Đưa người Chứt hòa nhập cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND xã Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh) kể lại với tôi rằng: Vào năm 1967, người dân địa phương khi lội qua con khe Đằng Đằng đã thấy người Chứt xuất hiện ở bản Rào Tre, trong những ngôi nhà tranh lụp xụp. Tuy dựng nhà lên đấy, nhưng thảng hoặc mới thấy họ về ở. Dễ hiểu thôi, vì cuộc sống mưu sinh của họ là hái lượm hoa quả rừng, săn bẫy thú rừng. Khi màn đêm buông xuống, ôm ấp nhau ngủ hang. Cơm không có ăn, đàn ông mặc khố, đàn bà khoác váy bằng tấm vải thô che thân. Nhìn họ chẳng khác gì người nguyên thủy.
Nhằm đưa người Chứt thoát khỏi cảnh người rừng, UBND huyện Hương Khê, giao nhiệm vụ cho ông Xân (cha ông Bình) cùng ông Hiến, cán bộ nông nghiệp huyện vào tận hang sâu để vận động đồng bào Chứt quay về chốn cũ làm ăn nhưng không thành công. Chính quyền địa phương huyện Hương Khê phải “bó tay” hàng chục năm trời vì chưa đủ khả năng vận động, thuyết phục người Chứt.
Đến năm 1993, đồng chí Đặng Duy Báu, Bí thư Tỉnh ủy nhận được nguồn tin của trinh sát Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về có một dân tộc đang sống khắc khoải trong hang núi. Sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp với chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung cuộc họp xác định là đưa người Chứt ra khỏi hang núi, xây dựng lại bản mới, giúp họ có cuộc sống ổn định và phát triển bền vững. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói: "Từ xưa tới nay, tình cảm giữa Bộ đội Biên phòng gắn bó với dân như cá với nước. Mặt khác, Bộ đội Biên phòng được tôi luyện và trưởng thành trong gian khổ, nên tôi có đủ niềm tin các đồng chí sẽ gánh vác được nhiệm vụ cao cả này".
Sau cuộc họp đó, một đội công tác được thành lập và Thượng tá Võ Trọng Việt, khi đó là Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ đội trưởng đội công tác ấy. Đội quân đã đi hàng chục cây số đường rừng, vượt nhiều đèo cao, vực thẳm, suối sâu mới tiếp cận được với người Chứt trong hang sâu. Lần đầu tiên gặp gỡ, người Chứt tỏ ra rất ái ngại. Nhưng chỉ sau ít phút chuyện trò, đội công tác Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tạo được sự gần gũi với họ. Thượng tá Võ Trọng Việt nói với họ rằng: "Bà con đừng sống khổ như con nai, con gấu trong rừng nữa. Về lại bản Rào Tre đi. Bộ đội sẽ giúp bà con biết trồng lúa, trồng ngô có cái hạt mà ăn. Nuôi con trâu, con bò để cày, nuôi con lợn để ngày Tết có thịt bày mâm cỗ"...
Sau 3 ngày ròng rã “ăn trong rừng, ngủ trong rừng”, Thượng tá Võ Trọng Việt cùng đội công tác kiên trì thuyết phục từng người. Cuối cùng, bà con chấp nhận về nơi bản cũ sinh sống. Để thay thế những ngôi nhà tranh tre dột nát của bà con, đội công tác làm việc với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan chức năng, đề nghị giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp lương thực ban đầu cho bà con. Được cấp trên ủng hộ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng 12 ngôi nhà sàn cho các gia đình người Chứt. Cung cấp đầy đủ chăn màn, giường chiếu, cấp đủ gạo ăn và các phương tiện sinh hoạt khác. Mở thêm hơn 5km đường đất, 2km đường bê tông để người Chứt được tiếp cận và gần gũi với người dân các làng xã khác ở huyện Hương Khê...
Sau khi bà con đã thích nghi với môi trường mới, không tự trốn nhà vào hang ở nữa, cán bộ biên phòng xây dựng kế hoạch giúp đỡ người Chứt thoát đói nghèo, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Trước hết, bộ đội giúp bà con nhận thức và làm chủ được bản thân, làm chủ gia đình, xây dựng mối quan hệ bền vững với cộng đồng. Muốn làm được điều đó, không còn đường nào khác bộ đội phải tăng cường lực lượng cùng ăn, cùng ở với bà con, cầm tay chỉ việc, gắn bó với người Chứt như người thân trong gia đình... Dù khó khăn đến mấy, cán bộ, chiến sĩ cũng quyết không để người Chứt bỏ làng, trở lại hang núi.
Những ngày đầu định cư ở bản Rào Tre, các chiến sĩ phải hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con, từ cách xoa xà phòng, cách gội đầu vệ sinh thân thể đến cách giặt giũ quần áo; cách trồng chuối và các loại cây ăn quả cho từng người; hằng ngày đưa đồng bào ra học cày, học cấy. Từng tốp chiến sĩ đến các gia đình dựng chuồng trâu, bò, gà, lợn và mua con giống rồi hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc... Từ việc lớn đến việc nhỏ của bà con đều có các anh bên cạnh.
Sau 3 thập kỷ kiên trì bám bản của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đến nay thành công nhất là người Chứt đã biết sản xuất lương thực, biết chăn nuôi trồng trọt để nuôi sống bản thân và gia đình. Bà con đã thực sự biết làm chủ bản thân, làm chủ gia đình và hòa nhập cộng đồng. Người Chứt được mở mang dân trí, con em trong độ tuổi được đến trường. Bộ đội Biên phòng luôn kề vai sát cánh giúp người dân xây dựng bản làng bước sang cuộc sống văn minh...
|
|
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của người Chứt. |
Gương mặt mới ở bản Rào Tre
Trở lại bản Rào Tre lần này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi sắc thay da trong đời sống của người Chứt. Đường từ thị trấn về bản Rào Tre ngày trước là con đường đất đỏ “Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh” nay đã được xây dựng thành con đường bê tông hóa.
Ngồi trên ô tô ngắm nhìn quang cảnh bản làng thật thơ mộng. Dọc con đường lớn dưới dãy núi Ka Đay là những ngôi nhà sàn xinh xắn được lợp bằng ngói đỏ. Trước cửa nhà sàn có những cây na, cây ổi lúc lỉu quả. Những bụi chuối đang đến độ thu hoạch. Đâu đây nghe tiếng gà nhảy ổ, những con lợn nái được chủ thả tự do đang lượn quanh vườn. Hiện tại bản Rào Tre có gần 30 gia đình sinh sống, trong đó có 8 cặp vợ chồng trẻ. Cả bản đã sản xuất được 4ha lúa nước với năng suất 2,5 tạ/sào, nhiều gia đình chăn nuôi từ 2 đến 4 con trâu, bò.
Chị Hồ Thị Nam, nguyên Trưởng bản kiêm Bí thư Chi bộ bản Rào Tre tâm sự: “Ngày trước ở đây, bà con sống ban ngày cũng giống như ban tối. Nếu không có bộ đội cưu mang chúng tôi làm sao có 27 ngôi nhà sàn đẹp đẽ như hôm nay. Nhờ có bộ đội và cả tình thương của cộng đồng, người Chứt mới có “vận may” đổi đời. Đổi mới từ gia đình đến đổi mới cả bản làng”.
Chị Nam tiết lộ thêm, từ chỗ chị không biết chăn nuôi, giờ đây, riêng gia đình chị đã chăn nuôi 3 con trâu và một đàn gà hơn 30 con. Người Chứt trước đây chỉ biết phá rừng, chặt cây rừng đổi rượu để uống, bây giờ đã biết trồng cây từ vườn nhà đến vườn đồi. Hiện tại, các gia đình trong bản đã trồng được 5.000 cây gió trầm, chăn nuôi được 40 con trâu, bò.
Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre cho hay: "Người dân tộc Chứt không chỉ biết phát triển kinh tế mà còn biết tham gia hoạt động văn hóa. Bản đã có chi bộ đảng, tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... sinh hoạt khá đều đặn. Đặc biệt, không còn tái diễn cảnh hôn nhân cận huyết. Hiện tại người Chứt đã lập thêm bản mới, có 8 cặp vợ chồng trẻ sinh sống, trong đó có một chiến sĩ lấy vợ dân tộc Chứt. Người dân lúc đau ốm được các thầy thuốc Bộ đội Biên phòng khám điều trị, thuốc thang đều được cấp miễn phí.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng ở đây còn trở thành những người thầy giáo, mở lớp dạy chữ cho người Chứt. Trở lại bản Rào Tre lần này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hội quán, nhà lưu giữ kỷ vật về văn hóa người Chứt khang trang. Tới thăm trường mẫu giáo, thấy cháu nào cũng bụ bẫm, xinh xắn trong bộ quần áo xúng xính màu sắc. Cô giáo Hồ Thị Hương, gắn bó với con em đồng bào Chứt suốt 20 năm nay cho biết: "Đến nay đã có hai em tốt nghiệp cao đẳng, một em năm vừa qua thi đỗ đại học. Nhiều em hiện nay đang theo học tại Trường Phổ thông trung học dân tộc Hương Khê...".
Mỗi bước đi gần chắp cánh cho những ước mơ xa. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã thực sự bước sang trang mới kể từ khi có những người lính biên phòng luôn đồng hành như thế.
Bài và ảnh: PHAN THẾ CẢI