Thầy trò trường Tiểu học dân lập Tô Hiến Thành, Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới

Như một thực tế đã được minh chứng “cán bộ quyết định hết thẩy” nhưng cái gay go, khó khăn nhất là làm sao chọn được người cán bộ có đủ năng lực và xếp đúng vị trí?

Nhìn lại bước đường đi lên của đất nước, cũng không hiếm các trường hợp, một nhóm người có khi là một cá nhân đề xuất được những phương án hay, những phương sách độc đáo có thể mở đường đi tới một thành quả mới, thậm chí xoay chuyển được một thế cờ ở tầm vĩ mô nhưng đã không lọt được tai các bậc cầm cân nảy mực, đành chịu im hơi lặng tiếng. Đến khi cuộc sống đã cho đáp số rõ ràng đúng, sai, phải quay trở lại những phương án hay, những phương sách độc đáo mà trước đó bị phủ quyết. Nhưng nhóm người hoặc cá nhân là “cha đẻ” của những phương án, phương sách sai trái vẫn bình chân như vại, vẫn chễm chệ tại vị, có khi lên chức lên quyền, còn các “tác giả” đưa ra các phương án, phương sách “tối ưu” vẫn bị đẩy vào quên lãng, thậm chí bị xử lý oan cũng không được minh oan.

Để bước tới nền văn minh hiện đại, nhân loại cũng đã chứng kiến bao thảm kịch đau thương về sự cầm cố, tù đày, thậm chí xử vào tội chết những học giả, những nhà bác học đã dám nói lên sự thật mang tính quy luật xã hội, tính chính xác của những khám phá khoa học.

Những sự ngu dốt không thể giữ mãi được địa vị độc tôn. Cùng với thời gian và sự khảo nghiệm của cuộc sống, chân lý được tôn vinh. Nhưng chân lý, những tiềm ẩn bí mật của xã hội, của khoa học, những phương án hay, những phương sách đúng không phải bao giờ cũng dễ dàng tìm thấy một sớm một chiều.

Phản biện không chỉ diễn ra trên các diễn đàn chính trị, mà hầu hết trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, khoa học, những người chủ trì các luận án, các đề tài đều muốn có phản biện để kiểm tra tính bất khả kháng của luận án, đề tài nêu ra! Nhưng khi xuất hiện ý kiến trái ngược thì không tỏ ra nóng giận mà còn dùng ý kiến phản biện để làm sáng tỏ phương án mà người chủ đề tài tin là phương án “tối ưu”, nếu không bác bỏ được thì chính phản biện lại góp phần vào hoàn chỉnh phương án.

Có những nhóm, những người sau khi tranh luận sôi nổi, bị ở vào thế thiểu số, thế yếu, đã nhanh chóng bỏ qua cái không khí “bốc lửa” lúc tranh cãi mà trở lại trầm tĩnh, bắt tay chúc mừng người ở thế thắng. Và người ở thế thắng có khi còn mời kẻ “phản biện” cùng cộng tác. Họ tin cuộc sống sẽ cho giải đáp và nếu như phương án được đa số chấp nhận bị quy luật cuộc sống và định luật khoa học bác bỏ thì kẻ “phản biện” còn được mời lên thay thế vị trí chủ trì cho phương án thực thi mới.

Đó là bước đi lên rực rỡ, huy hoàng của thời kỳ đổi mới.

Tất nhiên, chúng ta không đồng tình với lối tranh luận thô lỗ, hàm hồ, những lời lẽ mạt sát, bôi bẩn lẫn nhau của một lối sống thiếu văn minh, lịch sự, càng không thể đồng tình với những lời lẽ phản bác mang ý đồ riêng kéo bè kéo cánh, ác ý, thậm chí có lúc rơi vào mưu ma chước quỷ của các thế lực thù địch hoặc giả vờ buông thả để “đón gió” vật vờ.

Trên đà tăng tiến xã hội, mặt bằng trí tuệ của xã hội ngày càng nâng cao, tỷ lệ chất xám được đầu tư vào phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng. Biện pháp hữu hiệu nào giúp khai thác, tuyển chọn chất xám có hàm lượng cao nhất? Đó là phản biện!

Phản biện sẽ là một môi trường sinh hoạt trí tuệ có thể tạo thêm cơ may để giảm bớt tỷ lệ sai sót, nhầm lẫn trong chọn lựa và sắp xếp vị trí, cung bậc.

Trong thực tiễn cuộc sống đổi mới hôm nay “phản biện” đã đi vào cuộc sống nhưng diện mạo của nó chưa được nhận diện một cách rõ ràng. Hình thức hội thảo, quan liêu thời xa trước mà người dự chỉ được mời đến ngồi nghe thuyết giảng và chầu chực vỗ tay, đã lùi về phía sau, nhường bước dần cho những cuộc hội thảo, trong đó luận đề và phản luận đề được đưa ra tranh luận công khai. Có điều là sự chuẩn bị cho sự “va chạm” để tìm ra chân lý còn chưa có được sự chỉ đạo cụ thể, chủ động từ trước nên kết quả còn nhiều hạn chế. Nhiều đề tài cấp nhà nước, nhiều luận chứng kinh tế, kỹ thuật quan trọng được đưa ra luận bàn mang lại lợi ích rõ rệt, trong đó phía “phản luận đề”, “phản biện” cũng được đầu tư thời gian và kinh phí cao hơn trước. Nhưng cái giá của “phản luận đề”, của “phản biện” chưa được trả giá đúng mức, có khi rất èo ợt, đến tên tuổi các tác giả “phản luận đề”, “phản biện” thành công cũng không được mấy ai biết tới.

Có những “phản luận đề”, “phản biện” thành công giúp cho các cơ quan chức năng thay đổi hoặc điều chỉnh lại mô hình thi công, kế hoạch sản xuất, làm lợi hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng nhưng tiền thưởng cũng không có, chưa nói gì đến bản quyền tác giả!

Còn đối với các nhà chính trị, xã hội học, nhà hành pháp, đó là thái độ thân ái, khiêm nhường, biết lắng nghe những ý kiến hay, những giải pháp tốt.

Một trong những tiêu chuẩn của người lãnh đạo cao nhất ở từng cấp, từng ngành cho đến toàn quốc-không nhất thiết phải là người có trình độ hiểu biết toàn diện giỏi nhất-mà tối thiểu cần phải có đức độ, tập hợp được ý kiến của kẻ hiền tài và đủ trình độ chọn ra một “phương án tối ưu” trong những tình thế bức xúc, cấp bách.

NGUYỄN ĐỨC TOẠI