Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn vừa phát động cuộc thi “Tìm hiểu kiến trúc cổ truyền Việt Nam” nhằm thu thập dữ liệu về kiến trúc truyền thống của dân tộc còn nằm rải rác trên khắp vùng miền đất nước. Cuộc thi cũng nhằm khích lệ tinh thần yêu lịch sử văn hóa kiến trúc và di sản dân tộc, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản vật thể quý báu của cha ông để lại. Những tư liệu được thu thập từ các bài dự thi có giá trị sẽ bổ sung thêm nguồn tư liệu cho kiến trúc cổ truyền Việt Nam, để các kiến trúc sư tham khảo phục vụ sáng tác thiết kế theo xu hướng kế thừa tinh hoa kiến trúc dân tộc vào kiến trúc mới.

Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân cuối tuần có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Đình Toàn, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, về những vấn đề của kiến trúc truyền thống Việt Nam.

PV: Những giá trị của Kiến trúc truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử như thế nào, thưa ông!

TS-KTS Nguyễn Đình Toàn: Kiến trúc Việt Nam ra đời gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của lịch sử dân tộc. Những di tích kiến trúc cổ truyền còn rải rác trên khắp đất nước, chúng chỉ bắt đầu là đối tượng nghiên cứu kể từ những năm cuối cùng của thế kỷ XIX và được khai thác dưới dạng khảo cổ học.

Những tên tuổi quen thuộc như G.Dumoutier, L.Cadiere, M.Beranose, H.Gourdon, L.Bezacier và nhiều tác giả khác đã để lại những công trình nghiên cứu có giá trị. Họ đã mang đến một cách tiếp cận và nghiên cứu lịch sử kiến trúc theo kiểu châu Âu mà từ trước đó người Việt chúng ta chưa làm như thế bao giờ. Nhiều công trình di tích thời đó được họ vẽ ghi, nghiên cứu, nay không còn nữa. Hàng trăm bản vẽ, ảnh chụp trong suốt quá trình khảo cứu đã chứng minh cho nền văn hóa của cha ông chúng ta khá phong phú. Trong suốt hơn 50 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện đi sâu nghiên cứu về kiến trúc truyền thống và tiến hành phân kỳ, đánh giá, hoàn thiện dần làm giàu thêm tư liệu về kiến trúc cổ Việt Nam.

Ở các giai đoạn tiền kỳ, trung kỳ và hậu kỳ đều có những nét kiến trúc chứa đựng quá trình biến đổi khá rõ rệt. Các triều đại kế thừa tinh hoa nghệ thuật kiến trúc của nhau để đẩy lên trong quá trình phát triển thông qua kỹ thuật, tập quán, phương pháp làm nhà để định hình về tỷ lệ, cấu trúc. Những gì quý giá nhất mà ông cha chúng ta đã làm được từ hàng ngàn năm bằng công sức, mồ hôi, xương máu thì thời gian, chiến tranh và cả chính con người lại tàn phá nó. Để đến hôm nay, khó có thể đánh giá chính xác về hình hài của các công trình kiến trúc Lý, Trần, Lê sơ… Nhưng may mắn thay, những di tích còn tồn tại trong các làng xóm, thôn quê Việt Nam đã phản ánh phần nào gương mặt kiến trúc, nghệ thuật qua các triều đại từ Hậu Lê đến Mạc, Nguyễn. 

Từ thời tiền sử và thượng sử với Đông Sơn nổi tiếng rồi tàn lụi, chuyển sang kiến trúc-mỹ thuật thời Lý mẫu mực cổ điển là cả một ngàn năm gián cách. Kiến trúc thời Lý thể hiện rõ sự lớn mạnh về ý thức dân tộc, về khả năng xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ hùng mạnh của nhân dân ta. Nghệ thuật kiến trúc cung đình lớn mạnh thể hiện vai trò của Nhà nước phong kiến tự chủ và yêu cầu phát triển văn hóa tinh thần, vươn lên thoát khỏi sự ràng buộc của phong kiến Trung Quốc.

Nhà Trần thời kỳ đầu đã tiếp thu và thừa hưởng những tinh hoa của nhà Lý. Nhưng do ba lần bị quân Nguyên-Mông xâm lược, đất nước bị tàn phá, kiến trúc bị ảnh hưởng. Cho đến khi triều Lê lên ngôi, nền kiến trúc phát triển trở lại với những hình thức chắc, khỏe, kỹ thuật điêu luyện song có pha trộn kiến trúc của các vùng lân bang để tạo uy thế và quyền lực cho nhà nước phong kiến.

Đầu thế kỷ XIX, nhiều công trình đã được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn với quy mô rộng khắp cả nước. Những di sản kiến trúc gỗ còn lại cho đến ngày nay phần lớn mang nhiều dấu tích của thời Nguyễn.

PV: Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn và của cá nhân ông thì những đặc trưng cơ bản về cấu trúc, không gian trong kiến trúc truyền thống Việt Nam là gì?

TS-KTS Nguyễn Đình Toàn: Do đặc điểm vật liệu gỗ làm kết cấu chính của mỗi công trình nên hệ khung gỗ có liên kết với nhau bằng mộng trở thành yếu tố quan trọng trong các công trình kiến trúc cổ Việt Nam. Các nước trong khu vực cũng lấy khung gỗ làm kết cấu chính, do vậy có nhiều điểm giống nhau nhưng lại khác nhau về kỹ thuật lắp dựng, bố cục, hình khối…

Trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, bộ vì là bộ phận quan trọng nhất, nó liên kết các hệ cột, nâng đỡ mái, hình thành nên một bộ xương cứng tổ chức nên một không gian cho mỗi công trình. Bộ vì được biến đổi theo thời gian qua mỗi triều đại. Hiện nay còn lại một số bộ tiêu biểu cho các niên đại: Vì giá chiêng có từ nửa cuối thế kỷ XIV (chùa Thái Lạc-Hưng Yên, chùa Dâu-Bắc Ninh, chùa Bối Khê-Hà Tây cũ). Ở Huế, bộ vì giá chiêng được biến đổi khác xa với bộ vì ở Bắc bộ do kỹ thuật xây dựng và chất liệu gỗ. Bộ vì với tên gọi “vì kèo” được hoàn chỉnh, kế thừa từ những gì là tinh hoa qua các triều đại trước.

Những bộ vì kèo ra đời từ thế kỷ XVII đã nhanh chóng phổ biến ở Bắc và Trung bộ. Từ bộ vì kèo chính, cha ông chúng ta sáng tạo ra các kiểu liên kết các thành phần cấu kiện ở hiên, hành lang gọi là “cốn” hoặc “vì nách” để đỡ phần dưới mái và mái hiên. Các thành phần tham gia tạo nên bộ vì gọi là các cấu kiện. Tất cả liên kết chặt chẽ với nhau, mang các tên gọi khác nhau (đấu, con rường, cột trốn, câu đầu, ván bưng, ván lá đề, dép hoành, ván nong, con bọ…) trong nhiều trường hợp được che phủ bởi các lớp trang trí điêu khắc. Các đề tài trang trí thay đổi tùy theo vị trí trên mỗi cấu kiện và ở mỗi thể loại công trình.

PV: Theo ông, sự giao lưu với các nền kiến trúc khác đã đặt dấu ấn như thế nào lên quá trình phát triển của kiến trúc truyền thống Việt Nam?

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) xây dựng theo kiến trúc thời nhà Lý

TS-KTS Nguyễn Đình Toàn: Trong quá trình phát triển của kiến trúc dân tộc ta từ ngàn đời này, sự giao lưu văn hóa và kiến trúc diễn ra liên tục. Đô thị cổ đại đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nền văn hóa lớn là Trung Quốc, tiếp đến là nghệ thuật Ấn Độ, Chăm-pa. Từ khi kiến trúc phương Tây xâm nhập nước ta, kiến trúc trong khu vực bị suy thoái. Ban đầu kiến trúc Việt Nam bị lấn át nhưng dần dà, các yếu tố Tây hóa bị Việt hóa. Đây chính là nhờ những đặc trưng truyền thống từ xa xưa chi phối. Những mái nhà lợp ngói đen xa lạ với kiểu mẫu mang từ Pháp sang được thay thế bằng nhà mái dốc lợp ngói kiểu Á Đông. Những đô thị cổ: Hà Nội trước năm 1954, Hội An, Phố Hiến,… ít nhiều cũng là sản phẩm của quá trình giao thoa văn hóa của các nước trong khu vực.

Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nền kiến trúc Việt Nam đã lật sang một trang mới. Khái niệm về đô thị được làm rõ hơn trong một bối cảnh chính trị, xã hội, kinh tế chuyển đổi tách biệt giữa thành thị và nông thôn. Vào thời gian này, nước ta đã song song tồn tại hai nền kiến trúc ảnh hưởng qua lại ở mức độ khác nhau. Và về phương diện nào đó, kiến trúc thuộc địa đã bắc cầu cho kiến trúc Việt Nam bước vào kiến trúc đương đại của thế giới.

PV: Nghiên cứu về kiến trúc truyền thống là việc không thể tách rời khỏi công cuộc phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nhưng vì sao hiện nay, công việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

TS-KTS Nguyễn Đình Toàn: Như trên tôi đã nói, chiến tranh, hỏa hoạn, thiên tai, con người… đã làm mất đi nhiều di sản kiến trúc của cha ông. Mặt khác chúng ta lại có rất ít những tài liệu lưu trữ về kiến trúc qua các triều đại nên việc tìm kiếm tư liệu là vô cùng khó khăn. Tìm hiểu về kiến trúc cổ Việt Nam dựa trên nền tảng cơ bản là kiến trúc dân gian không thể đo bằng chuẩn mực chính xác của toán học. Bởi kiến trúc truyền thống Việt Nam nảy sinh và phát triển trong nền kinh tế nông nghiệp, văn minh thôn dã, khoa học tự nhiên ít được chú trọng. Trong khi đó, nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Việt Nam là một công việc bấy lâu nay ít được sự chú ý quan tâm đầu tư thích đáng. Với khối lượng di tích kiến trúc của cha ông còn lại quá ít ỏi không phản ánh đúng tầm vóc của lịch sử dân tộc và quy mô đã xây dựng, do vậy thật khó khăn cho những người nghiên cứu và quan tâm đến nó. Đó cũng là những trở ngại để chúng ta tiếp cận với vốn kiến trúc cổ chứa đựng phần quan trọng của nền văn hóa dân tộc.

PV: Trong quá khứ, nền kiến trúc Việt Nam tạo nên được một bản sắc riêng. Còn hiện tại, chúng ta cần phát huy bản sắc ấy ra sao, thưa ông?

Nhà cổ của người dân đồng bằng Bắc bộ Việt Nam thế kỷ 19. Ảnh: ĐỨC TOÀN

TS-KTS Nguyễn Đình Toàn: Hiện nay nhiều địa phương đang xây dựng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng mới. Tôi cho rằng, cũng cần có những giải pháp kiến trúc, cách tiếp cận mới, khẳng định vai trò lịch sử đương đại của nó. Nếu chúng ta tiếp tục xây dựng chùa chiền, đền miếu mà lặp lại hoàn toàn kiến trúc từ các thời kỳ phong kiến tự chủ (triều Nguyễn trở về trước) thì con cháu chúng ta trong tương lai sẽ khó có thể phân biệt được đâu là nền văn hóa kiến trúc thời kỳ phong kiến, đâu là kiến trúc người Việt thế kỷ XX, XXI… Ở các nước châu Âu, từ gần 100 năm nay, việc xây dựng nhà thờ thiên chúa giáo hay đạo Tin lành, họ đã từ bỏ nền kiến trúc Roman hay Gothic để hướng đến một nền kiến trúc hiện đại, mang hơi thở của thời đại công nghiệp và tập quán văn hóa mới. Nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng xây mới đã trở thành kiệt tác kiến trúc.

Trong bối cảnh đất nước ta ngày nay đang ở thời kỳ xây dựng, phát triển trong sự hội nhập với thế giới, để có chỗ đứng xứng đáng, nền kiến trúc Việt Nam cần phải phát triển vừa tiên tiến, vừa có bản sắc riêng. Bản sắc đó được thể hiện nên từ những công trình kiến trúc bằng sự nắm vững và đáp ứng đầy đủ những điều kiện tự nhiên và khí hậu của những đặc điểm văn hóa, dân tộc, nhân văn và các điều kiện kinh tế, kỹ thuật… Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đi sâu, tìm hiểu những di sản kiến trúc dân tộc, kết hợp với các vấn đề của xã hội đương đại, những thành tựu của kiến trúc thế giới. Tiếp thu có chọn lọc trong kiến trúc sự khai thác các nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hóa sẽ là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển một nền kiến trúc Việt Nam mới hướng tới bản sắc riêng trong hội nhập.

PV: Xin cảm ơn ông!

DƯƠNG NGỌC MỸ thực hiện