Giày rồng thuộc thương hiệu Wrong của Fashion4freedom (F4F), một doanh nghiệp xã hội ở Huế. F4F đã kết hợp cùng với rất nhiều nghệ nhân truyền thống tại Huế để chế tác và hiện thực hóa những thiết kế hiện đại lấy cảm hứng từ văn hóa nghệ thuật dân gian. Người “khai sinh” mẫu thời trang giày độc đáo này là chị Lan Vy Nguyễn-người sáng lập F4F. Đôi giày mang đậm dấu ấn văn hóa Việt này là sản phẩm đầu tiên cho hoạt động của F4F với kỳ vọng giúp nghệ nhân làng nghề tìm lại chỗ đứng trên thị trường.
    |
 |
Giày rồng với phần đế gỗ chế tác tinh xảo. Ảnh: Fashion 4 Freedom |
Trong một chuyến đi của F4F hỗ trợ máy móc thiết bị mới cho gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tòng ở phường Đúc (TP Huế), Lan Vy Nguyễn đã nảy ra ý tưởng thiết kế những đôi guốc có phần đế làm từ những sản phẩm điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tòng. Lan Vy Nguyễn kể lại: “Ông Tòng là một nghệ nhân điêu khắc hình rồng trên cột của các ngôi chùa ở Huế. Trong một lần đem máy móc đến gia đình ông Tòng, khi trò chuyện, tôi vô tình đứng bên cạnh một cây cột được chạm khắc hình rồng và lóe lên ý tưởng, sẽ rất tuyệt nếu đem mẫu rồng này để thiết kế trên những đôi guốc”.
Sau đó, Lan Vy Nguyễn và các nghệ nhân đã bắt tay vào việc thiết kế, tìm kiếm nguồn vật liệu cũng như kết hợp các kỹ thuật chế tác với gỗ và giày da. Phần đế chạm khắc hình rồng được nghệ nhân Nguyễn Văn Tòng chế tác từ gỗ cây xoan, vải hoặc mít, được cắt và bào mài tỉ mỉ, để sau đó chạm khắc những hoa văn cầu kỳ, công phu. Được biết, để chạm khắc hoàn chỉnh một chiếc đế giày từ lúc chỉ là một khúc gỗ đến khi thành hình cũng phải mất đến một tuần lễ.
Từ cốt đế, qua khâu sơn mài cần thêm một thời gian. “Lớp sơn mài lần thứ nhất sau 24 tiếng đồng hồ mới khô, để nhiều lớp và lên màu một đôi giày chờ vào da thì công phu lắm. Thực hiện trên đế giày đa diện của giày rồng phải xoay chuyển liên tục. Nếu ngắm nhìn đôi giày, mình nghĩ người chủ sở hữu nào cũng sẽ xuýt xoa”, anh Trần Xuân Minh-người phụ trách khâu sơn mài chia sẻ.
Sau khi hoàn thành, đế giày được chuyển cho người thợ đóng giày để xử lý da, dựng phom dáng và hoàn tất công đoạn cuối cùng. Do đế giày được làm bằng tay nên phần đóng đế gặp rất nhiều khó khăn so với các loại đế cao su hay đế đúc sẵn khác. Người thợ giày phải vừa đóng, vừa tự sửa để phần da và phần đế vừa vặn, ôm khít với nhau. Mỗi chiếc giày đều có phần bao bàn chân bằng da cao cấp và đế gỗ khắc hoa văn tinh tế. Đế giày được thiết kế dạng platform với phần mũi cao khoảng 7,5cm và phần gót cao khoảng 15cm.
Được ra mắt lần đầu tiên năm 2012, giày rồng là tác phẩm nghệ thuật hội tụ nghề chạm khắc gỗ và sơn mài tinh xảo của Huế qua phần đế giày thực hiện vô cùng công phu. Kỹ thuật khắc hoa văn trên đế được truyền cảm hứng từ kiến trúc kinh thành và chùa cổ Việt Nam. Toàn bộ giày thuộc bộ sưu tập này đều được thiết kế thủ công 100% và phải trải qua quy trình sản xuất phức tạp, có thể mất từ 18 đến 22 ngày.
Sau khi hoàn thành bộ sưu tập đầu tay, các mẫu giày rồng này đã được Lan Vy Nguyễn đem đến một triển lãm thời trang ở New York. Những đôi giày chạm khắc hình rồng này ngay lập tức đã được Cool Hunting-một tạp chí trực tuyến chuyên về những sáng tạo trên thế giới để mắt đến. Trong vòng một tuần, bài báo viết về những đôi giày chạm khắc của Việt Nam đã được chia sẻ trên khắp 160 quốc gia. Lan Vy Nguyễn cho biết: “Sau bài báo trên Cool Hunting, đại diện truyền thông của một số nhân vật nổi tiếng đã liên hệ với chúng tôi, thoạt đầu họ tìm đến vì kiểu dáng của sản phẩm, sau đó là vì những câu chuyện đằng sau chúng, những câu chuyện về người thợ thủ công ở Việt Nam”.
    |
 |
Công đoạn chế tác đế giày đầy công phu của các nghệ nhân xứ Huế. |
Xuất hiện nhiều trên báo chí nước ngoài, tham gia triển lãm, trình diễn thời trang, giày rồng đến nay đã có mặt tại 20 quốc gia với mức giá 450USD/đôi. Khách hàng đặt giày rồng đa phần là người nước ngoài, Lan Vy Nguyễn tự hào khi có những khách hàng đã đặt đến đôi thứ 5 nhưng vẫn háo hức đón chờ mẫu mới như lần đầu tiên.
Có vậy mới thấy, văn hóa nghệ thuật truyền thống không chỉ sống và “hoàng kim” trong quá khứ. Nó vẫn sẽ trường tồn và thực sự có một đời sống rất đương đại nếu những thế hệ tiếp nối trân trọng, nâng niu và làm mới mỗi ngày.
HÀ MY