Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn đọc có sự chủ động phòng ngừa để tránh mắc phải nhiều áp lực và không có hành vi tiêu cực vì nợ nần.

Áp lực tiền bạc trong mối quan hệ sức khỏe tâm thần và hành vi lệch chuẩn

Kinh tế phát triển đồng nghĩa với việc đồng vốn cần được huy động và tiêu dùng trong mọi mặt của cuộc sống ngày càng tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ càng nhiều người phải vay mượn, huy động tiền cho các hoạt động học tập hay sự nghiệp của mình. Càng nhiều người sẽ lâm vào nợ nần nếu không có các chiến lược và các kỹ năng giải quyết tình huống tốt. Trên thế giới, những năm gần đây số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ những người trẻ lâm vào các khoản nợ dường như có xu hướng ngày càng tăng.

Vấn đề áp lực tài chính cũng hay được đề cập vào những giai đoạn khó khăn hoặc khủng hoảng kinh tế và nó thường được cân nhắc trong mối quan hệ với vấn đề tổn thương sức khỏe, sức khỏe tâm thần (SKTT) và hành vi vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ

Liên quan đến vấn đề sức khỏe và SKTT, trong y văn người ta có đề cập đến hội chứng stress do nợ nần và áp lực tài chính. Thường trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, có một tỷ lệ không nhỏ những doanh nhân phải nhập viện vì các biểu hiện trầm cảm hoặc hành vi toan tự sát. Tất cả cũng chỉ vì áp lực tiền bạc.

Thật vậy, các nghiên cứu khẳng định rằng stress với các khoản nợ làm tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Những người stress mãn tính về vấn đề tài chính có thể dẫn đến cảm giác tự đổ lỗi, xấu hổ về hình tượng sụp đổ của bản thân, cảm giác vô vọng bế tắc về sự nghiệp tương lai. Lâm vào khó khăn tài chính cũng tác động tiêu cực đến những mối quan hệ của xã hội, của cá nhân, làm họ mất đi các nguồn hỗ trợ, vốn xã hội. Tất cả dẫn họ đến suy nghĩ tự tử và hành động toan tự tử trên thực tế.

Về mặt sức khỏe thể chất, stress do áp lực tài chính được chứng minh có mối liên hệ chặt chẽ với chứng cao huyết áp, bệnh tim mạch và chứng béo phì. Có lẽ chính vì thế mà trong bảng danh mục các nghề nghiệp chịu áp lực cao trong xã hội, nghề CEO là nghề có mức độ stress cao nhất, thậm chí cao hơn cả bác sĩ phẫu thuật.

Bên cạnh đó, nợ nần và áp lực tài chính cũng đã được chứng minh có tỷ lệ thuận với các hành vi phạm pháp và tội ác. Người ta hay lý giải rằng chính nợ nần gây các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần ở cá nhân. Trong trạng thái không khỏe mạnh về thể chất, tổn thương SKTT và stress cao độ vì thời hạn của các khoản nợ, nhiều người có thể trở nên thiếu ý thức về hậu quả của hành động, đặc biệt là vô cảm không có khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm nhận những gì người khác phải hứng chịu dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật.

Người ta còn ước tính tỷ lệ vi phạm pháp luật có thể lên tới 48% hoặc 49% ở các “con nợ” không có khả năng chi trả, từ mức độ nhẹ như ăn cắp vặt đến các hành vi nghiêm trọng hơn như trộm cướp, lừa đảo, buôn lậu hàng hoặc chất cấm cũng như những hành vi lệch chuẩn khác.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu bạn càng vướng vào các khoản nợ khi tuổi còn trẻ thì bạn càng có khả năng thực hiện những hành vi mang lại nguy cơ cao cho bạn. Hành vi nguy cơ có thể bao gồm việc cuồng mua sắm, chưng diện đồ đẳng cấp, sử dụng chất gây nghiện, tham gia vào các hành động tạo cảm giác mạnh như đua xe, hành vi trụy lạc, ăn nhậu theo những cách quái đản, tìm kiếm may rủi thông qua các hình thức cờ bạc, cá cược. Tất cả những hành vi này ở giác độ tâm lý có thể được hiểu như cách thức cá nhân làm xao lãng sự chú ý của mình khỏi cảm giác lo lắng nhưng về lâu dài lại làm cho họ rơi vào vòng luẩn quẩn càng stress hơn, càng thấy tội lỗi và vô vọng hơn, càng ngập sâu hơn vào nợ nần đến mức không còn đường lui. Chính vì vậy, nếu tuổi trẻ sớm mất cân bằng tài chính và lâm vào nợ nần thì càng lớn tuổi, xu hướng các hành vi tội ác càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Người ta cũng thấy hành vi nguy cơ quản lý tài chính, mức độ chịu áp lực và xử lý nợ nần ở hai giới là khác nhau. Nhìn chung thì nữ giới thường hay vay mượn hơn, nhưng với các khoản nhỏ hơn, mức độ nguy cơ ít hơn, khả năng khắc phục, xử lý hậu quả thường tốt hơn. Còn nam giới ít mắc nợ hơn nhưng thường mắc các khoản nợ lớn hơn, hành vi vay mượn nguy cơ cao (về lãi suất, nguồn vay hoặc thời hạn trả nợ), khả năng kiểm soát và chiến lược giải pháp ít khả thi, mang tính bốc đồng cao hơn.

Tóm lại, tội ác, nợ nần và tổn thương SKTT là một vòng luẩn quẩn. Cái này tác động củng cố cái kia.

Hiểu nguyên nhân

Khi nói đến xu hướng trong hơn một thập kỷ qua người trẻ đang mắc nợ tài chính nhiều hơn và gặp áp lực tài chính ở độ tuổi sớm hơn, cũng có một phần ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó là việc xã hội chuyển đổi từ lưu thông tiền mặt sang thẻ tín dụng ngân hàng, rồi đến tiền điện tử. Các ứng dụng thanh toán trực tuyến chưa bao giờ nhiều, tiện lợi và dễ dàng như hiện nay. Việc chi trả ảo như thế khiến cho chúng ta mất ý thức về việc có bao nhiêu tiền đã ra đi cho một khoản chi. Nó không như cách truyền thống khi chúng ta phải rút ví, lấy tiền, đếm tiền để trả cho một món hàng. Vì “mắt không thấy-tim không đau” nên đã tạo ra thói quen cuồng mua sắm, chi tiêu không kiểm soát ở một bộ phận giới trẻ.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy người trẻ Việt Nam ít được giáo dục một cách nghiêm túc về tiền bạc cũng như kỹ năng quản lý tài chính. Trong văn hóa, dường như đề cập đến tiền cho trẻ quá sớm là một cấm kỵ. Nhưng rõ ràng trẻ không được giáo dục về tiền và quản lý tài chính thường dễ vướng vào các khoản nợ và mức độ stress về tiền bạc cũng cao hơn. Thiếu kỹ năng quản lý tiền bạc cũng khiến cuộc sống của chúng ta phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh kinh tế-xã hội. Chỉ cần gặp đúng giai đoạn khó khăn thì sẽ mắc nợ. Nếu cha mẹ hay có các khoản nợ thì thường con cái về sau cũng rơi vào cái bẫy mắc nợ và stress về tài chính nhiều hơn.

Với những người trưởng thành, có một nghịch lý là anh càng có kiến thức hiểu biết về tín dụng, tài chính thì anh lại càng có nguy cơ mắc nợ nhiều hơn. Nói một cách ẩn dụ là nếu tôi biết luật tường tận, nhìn thấy những kẽ hở thì tôi sẽ lợi dụng kẽ hở này, bỏ qua những nguy cơ để làm giàu cho bản thân. Chính vì vậy, họ sẽ va vướng vào các vấn đề tài chính nghiêm trọng hơn. Ví dụ điển hình cho ý kiến này là rất nhiều cán bộ ngân hàng cao cấp có trình độ đã rơi vào cái bẫy tài chính gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng thời gian qua.

Tính cách của cá nhân cũng có liên quan đến kỹ năng quản lý tài chính và cách thức xử lý các áp lực tài chính. Những người có lòng tự trọng thấp, ý thức hình ảnh bản thân tiêu cực, mối quan hệ xã hội hạn chế thường hay mắc nợ và khi mắc nợ thì stress nhiều hơn, giải quyết vấn đề kém hơn nên có nguy cơ thực hiện những hành vi lệch chuẩn nhiều hơn.

Tìm giải pháp

Vậy giải pháp để phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa áp lực nợ nần-tổn thương SKTT và những hành vi lệch chuẩn xã hội là gì? Có lẽ giải pháp căn cơ và bền vững phải là chiến lược giáo dục phòng ngừa. Xã hội cần thay đổi quan niệm về giáo dục tiền bạc cho giới trẻ, đề cao kỹ năng quản lý tài chính. Cần có sự xem xét nghiêm túc để đưa các nội dung về quản lý tài chính vào trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chúng ta cũng cần xem xét một cách nghiêm túc để phát triển các dịch vụ xã hội tư vấn tài chính, hỗ trợ giải quyết áp lực tài chính cho các doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Phát triển các dịch vụ tư vấn hỗ trợ tâm lý cho doanh nhân đang có các vấn đề tổn thương SKTT dưới áp lực tài chính. Mặc dù có thể không hỗ trợ được trực tiếp về nguồn tiền, họ hoàn toàn có thể giúp phân tích các lỗi tư duy và hành động dẫn đến tình huống nguy cơ về tài chính, phân tích thói quen chi tiêu, lên kế hoạch để thích ứng với bối cảnh “thắt lưng buộc bụng” (ví dụ chuyển sang tiêu tiền mặt, dự báo và né tránh các tình huống phải chi tiêu…), kết nối các nguồn lực dịch vụ để tìm các giải pháp khả dĩ và quan trọng nhất là đồng hành để loại trừ những quyết định bốc đồng, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn có thể dẫn chúng ta đến vòng lao lý khi đối diện với áp lực tiền bạc.

Mặc dù áp lực tài chính luôn là một vấn đề đau đầu với bất cứ ai. Chúng ta cần nhận ra vấn đề tiền bạc dẫu tệ đến đâu cũng không phải là dấu chấm hết của cuộc đời của mình. Mất tiền là mất ít, mất sức khỏe là mất nhiều. Mất niềm tin và động lực phấn đấu, buông thả bản thân thực hiện những hành vi lệch chuẩn mới là mất tất cả.

PGS, TS TRẦN THÀNH NAM