QĐND - Hang Quân y, hay Bệnh viện Quân y trong lòng núi Cát Bà, từ thời chiến tranh chống Mỹ, đã trở thành niềm tự hào của ngành Quân y Việt Nam. Hôm nay, bệnh viện đã không còn ở đó, nhưng giá trị lịch sử của hang vẫn nguyên vẹn. Không những thế, trong hangcòn lưu dấu nhiều chứng tích của một thời hào hùng.

Hành lang trong hang Quân y. Ảnh: Hà Linh.

Cách trung tâm thị trấn Cát Bà (TP Hải Phòng) khoảng 13km, hang Quân y nằm lưng chừng núi khu vực Khe Sâu, xã Trân Châu, thuộc địa phận Vườn Quốc gia Cát Bà. Lối ra của hang nằm ở mặt sau của sườn núi, với đường mòn thoai thoải, hai bên là cây rừng khiến du khách hòa mình cùng thiên nhiên giữa cảnh quan của núi rừng vườn quốc gia. Hang có cấu trúc đặc biệt với nhũ thạch và núi đá vôi ven biển hình thành do trầm tích. Bên cạnh đó là những nhũ đá lấp lánh của tạo hóa ban tặng, cùng với ánh sáng trong động, tạo nên không gian bí hiểm, lãng mạn.

Trước đây, hang Quân y mang tên Hùng Sơn, theo tên một vị tướng thời nhà Trần tham gia đánh trận trên sông Bạch Đằng lịch sử, người đã tìm ra hang. Thời kháng chiến chống Mỹ, khoảng những năm 60, hang được xây dựng thành một bệnh viện để làm nơi chữa bệnh cho thương binh, nơi trú ẩn, tránh bom đạn của dân cư địa phương và dân cư sơ tán về từ đảo Bạch Long Vỹ. Bệnh viện có sức chứa hơn 100 thương binh. Ngoài 17 phòng bệnh và các phòng chức năng, trong lòng hang còn có bể bơi, bãi chiếu phim và khu tập luyện thể lực… Sau chiến tranh, mỗi lần có bão, người dân nơi đây cũng chọn hang để làm nơi trú ẩn.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, kết cấu hang Quân y vẫn khá nguyên vẹn. Phần xây dựng trong hang Quân y khép kín, kết cấu bằng bê tông cốt thép, chiều dài nối giữa hai hang khoảng 200m, thiết kế gồm có cửa trước tiếp giáp phía Tây, cửa sau tiếp giáp phía Đông. Qua ba lớp cửa dày từ sau cửa hang là bước vào bệnh viện với 3 tầng. Trong đó, tầng 1 là khu vực chính gồm 14 phòng chức năng như: Phòng mổ, phòng chờ, phòng thuốc… Tầng 2 là khu vực chiếu phim và tập luyện, kiểm tra thể lực. Tầng 3 là sảnh đón tiếp, phòng gác và phòng sĩ quan. Do đặc thù là một bệnh viện thời chiến, hang Quân y còn được trang bị hệ thống đường đi lại, hệ thống thoát nước, hệ thống thông hơi… rất hoàn hảo. Trong hang hiện nay vẫn còn dấu tích của những vết gỗ được đóng vào tường làm tủ đựng thuốc, lối thoát hiểm khẩn cấp từ tầng 3 xuống ngay tầng 1 để thoát ra cửa sau nằm ẩn mình sau những nhũ đá lớn ở mặt sau của núi. Hang Quân y thể hiện quy mô xây dựng thời chiến của quân y viện lớn đầy đủ tiện nghi và diện tích chữa bệnh cho hàng trăm người.

Trong những năm gần đây, du lịch hang động ở Cát Bà đang trở thành sản phẩm thu hút ngày càng đông du khách. Hệ thống hang động cùng với các tour du lịch sinh thái, cộng đồng, leo núi... ở Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám… đang thiết thực góp phần khắc phục tính mùa vụ của du lịch Cát Bà. Đặc biệt, với những giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc được hình thành bởi sự kết hợp giữa tự nhiên và bàn tay con người, hang Quân y đang trở thành địa danh hấp dẫn trong các hành trình du lịch đến với đảo Cát Bà xinh đẹp.

ĐỒNG XUÂN HƯNG