Chàng vệ út của Trung đoàn Thủ Đô
Rời quê nhà ở làng Đa Sĩ, Hà Tây (nay thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội) lên giúp việc cho ông chú họ ở phố Hàng Ngang (Hà Nội) khi mới ở tuổi 12, cậu bé Lê Ngọc Canh chẳng thể ngờ sau đó không lâu, ông bước vào cuộc đời cách mạng. “Tôi nhớ khi ấy (năm 1945) có bác lái xe tên là Điền, nhà ở phố Phủ Doãn, gặp tôi hỏi: Cháu có muốn đi cách mạng không? Lúc ấy tôi chưa biết cách mạng là gì, nhưng khi nghe bác nói “cách mạng là khỏi khổ, khỏi đói, là tự do, tiến bộ”, tôi liền đồng ý ngay. Sau đó, bác Điền giới thiệu tôi với ông Nguyễn Tiến Lợi, Trung đội trưởng Tự vệ thành Hà Nội và tôi được giao nhiệm vụ liên lạc. Năm 1946, tôi bắt đầu tham gia quân đội, là thành viên của Đội Thiếu sinh quân quyết tử ...”-GS Lê Ngọc Canh nhớ lại.
Đối với ông Lê Ngọc Canh, cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giam chân quân Pháp tại Thủ đô năm 1946 đã trở thành những ký ức không dễ nguôi quên. Ông bảo, lúc ấy có gần 200 em nhỏ từ 9 đến 15 tuổi, từ khắp các nơi của Hà Nội cùng sát cánh với các anh Vệ quốc đoàn quyết chiến bảo vệ Thủ đô. Các em được gọi là vệ út, tham gia giữ liên lạc giữa các khu phố của Hà Nội. Được phân công vào Đại đội 14, Tiểu đoàn 103, Trung đoàn Thủ Đô, cậu bé Lê Ngọc Canh vốn trầm tính, hiền lành nhưng làm nhiệm vụ truyền tin, truyền dữ liệu, truyền mật khẩu hay dẫn quân tiếp viện... lại trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn, dũng cảm. Có khi vì nhiệm vụ liên lạc không thể đi trên đường, cậu thoăn thoắt leo lên mái nhà, rồi cả đục tường để di chuyển từ nhà nọ sang nhà kia.
 |
GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh. |
Năm 1947, theo Trung đoàn Thủ Đô rút quân lên Việt Bắc, Lê Ngọc Canh được học văn hóa trở lại và còn được học hát, múa. Nhắc về những ngày tháng này, GS Lê Ngọc Canh vẫn nhớ thầy dạy nhạc Lương Ngọc Trác đã giúp ông biết chơi đàn, diễn trên sân khấu, rồi sáng tác nhạc; thầy Đỗ Chí-người thầy dạy múa đầu tiên, tiếp cho ông men say với nghệ thuật không chỉ bằng những kiến thức mà cả tình yêu thương vô bờ bến... Ông còn có những ngày tháng lăn lộn trong các bản làng của người dân tộc Thái, Tày, Dao... được tiếp xúc với múa dân gian dân tộc. Cũng từ đó, nghiệp múa gắn bó với Lê Ngọc Canh như một duyên nợ của cuộc đời.
Thành công từ những đam mê
Khi còn là thành viên nhí của đội tuyên văn nơi núi rừng Việt Bắc, Lê Ngọc Canh đã sáng tác ca khúc “Nhắn anh Vệ quốc” được đội tuyên văn biểu diễn và phổ biến toàn đơn vị, biên đạo múa “Dáng đứng chiến sĩ” và “Ba quân nhân giỏi”. Dường như gian khó của cuộc chiến chẳng thể làm vơi đi tình yêu nghệ thuật trong ông. Những tác phẩm được nhen nhóm từ trong khói lửa của chiến tranh, từ những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt...” vẫn nối nhau ra đời. Kịch múa “Anh hùng Bế Văn Đàn” (1962), “Theo cờ giải phóng” đồng tác giả, “Cô gái giao liên” (1965) đã mang đến cho ông Huy chương Vàng quốc gia.
Dẫu có lúc quyết định rẽ lối sang học Trường Sĩ quan Lục quân 1 với mong ước được đi chiến đấu nhưng duyên nợ lại đưa ông trở lại với nghệ thuật, trở thành diễn viên Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Sau này khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm nghiên cứu sinh ở Bulgaria, Lê Ngọc Canh dần trưởng thành hơn. Được tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật phương Tây, được xem các hội diễn quốc tế, Lê Ngọc Canh đã được mở rộng tầm nhìn nhưng với ông, nghệ thuật múa dân gian Việt Nam vẫn có một sự độc đáo khó có thể trộn lẫn.
Khi chuyển ngành, trở thành Phó viện trưởng Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Văn hóa trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), GS Lê Ngọc Canh tiếp tục chuyên tâm với múa dân gian và văn hóa các dân tộc. Ông bảo “lý luận bắt nguồn từ thực tiễn và có đi mới có vốn sống”, nên cứ có thời gian là ông lên đường. Để có được tư liệu về múa dân gian dân tộc, bàn chân ông đã trải bao dặm đường, từ vùng cao Tây Bắc đến vùng đất Tây Nguyên, vùng Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ. Kết quả của những chuyến đi ấy là những cuốn sách nghiên cứu vô cùng giá trị về nghệ thuật múa. Có thể kể tới: “Nghệ thuật múa Chăm”, “Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam”, “Văn hóa dân gian-những thành tố”, “100 điệu múa truyền thống Việt Nam”, “Đại cương nghệ thuật múa”, “Nghệ thuật múa chèo”, “Nghệ thuật múa của người Mạ”, “Nghệ thuật múa tộc người Châu Ro”, "Nghệ thuật múa tộc người S'tiêng”...
Nói về những tác phẩm của GS Lê Ngọc Canh, nghệ sĩ Đinh Mạnh Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, đánh giá: “Lê Ngọc Canh yêu những "đứa con tinh thần" của mình đến nỗi khi vừa đặt bút chấm hết một cuốn sách, cũng là lúc ông lại bắt đầu công đoạn mới chẳng kém gian nan mà không phải người cầm bút nào cũng làm được. Hơn 20 đầu sách với tổng số hơn 6.000 trang sách là kết tinh nền tảng của học vấn, là sự nỗ lực phi thường của tác giả...”.
Đau đáu với múa cổ Thăng Long-Hà Nội
Năm 1998, Đề tài công trình nghiên cứu cấp thành phố mang tên "Nghiên cứu kế thừa và phát triển nghệ thuật múa Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội" do GS Lê Ngọc Canh làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu loại xuất sắc, đoạt giải A của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Nhưng phải đến năm 2000, khi về hưu, GS Lê Ngọc Canh mới thực sự dành tâm sức cho những nghiên cứu về múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội. Ông chia sẻ: “Là người con của Hà Nội, sống và gắn bó với Thủ đô trong suốt nhiều chục năm qua, với tôi, Hà Nội rất ân tình và tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho Hà Nội”. Và rồi ông bắt đầu những ngày tháng miệt mài nghiên cứu về nghệ thuật múa Thăng Long-Hà Nội.
Năm 2000, ông cùng nhóm nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội triển khai Đề án “Nghiên cứu phục hồi múa cổ Thăng Long-Hà Nội”. Ông bảo: “Khi bắt đầu triển khai đề án, tôi mời một số bạn trẻ tham gia nhưng không ai hào hứng cả. Vậy là những nghệ sĩ già cả như tôi, Nguyễn Văn Bích, Lê Hồng Thắng, Nguyễn Như Bình, Nguyễn Thúy Mùi, Đỗ Đức Dư, Trần Lệ Cung... lại lần lượt lên đường. Chúng tôi tỏa đi khắp vùng, cả nội, ngoại thành Hà Nội, chẳng quản ngại mưa nắng, xa xôi, rét mướt, cứ biết nơi đâu có múa cổ là chúng tôi tìm về sưu tầm, động viên các già làng, các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ sau. Từ những chuyến đi ấy, chúng tôi đã sưu tầm, phục dựng được gần 40 điệu múa cổ truyền, tổ chức 5 cuộc trình diễn nghệ thuật múa cổ Hà Nội trong dịp Tết đến, xuân về”.
Theo GS Lê Ngọc Canh, nghệ thuật múa cổ Hà Nội rất độc đáo, hàm chứa những giá trị văn hóa, là kết quả của sự sáng tạo và sự tưởng tượng rất trí tuệ, khoa học nên rất cần được bảo tồn. Hiện nay, những nghệ nhân, những người am hiểu về nghệ thuật múa cổ tại các thôn làng của Hà Nội đang dần mai một vì tuổi cao. Bởi thế, làm sao để kế thừa, phát huy giá trị của múa cổ là hết sức cần thiết và phải làm ngay. Nếu như 20 năm trước, chúng tôi không triển khai sưu tầm, phục dựng các điệu múa cổ của Hà Nội thì có lẽ đến giờ, những kho báu văn hóa dân gian đó đã theo rất nhiều người già cả ra đi mãi mãi.
Không chỉ là chủ biên của các đầu sách “Nghệ thuật múa Hà Nội”, “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại”, “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống người Việt vùng Hà Tây (Hà Nội ngày nay), “Múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội”; là tác giả sách “Nghệ thuật múa vùng Hà Nội mở rộng”, những nghiên cứu sâu về nghệ thuật múa Thăng Long-Hà Nội của GS Lê Ngọc Canh còn hiện diện trong nhiều công trình nghiên cứu cấp thành phố như: Văn hóa Hà Nội thế kỷ 20, Bản sắc tinh hoa văn hóa Thăng Long; Hình tượng người Hà Nội trong nghệ thuật thời cận hiện đại; Bách khoa thư Hà Nội; đặc biệt là Tổng tập 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
75 năm hoạt động nghệ thuật múa, những công trình nghiên cứu, tác phẩm nghệ thuật của GS Lê Ngọc Canh đã “neo đậu” trong tình cảm của đồng nghiệp, là những đóng góp lớn đối với sự nghiệp phát triển nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam. Ở tuổi 87, bầu nhiệt huyết và cả trí nhớ của ông dường như vẫn chưa hề vơi cạn. Ông cho biết, sau cuốn sách “Mỹ học nghệ thuật múa” ra mắt bạn đọc quý III năm 2020, ông sẽ tiếp tục cùng các đồng nghiệp trong Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tập trung cho công trình nghiên cứu về “Múa trong hội làng Thăng Long-Hà Nội”; viết sách “Từ điển nghệ thuật múa”; tham gia viết sách “Bách khoa thư Việt Nam”... Với ông, được làm việc, được cống hiến cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc.
PGS, TS, NSND Ứng Duy Thịnh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam: GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh là một điểm sáng rực rỡ trong nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả đối với các lĩnh vực: Sáng tác, đào tạo, nghiên cứu lý luận. Kết quả nghiên cứu của ông là điểm tựa, nền tảng, định hướng tin cậy cho các thế hệ nối tiếp. Đặc biệt, GS Lê Ngọc Canh có đến hàng chục công trình nghiên cứu được coi là cơ sở lý luận cho nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam. Tác giả đã vinh dự nhận được hai giải thưởng lớn: Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai cụm công trình nghiên cứu lý luận nghệ thuật múa. Đây là niềm vinh dự cho tác giả, đồng thời là niềm tự hào cho các thế hệ nghệ thuật múa Việt Nam”. |
Bài và ảnh: ĐẶNG THỦY