Và nói đến nghề làm hương nổi tiếng thì không thể không nhắc đến làng Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên-một trong những làng làm hương có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.

Nằm cách Hà Nội chừng 40km, Cao Thôn là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước. Hương xạ Cao Thôn có mùi thơm đặc biệt mà không làng hương nào trên cả nước có được chính là nhờ vào bí quyết gia truyền. Nghề làm hương của làng có từ thế kỷ 18. Cụ tổ nghề hương Cao Thôn là bà Đào Thị Khương-người làng Cao Thôn.

Đặt chân đến làng Cao Thôn, bạn sẽ thấy ngay các tấm phên hương với đủ loại hương, từ hương vòng, hương nén đến hương sào trải dài khắp lối đường làng. Màu vàng nâu của hương, màu đỏ tươi của bó tăm hương xòe ra như những đóa hoa đang phơi mình đón nắng kết hợp với màu xanh của cây lá tạo nên một bức tranh làng quê yên bình, sống động khiến ai được chiêm ngưỡng cũng phải ngẩn ngơ.

Theo những bậc cao niên trong làng, sản xuất hương phải qua nhiều công đoạn. Chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, nghiền, pha trộn, se hương, nhúng hương đến phơi và đảo hương đều được thực hiện hết sức cẩn thận. Tùy loại hương, giá thành phẩm, cách pha chế mà nguyên liệu được pha trộn các hương vị nhiều hay ít, quý hay bình thường, sẽ cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau tạo nên thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm hương của mỗi gia đình. Chỉ tính riêng nguyên liệu thôi cũng đủ làm bạn ngạc nhiên. Có đến hơn 30 loại thuốc bắc được người làng Cao Thôn đưa vào sản xuất hương: Tân di hoa, bồ kết, đương quy, xuyên khung, bạch chỉ, cam thảo, lá hắc hương, đinh hương, tiểu hồi, ngâu, nhục đậu, đại hoàng, bắc mộc, tùng, trắc bách diệp… Hương Cao Thôn có mùi thơm đặc biệt mà không làng hương nào trên cả nước có được, mùi hương tự nhiên, thanh mát, phảng phất và lâu tan, đem lại cho con người cảm giác thư thái, thoải mái.

leftcenterrightdel
Phơi hương
leftcenterrightdel
Lăn hương
leftcenterrightdel
Se hương
leftcenterrightdel
Gom hương
leftcenterrightdel
Tăm hương

 Sau khi những vị thảo mộc đã được lựa chọn kỹ càng, cân đong để bảo đảm mùi vị cân bằng, tất cả các nguyên liệu sẽ được xay thành bột mịn, trộn với dây keo hay còn được gọi là đời bời để gắn kết bột hương lại với nhau. Từ bột hương, muốn se thành nén hương cần có tăm hương. Theo kinh nghiệm của những người thợ làm hương lâu năm, tăm hương phải được chọn từ những cây nứa bánh tẻ để chân hương bảo đảm độ dẻo dai, tạo độ cong cho cây hương. Chiều dài của mỗi tăm hương từ 35cm đến 40cm tùy theo nhu cầu sử dụng. Tăm hương được chẻ nhỏ, ngâm, phơi rồi được nhuộm màu đỏ ở chân. Việc nhuộm màu đỏ không chỉ làm tăng vẻ đẹp của nén hương, mà còn là điểm để đánh dấu phần bột hương được sử dụng trên nén hương. Tất cả các công đoạn từ pha chế thuốc, se hương, nén hương đa số đều làm bằng tay.

Trước đây khi se hương bằng tay, người thợ lấy bột hương vê vào tăm tre, lăn tròn bằng một chiếc bay gỗ. Một người thợ lành nghề một ngày có thể se từ 7.000 đến 8.000 que hương. Ngày nay, phần lớn các hộ làm hương đều sử dụng máy bắn hương thay vì se bằng tay như trước nên một công lao động có thể làm được từ 18.000 đến 20.000 que hương. Hương làm bằng máy thường đẹp hơn, nhanh hơn nhưng hương se tay khi đốt sẽ tạo được nhiều khói và thơm hơn.

Việc phơi và đảo hương cũng mất nhiều tâm sức của những người thợ bởi nghề làm hương phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vì vậy, khi trời còn tờ mờ sáng, người dân trong làng đã bắt tay vào việc để khi mặt trời lên là có hương mang ra phơi cho kịp nắng. Nếu trời nắng to như mùa hè, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều sẽ được hương, hương màu sắc vừa đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Còn vào những ngày nồm trời khiến hương ẩm mốc, người làm hương càng vất vả trong việc phơi khô bởi không thể đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi, giảm chất lượng nên để hoàn thành một mẻ hương phải mất tới 4 ngày. Và người làm hương sẽ phải chủ động quan sát tỉ mẩn để biết chắc thời điểm nào hương đã khô và giữ trọn vẹn được mùi thơm.

Người Cao Thôn cho rằng, nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, làn khói tỏa như thế nào, hình thức ra sao. Nếu đốt 10 nén hương mà 8 nén cho mùi giống nhau là thành công.

Nhờ có chất lượng tốt, hình thức đẹp và đặc biệt cháy rất đều lại đậu tàn, từng ấy ưu điểm khiến làng hương Cao Thôn duy trì được sản xuất quanh năm, đặc biệt là những tháng giáp Tết. Khách hàng không chỉ ở trong nước mà đã có hộ tìm được mối hàng xuất đi các nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia...

Nghề truyền nghề, cha truyền con nối, hương xạ Cao Thôn trở nên danh tiếng hết đời này sang đời khác kéo dài mấy thế kỷ nay. Trải qua bao thăng trầm, nén hương xạ Cao Thôn đã có được những phẩm chất mà ít làng hương nào sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Ý thức được rằng nén hương là một sản phẩm văn hóa góp phần gìn giữ và bảo vệ tín ngưỡng tâm linh của người Việt, người dân Cao Thôn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề, không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Hy vọng làng nghề hương xạ Cao Thôn sẽ luôn phát triển, góp phần gìn giữ nét đẹp cổ truyền của dân tộc đến mãi mai sau.

Bài và ảnh: AN NHI