Từ chuyện xưa...

Một ngày tháng tám, chúng tôi có dịp về vùng sông nước cửa ngõ phía Nam TP Hồ Chí Minh, đi thuyền trên sông Nhà Bè ngắm cảnh sắc thiên nhiên mới cảm nhận hết vẻ đẹp bình yên nơi đây. Nhà Bè có hệ thống sông ngòi chằng chịt, như: Sông Soài Rạp, sông Nhà Bè, sông Mương Chuối, sông Phước Long, rạch Dơi, rạch Mương Lớn... Nhiều con sông gắn liền với các chiến công oanh liệt của bộ đội ta trong những năm kháng chiến.

Lướt sóng trên dòng sông xanh mát, đến ngã ba sông Nhà Bè-nơi giao lưu của hai con sông Lòng Tàu và Soài Rạp, tôi chợt nhớ đến giả thuyết nơi đây chính là khúc sông chia hai trong câu ca dao. Có lẽ vì con sông Nhà Bè bắt đầu từ cầu Phú Mỹ đổ đến ngã ba Bình Khánh, chia hai ngả tạo thành sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.

Thế nhưng, cũng có giả thuyết khác cho rằng, sông Nhà Bè là hợp lưu của hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Mỗi dạo con nước dâng, ghe thương hồ từ vùng Cửu Long lên hay dân sông nước ở Cần Giờ, Nhà Bè đi lại sinh hoạt, giao thương, có thể về hai hướng: Xuôi Biên Hòa theo sông Đồng Nai hay rẽ qua Gia Định theo sông Sài Gòn. Vì thế nên mới có câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Còn nhiều giả thuyết khác để giải thích cho câu ca dao này, nhưng đó vẫn chỉ là những tư liệu truyền miệng.

Hôm nay, người lái thuyền đưa chúng tôi đi trên sông Nhà Bè là anh Nguyễn Hữu Nam, 54 tuổi, quê gốc ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Trong suốt hành trình, anh kể cho chúng tôi nghe khá nhiều câu chuyện về địa danh Nhà Bè và các địa danh khác ở TP Hồ Chí Minh. Riêng cái tên “Nhà Bè”, anh Nam tấm tắc: “Tôi đã được nghe nhiều vị cao niên kể về địa danh Nhà Bè”.

Mỗi người kể một cách, ai cũng có lý của mình, nhưng có lẽ theo giải thích trong sách "Gia Định thành thông chí" có vẻ hợp lý hơn cả. Sách này ghi chép: “Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách ngồi đợi, thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng (còn được người dân gọi là Thủ Huồng) kết tre lại làm bè, trên lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không phải trả tiền. Sau đó, nhiều thương hồ tụ tập, bắt chước kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè”.

Anh Nam còn kể cho chúng tôi nghe về sự kiện bộ đội Đặc công rừng Sác đốt cháy kho xăng Nhà Bè gần 50 năm trước gắn liền với những con sông nơi anh đang kiếm sống mỗi ngày. Câu chuyện ấy tôi từng được nghe nhân chứng lịch sử là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, nguyên Chính ủy Đoàn 10 Đặc công rừng Sác, người trực tiếp chỉ huy trận đánh kho xăng Nhà Bè, kể lại khi ông còn sống.

Số là, kho xăng Nhà Bè cách Sài Gòn 10km về phía Đông Nam. Kho được xây dựng trên địa hình trống trải, bốn mặt đều là sông, rạch và sình lầy. Tại đây, có 3 kho lớn chứa xăng, dầu của các hãng: Shell, Esso, Cantex; trong đó kho Shell bảo đảm 60% xăng, dầu cho các hoạt động dân sự, quân sự của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Do tầm quan trọng đặc biệt này mà kho xăng Nhà Bè được bảo vệ nghiêm ngặt với 12 lớp rào bao bọc, cùng các lực lượng canh phòng cả dưới nước, trên bộ và trên không.

Đêm 2-12-1973, lực lượng của Đội 5 (Đoàn 10 Đặc công) được lệnh tổ chức một mũi gồm 8 chiến sĩ đánh vào Kho xăng Nhà Bè. Để tránh phải đối đầu với 12 lớp hàng rào và hàng chục toán lính canh, các chiến sĩ Đặc công rừng Sác đã mưu trí, tận dụng con sông Soài Rạp ngay bên bờ kho xăng, thả mình trôi theo dòng sông, tiếp cận mục tiêu. Nhờ chuẩn bị kỹ càng và kỹ thuật điêu luyện, các chiến sĩ Đội 5 đã vượt qua nhiều tuyến phòng thủ vòng ngoài, vòng trong của địch.

Quá trình tiềm nhập, 3 lần gặp địch, nhưng các anh đã khôn khéo, bình tĩnh giấu mình, đặt mìn hẹn giờ vào những vị trí đã xác định. Đúng 2 giờ 15 phút ngày 3-12-1973, hàng loạt bồn xăng của địch nổ bùng, bốc cháy dữ dội. Cảng Nhà Bè trở thành một vùng biển lửa cháy kéo dài suốt 12 ngày mới bị dập tắt. Hơn 70 bồn chứa 140 triệu lít xăng bị phá hủy; 1 tàu dầu trọng tải 12 nghìn tấn và nhiều kho dầu cùng các cơ sở vật chất kỹ thuật, kho lương thực của địch đã bị thiêu rụi. 

Trong cuốn hồi ký “Một thời rừng Sác” của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, ngay ở lời tựa, ông nhấn mạnh vai trò của vùng sông nước và bày tỏ lòng tri ân đối với quân, dân các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã cưu mang, hỗ trợ, chung sức cùng bộ đội Đặc công rừng Sác chiến đấu ngoan cường trong suốt những năm kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc. Phong trào đấu tranh của nhân dân Nhà Bè có tác động rất lớn đến thành quả cách mạng của thành phố, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nư­ớc.

leftcenterrightdel

Khu công nghiệp-cảng Hiệp Phước là thành quả khai thác lợi thế sông nước ở Nhà Bè. 

... đến mục tiêu phát triển tương lai

Có lẽ, bản lĩnh, tinh thần vượt khó và ý chí kiên cường trong kháng chiến đã trở thành tài sản quý giá và sức mạnh nội sinh để quân và dân Nhà Bè vươn lên xây dựng huyện ngày càng phát triển. Mới đây, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, báo cáo của Huyện ủy nhấn mạnh: Từ năm 2020-2023, Đảng bộ huyện đã phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả khá tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì bình quân đạt 13,32%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2023 ước đạt hơn 2.948,6 tỷ đồng, đạt 92% so với dự toán.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; công tác chăm lo chính sách, an sinh xã hội được quan tâm đúng mức, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Huyện ủy đã chủ động lãnh đạo, triển khai công tác phối hợp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng thúc đẩy kinh tế, giao thương, làm thay đổi diện mạo của huyện... Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng bộ huyện Nhà Bè cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở huyện Nhà Bè diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng. Nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành, phát triển như: Khu đô thị mới Nhơn Đức-Phước Kiển, các dự án thương mại kết hợp nhà ở dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ, khu dự án biệt thự Lavila (Phước Kiển), cao tốc Bến Lức-Long Thành... Đặc biệt là Khu công nghiệp-cảng Hiệp Phước tại xã Long Thới và xã Hiệp Phước, với diện tích toàn khu hơn 1.700ha, thu hút 194 dự án đầu tư, trong đó có 117 dự án đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Đây là những điều kiện thuận lợi để Nhà Bè hướng đến tầm vóc đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, một trong những lợi thế tạo nên “tương lai và sức mạnh” của huyện Nhà Bè được quyết định bởi 5 nhánh sông gồm: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Mỗi con sông có một giá trị riêng; trong đó, sông Nhà Bè nằm án ngữ trên đoạn đư­ờng thủy huyết mạch từ Biển Đông vào Sài Gòn, rất thuận lợi để xây dựng cảng nước sâu đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.

Cùng với đó, Nhà Bè còn có hệ thống sông ngòi rất thuận lợi cho việc mở rộng mạng lư­ới giao thông đư­ờng thủy đi nhiều nơi, nh­ư: Kinh Cây Khô, kinh Đồn Điền nối các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh... Những lợi thế này đã và đang được chính quyền huyện Nhà Bè tính toán, triển khai các chương trình, dự án khai thác thế mạnh sông nước vừa để phát triển kinh tế, du lịch, vừa nâng tầm diện mạo đô thị tương lai.

Vốn là vùng sông nước nên mục tiêu phát triển cảng biển, du lịch đường thủy... được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; tập trung khai thác thế mạnh từ cụm cảng Hiệp Phước và đầu tư, phát triển trung tâm logistics theo quy hoạch xây dựng đô thị cảng, từ đó hoàn thành khu đô thị vệ tinh phía Nam, tạo điều kiện mở rộng không gian vùng đô thị TP Hồ Chí Minh hướng ra biển.

Theo đồng chí Dương Thế Trung, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè, truyền thống cách mạng, sự đoàn kết, đồng lòng và những lợi thế nội tại cùng lợi thế cộng hưởng giúp Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Nhà Bè tự tin phấn đấu, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - TUYÊN CHÍNH