Cà đắng Tây Nguyên có hình tròn hoặc hình bầu dục, màu xanh khi còn non, màu vàng khi đã chín, cuống có gai nhọn. Ở mảnh đất dư thừa nắng gió Tây Nguyên, cà đắng đậu quả quanh năm, nhưng quả chín thường là vào mùa hè và mùa thu. Quả cà đắng có rất nhiều tác dụng, có thể làm thuốc nhằm tăng cường sức đề kháng, cải thiện miễn dịch nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong quả. Cà đắng còn được sử dụng để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giảm cân, đốt cháy mỡ thừa và cải thiện làn da tươi sáng mịn màng. Đặc biệt, cà đắng được người Tây Nguyên sử dụng để chế biến những món ăn độc đáo mà phổ biến nhất là canh cà đắng.
|
|
Món canh cà đắng nấu cá khô. Ảnh: VĂN HÀ
|
Tùy theo nguyên liệu, canh cà đắng có nhiều cách chế biến. Cà đắng không ăn sống như cà pháo mà chỉ ăn chín. Có thể mua nhiều về cắt miếng phơi khô, treo giàn bếp dùng dần. Trước khi nấu, người Tây Nguyên đem ngâm nước chừng 5-10 phút, cà mềm và vị đắng vẫn không mất đi. Trong số các món ăn có nguồn gốc từ cà đắng, thông dụng nhất là canh cà đắng cá khô và cà đắng sườn lợn. Đây đều là những món ăn dân dã, dễ làm nhưng lại hết sức độc đáo. Nguyên liệu của canh cà đắng cá khô gồm: Quả cà đắng, cá cơm khô, thịt ba chỉ, ớt hiểm, mùi tàu, tía tô, hành tím, tỏi. Canh mang vị đắng nhẹ của quả cà hòa quyện cùng vị ngọt của thịt ba chỉ và cá khô luôn khiến thực khách ấn tượng ngay từ lần đầu thưởng thức.
Trong khi đó, canh cà đắng sườn lợn lại mang hương vị khác biệt. Nguyên liệu để nấu món canh này gồm: Quả cà đắng, sườn lợn, thịt bò, mùi tàu, ớt đỏ, hành... Món canh này có vị ngọt của sườn lợn, thịt bò hòa quyện cùng vị đắng nhẹ của cà tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn và lạ vị.
Cùng với hai món canh độc đáo trên, người Ê Đê có một món ăn chế biến từ cà đắng khá độc đáo. Đó là món cà đắng nấu khô. Nguyên liệu chính của món này là cà đắng và đầu cá trích khô. Cách chế biến khá đơn giản. Đầu cá trích khô được cho vào cối giã nát. Hành, tỏi với một ít dầu cho vào chảo xào sơ cho dậy mùi thơm. Đun một nồi nước sôi, cho cà xắt khoanh hay bổ như múi cam vào. Khi cà mềm, chắt nước cơm cho vào nồi canh để nước có độ sền sệt, làm tô canh thơm lạ cùng với vị ngọt, đắng của cà.
Người Tây Nguyên dùng cà đắng để chế biến ra nhiều món ăn như: Cà đắng giã, cà đắng um với ếch, lươn, canh cà đắng nấu với nội tạng bò, gỏi cá khô cà đắng... Dù chế biến như thế nào, món cà đắng vẫn ngon bởi hội tụ đủ các hương vị: Dẻo, thơm, bùi, béo, cay, đắng. Những người ăn cà đắng lần đầu sẽ thấy không quen với vị đắng nhân nhẫn của món ăn, nhưng sau đó sẽ khó quên hương vị của nó.
Với cuộc sống ngày càng tiện nghi, người Tây Nguyên sử dụng nhiều dụng cụ bếp núc hiện đại và các loại gia vị như người Kinh nhưng cà đắng vẫn là nguyên liệu ẩm thực không thể thiếu trong cuộc sống. Cà đắng vừa mang nét đặc trưng của cuộc sống nơi núi rừng, vừa là nét biểu trưng độc đáo cho tính cách bộc trực, hào sảng, trung thực, hiền hòa của người Tây Nguyên. Thế rồi, các món ăn từ cây cà đắng đã xuống phố, đi vào thực đơn của nhiều nhà hàng, quán xá và đã trở thành món ăn hấp dẫn đối với tất cả những ai đến với mảnh đất Tây Nguyên ngút ngàn nắng và gió.
BẢO HÂN