QĐND - Người Bàu Trúc kể, cứ 3 tháng sau khi lấy đất sét làm gốm, những hố sâu lại đầy lên như cũ. Ấy là bởi trời thương, dành kế sinh nhai cho người Bàu Trúc...

Làng gốm Bàu Trúc nằm cách thành phố Phan Rang gần 10km, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, là một trong hai làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Mảnh đất nơi đây thừa hưởng trầm tích hai bên bờ sông Quao và sông Lu, tạo thành những vỉa đất sét dẻo nằm bên dưới những ruộng lúa của cánh đồng xứ Ha-mu Crao. Và rồi, để tạo một dáng gốm hoàn chỉnh, nghệ nhân Bàu Trúc phải thực hiện 6 công đoạn: Làm đất-nặn hình-chà láng gốm-trang trí hoa văn-tu sửa gốm-nung gốm. Mỗi tác phẩm, sản phẩm gốm mang một tính cách, ý tưởng riêng của mỗi nghệ nhân. Gốm hoàn toàn "vuốt bằng tay, xoay bằng mông" tạo nên những kích cỡ sản phẩm tiểu, trung, đại khác nhau. Những nét hoa văn ẩn hiện tinh tế được trang trí tự do và thường được khắc vạch, in chấm bằng que, bằng vỏ sò, vỏ ốc, bằng hoa lá thực vật... Các hoa văn trên gốm còn sử dụng cả dấu bàn tay, móng tay, dùng màu thực vật, kỹ thuật hun khói làm màu áo để có được màu sắc cổ truyền, huyền bí và đặc trưng. Đặc biệt hơn, gốm Bàu Trúc được nung bằng củi, rơm với thời gian từ 5-6 giờ ngoài lộ thiên với nhiệt độ lên đến 900 độ C. Gốm Bàu Trúc mang phong cách cổ truyền, mộc mạc của người Chăm và gần gũi như con người Việt Nam.

Đền đài Chăm dưới bàn tay của nghệ nhân Bàu Trúc.

Đôi bình gốm Bàu Trúc giành kỷ lục cao nhất Việt Nam của sách Guinness Việt Nam.

Những sản phẩm của làng gốm Bàu Trúc.

Phóng sự ảnh của THU MINH