Về mặt hình thức, du lịch sáng tạo khá giống với du lịch trải nghiệm. Cả hai loại hình du lịch này đều đề cao yếu tố tương tác với người bản địa. Điểm khác biệt là du lịch trải nghiệm chỉ tập trung vào các hình thức trải nghiệm trực tiếp, như: Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng lao động... với người dân bản địa, chứ không quan tâm nhiều tới việc học hỏi cộng đồng địa phương. Nói cách khác, du lịch trải nghiệm là quá trình tiếp nhận một cách thụ động. Trong khi du lịch sáng tạo là quá trình chủ động khám phá, học hỏi từ nền văn hóa bản địa. Ở loại hình du lịch này, khách du lịch được tham gia tìm hiểu văn hóa bản địa hoặc những đặc trưng của điểm đến và có sự kết nối với người dân địa phương hoặc những người tạo nên nền văn hóa bản địa. Du khách không chỉ là người thụ hưởng, mà đồng sản xuất sản phẩm du lịch mà mình trải nghiệm.

leftcenterrightdel
Du khách tham gia tour “Một ngày làm dân chài” ở làng chài Vung Viêng (Hạ Long).

Cách đây chưa lâu, tại Hội thảo “Du lịch sáng tạo-cơ hội cho du lịch Việt Nam”, một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam và Viện Nghiên cứu Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều nhấn mạnh tới tiềm năng to lớn của du lịch sáng tạo ở Việt Nam. Thậm chí, du lịch sáng tạo còn được coi là có khả năng khắc phục những hạn chế đang tồn tại của du lịch Việt Nam. Bởi thứ nhất, loại hình này không bị phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ. Du khách của du lịch sáng tạo có thể đến với cộng đồng bản địa để học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm bản sắc vào bất cứ thời điểm nào. Thậm chí, khi thời tiết càng biến động cực đoan, loại hình du lịch sáng tạo càng thêm hấp dẫn. Thứ hai, du lịch sáng tạo nhấn mạnh tính đặc trưng của mỗi vùng đất, mỗi con người, vì thế không bị ảnh hưởng nhiều bởi khả năng cạnh tranh-vốn là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Trong khi, tính đặc trưng lại là điểm mạnh của du lịch Việt Nam, với bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em. Ngoài ra, với Việt Nam, du lịch sáng tạo còn đem lại những ưu điểm khác như: Không giới hạn về độ tuổi du khách, thời gian lưu trú linh hoạt, không phụ thuộc vào điều kiện cơ sở hạ tầng... Đặc biệt, du lịch sáng tạo khai thác những giá trị văn hóa, tri thức, kinh nghiệm sống và làm việc của cư dân bản địa-một nền tảng tài nguyên vô cùng vững chắc, nên loại hình du lịch này có khả năng phát triển rất bền vững. Mặt khác, khi đến với hoạt động du lịch sáng tạo, du khách mong muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa bằng cách tham gia vào các hoạt động giáo dục, sáng tác nghệ thuật hoặc tham dự các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ cùng người dân địa phương. Điều này góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch, từ đó bảo tồn được các giá trị văn hóa phi vật thể.

Ở Việt Nam hiện tại, một số mô hình du lịch sáng tạo đã xuất hiện như: Du lịch thiện nguyện, du lịch bảo vệ môi trường, du lịch nông nghiệp-nông thôn... Ít năm trở lại đây, Hội An nổi lên như một điểm sáng với mô hình tour “Một ngày làm cư dân phố cổ”. Tham gia tour này, du khách có cơ hội được sống với các gia đình nghệ nhân làng nghề, được chủ nhà giải thích cặn kẽ về những công đoạn làm nên những sản phẩm thủ công truyền thống, ra đồng trồng rau với người nông dân ở làng rau Trà Quế, được trực tiếp lênh đênh trên sông nước tập chèo thuyền, thả lưới... Tương tự, một số điểm đến khác cũng đã manh nha làm du lịch sáng tạo. Đó là mô hình tour “Một ngày làm dân chài” ở làng chài Vung Viêng (Hạ Long), thực hành nghề thủ công tại một số làng nghề Hà Nội và vùng phụ cận như: Làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm sứ Bát Tràng, tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ…

Du lịch sáng tạo đã xuất hiện tại Việt Nam nhưng mới chỉ phát triển tự phát, manh mún. Vì thế, các sản phẩm của loại hình du lịch này bộc lộ không ít hạn chế: Chưa khai thác và thể hiện được tính đặc trưng văn hóa vốn có; vẫn tiềm tàng những hiện tượng đẩy giá cao đối với khách du lịch nước ngoài, chèo kéo khách, bán phá giá… Hơn nữa, các sản phẩm đều chưa chú trọng tới yếu tố truyền thụ văn hóa, chưa cung cấp được cho du khách những thông tin sâu sắc về nghề cũng như văn hóa làng nghề. Con người ở các điểm làm du lịch sáng tạo vẫn chưa ý thức được vai trò “sứ giả văn hóa” của mình mà chỉ đơn thuần bán sản phẩm, dịch vụ chứ chưa biết cách lôi cuốn, góp phần tạo nên sự hài lòng cho khách hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành, để phát triển loại hình du lịch sáng tạo, ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường và tài nguyên du lịch sẵn có, từ đó nâng cao giá trị cho tour du lịch truyền thống bằng cách bổ sung các hoạt động du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, giao lưu với cộng đồng địa phương... Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích dành cho các doanh nghiệp du lịch sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp với các sản phẩm du lịch độc đáo. Và điều quan trọng hơn là việc tuyên truyền cho người dân bản địa-những chủ thể của điểm đến-hiểu được giá trị cốt lõi của du lịch sáng tạo, để từ đó họ có thái độ ứng xử phù hợp hơn với loại hình du lịch này.

Bài và ảnh: HUY TRẦN