Trồng cây ở những vùng hay bị nước lũ tràn về gây ngập úng, mang lại hiệu quả kinh tế, vừa chống sạt lở, vừa cản được sóng gió, tạo dựng môi trường sinh thái bền vững - đó là mục tiêu của đề tài trồng cây vùng ngập úng do Cựu chiến binh - Thiếu tá, kĩ sư Trần Xuân Tư  thực hiện…

Ông sinh năm 1947, quê ở Nam Định, hiện ở tại nhà B2, Mỹ Đình I, Hà Nội. Ông Tư nguyên là lính Trung đoàn 216, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không – Không quân. Từng được sang học và tốt nghiệp Học viện Phòng không Ki-ép. Sau một thời gian làm giảng viên Khoa Kĩ thuật, Học viện Hậu cần, ông được đề bạt làm Phó chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn tên lửa 236…

Năm 1994, chuyển ngành, ông Tư bắt đầu tự mình đọc sách, nghiên cứu về công nghệ sinh học ứng dụng.  Ông chọn công nghệ sinh học vì những năm tháng được sống và công tác tại Liên Xô (trước đây), nhận thấy nước bạn có nền công nghiệp hiện đại, song khi vào các nông trường, nông trang của bạn, ông vẫn thấy người dân bạn thiếu khoai tây và hoa quả! Ông tự nhủ, nghiên cứu về nông nghiệp, giúp nông dân thu hoạch nhiều sản phẩm cây ăn quả, cung cấp quả ăn nhiều cho xã hội, mang về áp dụng cho nước mình cũng là một ý tưởng rất hay.

Ông Tư bên những cây giống được nghiên cứu cho các vùng nước ngập

Đề tài đầu tiên ông nghiên cứu về trồng cây Điềm Trúc (gốc Đài Loan – Trung Quốc) trên vùng bị ngập úng ở ven đê sông Hồng.  Loại cây này giống như cây tre Việt Nam, ưu điểm là rễ cây bám sâu vào đất, cây cao hơn 10 mét, thân cây to như cây bương, dùng để làm hàng thủ công mĩ nghệ.  Măng Điềm Trúc cho củ to, ngọt dùng làm rau ăn hằng ngày, loại cây này sống rất tốt trong môi trường nước ngập úng. Tiếp đó, ông nghiên cứu trồng cây xoài Đài Loan trên vùng ngập nước. Giống cây xoài này phát triển rất tốt, rễ cây cũng bắt sâu vào đất, cây cho nhiều quả to (có quả nặng gần  một cân), cây trồng nhiều năm thành đại thụ (cây to và cành lá xum xuê).  Đề tài thứ ba ông tìm đến cây ổi chịu nước, loại giống ổi này sau khi được áp dụng công nghệ sinh học làm biến đổi gien, thích ứng với môi trường thường xuyên bị lũ lụt tràn về, cây to và cho sai quả.  Ông Tư còn tiếp tục nghiên cứu trồng giống cây khế, cây nhãn lồng Hưng Yên đưa trồng thử nghiệm ở những vùng ngập úng.

Ông Tư thành lập Viện Công nghệ sinh học ứng dụng trực thuộc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam).  Ông phải đi thuê mượn đất để làm vườn thực nghiệm, trồng thử và nhân giống các loại cây trồng, cho làm thử ở một vài nơi bị ngập úng.  Ông cho biết, kết quả mang lại rất tốt, các loại giống cây đều chịu được môi trường sống trong nước, chất lượng quả thu được to, quả ngọt và thơm, các loại cây ăn quả này có thể góp phần xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai và tạo môi trường sinh thái bền vững.  Dự án của ông Tư đang được triển khai ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình… Ông thường nói với mọi người, mình là người lội ngược dòng nước, tự bỏ tiền lương hưu, tiền túi của mình ra để nghiên cứu. Ông lặng lẽ nghiên cứu, nhân giống cây, trồng thử, mỗi một đề tài ông phải bỏ ra thời gian vài năm để thử nghiệm, thực hành mới cho ra được kết quả.  Ông tự hào mình đã tìm ra công nghệ riêng, trồng được cây tre măng ngọt, quả xoài ngon (sống ở đất đồi), nay mang trồng thích hợp ở vùng hay bị lũ lụt, cho sản phẩm tốt, lại giữ được đất, chống được xói lở và ngăn được gió bão, tạo được cảnh quan môi trường thân thiện.

Ông Tư còn nghiên cứu thành công đề tài "Đất sạch cho rau an toàn", trồng cây sai quả trên ban công nhà chung cư cao tầng. Ông có ý tưởng biến tất cả những ban công, cửa sổ, cả mái nhà để trồng những cây ăn quả, vừa làm bóng mát, điều hòa môi trường sống và cung cấp quả ngọt cho bữa ăn gia đình.  Ông đã tạo ra những giống cây như: Xoài, khế, nhãn lồng để trồng ở ban công và khẳng định sẽ chuyển giao công nghệ, bảo hành sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Với nhiều sáng kiến, ông đã đoạt giải thưởng KOVA năm 2007 do Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng, giải thưởng Cúp vàng đề tài Bảo vệ môi trường – 2009. Dự án "Công nghệ tre măng ngon Điềm Trúc" trồng trên vùng ngập lụt Bắc Bộ  mang lại hiệu quả kinh tế cao, được Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam đầu tư, mở rộng nghiên cứu ứng dụng…

Bài và ảnh: ĐẠI HOÀNG