghĩa cử nhân văn, sâu sắc, không những động viên giúp các gia đình liệt sĩ ổn định cuộc sống mà còn như một sự tiếp bước, thực hiện con đường còn dang dở của các liệt sĩ đã hy sinh.

HOÀNG HOA LÊ