. Giải thưởng này rất có ý nghĩa nâng tầm giá trị gạo Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới. “Vinh quang và tự hào” là những mỹ từ được dành cho Anh hùng Lao động, kỹ sư (KS) Hồ Quang Cua và các cộng sự-“cha đẻ” của gạo ST25. Nhưng, để có được vinh quang và tự hào đó, ông và các cộng sự đã trải qua một hành trình hơn 25 năm với đầy rẫy những gian nan, vất vả.

Tầm nhìn và đam mê

Năm 1992, khi mới chia tách, tỉnh Sóc Trăng còn nghèo, được GS, TS Võ Tòng Xuân hỗ trợ kinh phí mua giống Khao Dawk Mali (KDM) và cử người xuống tổ chức nhân giống. KS Hồ Quang Cua kể: “Thời điểm năm 1992, khi mà vấn đề an ninh lương thực đang được đặt lên hàng đầu, thì GS, TS Võ Tòng Xuân và lãnh đạo tỉnh đã có tầm nhìn xa khi quyết định ủng hộ chúng tôi nghiên cứu lúa thơm. Nhưng phải đến năm 1997 chúng tôi mới quyết định hướng đi cho mình là nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm không quang cảm”.

Trở về từ Philippines trong ánh hào quang “Gạo ngon nhất thế giới” nhưng KS Hồ Quang Cua lại chọn cách lui về vườn như mọi khi, để nghĩ về những bước đi tiếp theo của hành trình đưa gạo thơm ra thị trường thế giới. Buổi chiều hôm sau tôi mới có dịp đối ẩm cùng ông trong không gian thoáng mát của khu vườn me trĩu trịt quả. Và câu chuyện bên ly rượu giữa tôi và ông lần này cũng không ngoài hai chữ ST. Ông tâm sự: “Trong cuộc sống ai cũng có khát vọng, cũng có đam mê, nhưng không phải ai cũng có được may mắn để biến khát vọng và đam mê đó thành hiện thực như chúng tôi”.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng trao bằng khen tặng Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ hai từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu lúa ST25.

Ông là vậy, luôn khắc ghi trong lòng những người đã đồng hành với mình. Bởi vậy, trong buổi tri ân và khen thưởng nhóm nghiên cứu của ông do UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hôm 25-11, ông đã xin phép ban tổ chức được mời thêm một số nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp từng gắn bó với lúa ST để cùng chung vui nhân sự kiện gạo ST25 được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Và trong câu chuyện của ông, tôi lại được thấy sự kết hợp hoàn hảo của những tầm nhìn xa, trông rộng với những đam mê và khát vọng cho cây lúa Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

Thay đổi cách tiếp cận

Công trình lúa thơm ST của ông bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông năm 1996, khi ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp trong quần thể lúa VD20 hạt tròn. Bằng đôi mắt nhà nghề, ông biết ngay đó là những cá thể VD20 đột biến quý hiếm, rất có giá trị cho việc lai tạo sau này. Không lâu sau, ông biết được thông tin Thái Lan đã thành công trong việc nghiên cứu hai giống lúa thơm ngắn ngày, ông chợt nghĩ: “Họ (Thái Lan) làm được thì mình cũng làm được”. Tuy nhiên, khi bắt tay làm mới thấy thiếu nhiều thứ, nhưng cái thiếu nhất chính là tiêu chí giống. Trầm ngâm đôi chút, ông nhớ lại: “Nghiên cứu giống mà không có tiêu chí chẳng khác gì đi biển mà không có la bàn, nên chúng tôi “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện. Vừa làm, chúng tôi vừa học, vừa rút kinh nghiệm để cải tiến một số công đoạn nên càng về sau, tốc độ càng nhanh hơn, đặc biệt là sau khi anh Trần Tấn Phương (một người cộng sự đắc lực của KS Hồ Quang Cua) hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành di truyền phân tử”.

Trong quá trình nghiên cứu, ông cũng phát hiện ra, tại sao tất cả các giống lúa thơm của Việt Nam lai tạo không thể cạnh tranh được với giống KDM của Thái Lan. Và ông đã tìm ra lời giải, đó là do quy trình lai tạo trước đây chỉ thực hiện phương pháp lai đơn giữa giống KDM với những giống lúa có phẩm chất thấp nên thế hệ con cháu của chúng không thể có chất lượng bằng hoặc cao hơn KDM. Vậy là nhóm nghiên cứu của ông quyết định chọn cho mình con đường khó khăn hơn, mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí hơn để đạt mục tiêu có được giống lúa “thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon” bằng phương pháp lai phức. Cũng chính từ hướng đi này, ông đã định hướng cho Thạc sĩ Trần Tấn Phương làm luận văn Tiến sĩ chuyên ngành di truyền phân tử tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Sự định hướng đúng đắn đó, cùng với sự chuyên cần và khoa học, ông và nhóm nghiên cứu đã có cơ may tiếp nhận các nguồn gen hương cốm từ các giống lúa miền Bắc để kết hợp với hương thơm dứa của giống KDM giúp tạo ra những giống lúa ST có hương vị đặc trưng riêng, mà đỉnh điểm hiện nay là các giống lúa: ST20, ST24 và ST25 được các đầu bếp nổi tiếng thế giới công nhận có sự khác biệt hoàn toàn với giống KDM. “Nói vui một chút, đôi khi trình độ của mình không bằng ai lại là một may mắn. Chẳng hạn như lúc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế muốn chuyển giao một số giống đột biến từ tia phóng xạ Gama nhưng không có viện, trường nào ở Việt Nam nhận. Khi họ đến Sóc Trăng thì chúng tôi đồng ý nhận, nhưng thật lòng mà nói, ban đầu chưa biết phải để làm gì. Nhưng về sau mới thấy, đây chính là một trong số những vật liệu lai rất quan trọng”.

Nghiên cứu gắn với tổ chức sản xuất

Có được cây lúa thơm chịu mặn, KS Hồ Quang Cua đã đưa vào cơ cấu lúa-màu ở các vùng đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và cơ cấu lúa-tôm ở vùng lợ của các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa thơm ST ở ven biển ĐBSCL phát triển rất nhanh mà nguyên nhân chính là nhờ ở lợi nhuận. Không những vậy, ông còn phối hợp với các địa phương tổ chức những cánh đồng lớn chuyên sản xuất giống lúa ST cho mình và cho một số doanh nghiệp trong nước. Những cánh đồng như thế trải dài từ thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đến tận những vùng tôm-lúa của Bạc Liêu, Cà Mau và ngược lên tận các huyện vùng miệt thứ (gồm 4 huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng) của tỉnh Kiên Giang.

Một cách làm khác cũng hết sức táo bạo đã khiến KS Hồ Quang Cua không ít lần phải “lên bờ, xuống ruộng”, đó là xây dựng quy trình sản xuất nấm xanh ở nông hộ để phòng trừ rầy nâu trước đại dịch rầy nâu bùng phát vào năm 2006. Tuy nhiên, sự nghiêm túc và khoa học của ông đã làm cho rầy nâu không còn bùng phát thành dịch trên diện rộng, giúp gạo thơm ST luôn đảm bảo an toàn thực phẩm vì không tồn dư hóa chất diệt rầy, nên đến năm 2009, quy trình này được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là tiến bộ kỹ thuật và có hơn 10 tỉnh trong cả nước đến xin chuyển giao.

Rất am hiểu tâm lý của nông dân và thị trường, nên trước khi trồng trình diễn để nông dân chọn lựa một giống lúa thơm nào đó, KS Hồ Quang Cua đều có mẫu gạo xay xát sẵn để doanh nghiệp xác định phẩm chất, giá trị và giá cả. Các thông tin này sẽ được cung cấp trở lại cho nông dân, giúp họ giải bài toán kinh tế khi chọn giống để sản xuất chứ không đơn thuần chỉ là xác định năng suất. Còn đối với những người làm chính sách, để họ an tâm về vấn đề an ninh lương thực và sẵn sàng ủng hộ trong nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm, ông luôn định hướng nâng cao năng suất song song với chất lượng. Nhờ vậy, hiện nay lúa thơm Sóc Trăng đều là giống lúa cao sản và phát triển một cách dễ dàng, thuận lợi.

Chuyện không còn của ST

KS Hồ Quang Cua luôn tâm niệm, thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng, mà muốn có được cần phải kiên trì hoạt động không mệt mỏi. Sự kiên trì đó, được ông và các đồng sự thể hiện không chỉ bằng hàng chục giống lúa thơm mang tên ST có năng suất, chất lượng, giá trị cao; mà còn ở công tác thông tin tuyên truyền về yếu tố xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm xây dựng thương hiệu, tạo tiếng thơm cho địa phương. Có lần ông đột ngột hỏi tôi: “Có biết tại sao ông bà mình ngày xưa thường nói “ngon lành” mà không nói là “lành ngon” không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã nói ngay: “Bởi vì ai cũng thích được ăn ngon hết, rồi sau đó mới tính đến chuyện sạch và an toàn, tức là lành. Đó cũng là lý do mà ngay từ buổi đầu nghiên cứu giống lúa thơm ST, tôi đã đề ra mục tiêu “thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon” làm định hướng xuyên suốt cho quá trình nghiên cứu. Sau này, khi đã có những giống lúa thơm ST “thơm ra thơm, ngon ra ngon” rồi mình chuyển sang sản xuất theo quy trình sạch hay hữu cơ thì không có gì khó cả”.

leftcenterrightdel
Cánh đồng lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: HỒNG HIẾU

Trở lại với câu chuyện gạo ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới mới đây để thấy rằng, thành công của gạo ST25 tại đấu trường quốc tế lần này không chỉ là thành quả của sự đam mê, khát vọng đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa, mà còn ở chính định hướng đúng đắn ngay từ những ngày đầu nghiên cứu của KS Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự. Và theo ông, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi là nâng cao giá trị và xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam. Do đó, chuyện của hạt gạo ST bây giờ không còn là của riêng nhóm nghiên cứu, thậm chí là của tỉnh Sóc Trăng nữa, mà là câu chuyện của cả ngành lúa gạo Việt Nam, nếu muốn hạt gạo ST nói riêng đi xa hơn và tạo lập được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam sớm hơn. Đây là công việc khó nhưng cấp bách cần phải làm. Bởi nếu không, người tiêu dùng trong nước và thế giới sẽ dần quên lãng, giá trị giải thưởng quốc tế sẽ chỉ còn là ký ức của riêng những người làm ra nó.

Bài và ảnh: XUÂN TRƯỜNG