Ấn tượng 2018
Tốc độ tăng trưởng của tổng giá trị sản xuất công nghiệp, nông-lâm-ngư nghiệp và dịch vụ đều khá cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) khoảng 40,23%, năng suất lao động tăng 5,93% so với năm 2017.
Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài do có môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi hơn nên đã đạt tỷ trọng 34% GDP, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới.
Kinh tế tư nhân trong nước tiếp tục phát triển, hơn 131.000 doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó có hàng nghìn tập đoàn kinh tế lớn; trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Một tín hiệu mới là nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày 6-9-2018, Tập đoàn Vingroup đã được Tạp chí Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng 50 doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á (Asia’s Fab 50 2018). Vingroup đã ký kết thỏa thuận với hơn 50 trường đại học Việt Nam hợp tác 4 nội dung: Tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học-công nghệ; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; giảng dạy và chia sẻ tri thức; Vingroup sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong 10 năm tới.
|
|
VinFast được trao giải “Ngôi sao mới” tại triển lãm Paris Motor Show 2018. Ảnh: Vingroup.net |
Bên cạnh đó, Vingroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ-công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành tập đoàn công nghệ-công nghiệp-dịch vụ đẳng cấp quốc tế với các mục tiêu: Là tập đoàn hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động thương mại dịch vụ, không chỉ là chỗ dựa tài chính mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ-công nghiệp; tập đoàn đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh-gia dụng; cung ứng thị trường điện thoại và ti vi thông minh; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường thế giới.
Vingroup thành lập công ty VinTech, tách ra từ công ty VinSmart, tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, phần mềm và R&D vật liệu mới; thành lập Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) và Viện Nghiên cứu Công nghệ cao (Vintech).
Tập đoàn Sun Group đã hoàn thành việc xây dựng sân bay Vân Đồn 7.200 tỷ đồng, sân bay đầu tiên được đầu tư bằng vốn tư nhân, thời gian xây dựng chỉ hai năm. TH True Milk, Vinamilk đã trở thành thương hiệu có uy tín không những trên thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài; Tân Hiệp Phát đã cạnh tranh với Coca Cola để nâng dần thị phần của mình trên thị trường nước giải khát Việt Nam và tại một số nước khác; lần đầu tiên Tạp chí Forbes (Mỹ) đã xuất bản cuốn sách “Competing with Giants” (Cạnh tranh với người khổng lồ) của bà Trần Phương Uyên, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát về sự phát triển của tập đoàn, trong đó kể lại cuộc thương lượng của Coca Cola về việc mua lại tập đoàn này.
Năm 2018 cũng là năm chứng kiến phong trào khởi nghiệp của những trí thức trẻ, đầy tâm huyết, không ít thất bại nhưng cũng có rất nhiều thành công, đã có doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, tạo nên một hướng phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời đại công nghiệp số hóa.
Đầu tư nước ngoài tiếp tục gặt hái được thành quả vào năm thứ 30 kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài ngày 29-12-1987; ước tính cả năm đạt 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, chiếm 22% tổng vốn đầu tư xã hội. Đó là tỷ trọng hợp lý khi doanh nghiệp trong nước đang tăng nhanh và có quy mô ngày càng lớn.
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đã trở nên sôi nổi hơn do đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực và sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là xu thế đang được tiếp diễn để Việt Nam trở thành thị trường M&A lớn trong khu vực.
Một số cột mốc mới về xuất khẩu trong năm 2018: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD; trong đó thủy sản đạt 10 tỷ USD; rau quả đạt 4 tỷ USD; lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan; khu vực FDI có kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ USD, chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu; xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD là năm xuất siêu cao nhất từ trước đến nay.
Cơ hội từ thách thức
Trong khi đất nước bước vào hai năm cuối của Chiến lược phát triển 2011-2020 thì một vấn đề được đặt ra: Có thể tăng trưởng với tốc độ cao hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn không? Câu trả lời là có bởi vì còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, một số cơ hội còn bỏ lỡ, tham nhũng còn nghiêm trọng, lãng phí còn khá phổ biến, cuộc cải cách đang được tiến hành nhưng vẫn chưa hết tình trạng “trên nóng dưới lạnh, nơi nóng nơi lạnh”, tái cấu trúc bộ máy nhà nước và tinh giản đội ngũ công chức, viên chức mới được bắt đầu.
Theo công bố mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5-7,0%/năm thì GDP năm 2020 đạt 290 tỷ USD, năm 2025 đạt 440 tỷ USD, năm 2030 đạt 670 tỷ USD và năm 2035 đạt 1.050 tỷ USD. GDP/người tương ứng là 3.200USD, 4.500USD, 6.500USD và 10.500USD.
Nếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan chỉ mất khoảng hai thập niên đã từ một nền kinh tế thu nhập thấp trở thành nền công nghiệp hiện đại thì Việt Nam tính từ khi thống nhất đất nước năm 1975 đến năm 2035 là 60 năm mới trở thành nước có thu nhập cao. Giáo sư Trần Văn Thọ, Việt kiều tại Nhật Bản đã mô tả tình trạng chậm trễ trong phát triển kinh tế Việt Nam trong cuốn sách “Cú sốc thời gian”; Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam đã chứng minh bằng căn cứ khoa học rằng, Việt Nam có thể và cần phải tăng trưởng 8-9% và cao hơn trong vài thập niên để thu hẹp và tiến tới đuổi kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong ASEAN, trở thành nền kinh tế có thứ hạng cao trên thế giới.
Tận dụng tiềm năng về dân số vàng và kỹ năng của người Việt Nam đổi mới, sáng tạo, thích ứng với công nghệ thông tin, dịch vụ hiện đại là vấn đề đặc biệt quan trọng để đất nước không lâm vào tình trạng “chưa giàu đã già”. Khoảng 70% trong hơn 90 triệu người Việt Nam có độ tuổi 15-64; cơ cấu dân số vàng tạo ra lực lượng lao động lớn, đồng thời là đội ngũ người tiêu dùng khổng lồ; trong đó tầng lớp trung lưu khoảng 33 triệu người vào năm 2020.
Cách đây hơn 20 năm, Giáo sư David Dapice (Mỹ), chuyên gia kinh tế rất am hiểu Việt Nam đã đưa ra con số lãng phí của Việt Nam 1 tỷ USD/năm (5% GDP). Bây giờ có lẽ gấp nhiều lần; chỉ cần giảm bớt một nửa số đó thì GDP có thể tăng thêm vài %/năm. Tham nhũng và lãng phí không những làm thất thoát tài sản Nhà nước, tăng chi phí đầu tư, làm kém hiệu quả sử dụng vốn đầu tư mà còn làm mất lòng tin của doanh nghiệp và người dân. Đảng và Nhà nước đang tiến hành công cuộc phòng, chống tham nhũng, đã xử lý hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế, bước đầu khôi phục lòng tin của cộng đồng dân cư. Nhân dân hy vọng tệ nạn này sẽ được khắc phục về cơ bản.
Năm 2019, một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, tạo ra cơ hội mới cho tăng trưởng theo hướng bền vững. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì FTA mới tác động rất tích cực do FTA có thể thúc đẩy tăng GDP 2,5-3% và xuất khẩu 12-14% cho đến năm 2030; lợi ích từ FTA có thể thấy rõ trong vòng 1-2 năm triển khai.
FTA thế hệ mới đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, ổn định và dễ dự báo-một nhược điểm của luật pháp nước ta hiện nay. Điểm yếu nhất là thực thi pháp luật không nghiêm, nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước triển khai chậm so với tiến độ, việc cắt giảm giấy phép con, thủ tục hành chính phiền hà gặp phải sự chống đối từ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ đang là lực cản lớn của công cuộc cải cách. Lịch sử hơn 30 năm chuyển hướng sang kinh tế thị trường đã khẳng định, đổi mới tư duy và cởi trói về thể chế là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát triển nhanh hơn kinh tế tư nhân, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả hơn, thu hút có chất lượng hơn FDI thế hệ mới để tạo dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều về số lượng, có quy mô lớn, có cơ cấu đồng bộ, không những làm chủ thị trường trong nước mà còn có vị thế ngày càng cao tại thị trường khu vực và thị trường thế giới là vấn đề cốt lõi của đất nước, bởi vì doanh nhân và doanh nghiệp là đội quân chủ lực trong công cuộc chấn hưng kinh tế, là môi trường biến ý tưởng mới, tính sáng tạo thành sản phẩm, dịch vụ, tạo ra việc làm và thu nhập ngày càng cao cho người lao động, đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách Nhà nước. Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng môi trường kinh doanh của nước ta vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp; việc thực thi nhà nước kiến tạo, nhà nước hành động, nhà nước điện tử chưa đồng bộ, các mô hình tiên tiến chậm được mở rộng trở thành phổ biến.
Hấp dẫn nhờ “chính quyền thân thiện”
Các vấn đề trên đây có liên quan đến cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, bộ máy và con người, vì suy cho cùng, từ thể chế, chính sách, pháp luật đến thực thi đều do con người và bộ máy thực hiện. Người dân tin tưởng Đảng và Nhà nước chỉ đạo ráo riết để đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Năm 2019 cũng chứa đựng nhiều thách thức từ thế giới tới kinh tế Việt Nam. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tạm thời đình chiến nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam; việc nước Anh rời khỏi EU và vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công, rủi ro tiền tệ, tăng trưởng chậm lại của EU; sự sụt giảm của nền kinh tế thứ hai thế giới-Trung Quốc... là những vấn đề đòi hỏi cơ quan hoạch định chính sách, dự báo kinh tế nước ta theo dõi, nắm bắt kịp thời mọi biến động về chính trị và kinh tế để chủ động có giải pháp ứng phó.
Mặc dù vậy, chuyên gia Eoin Treacy của tổ chức tài chính Fuller Money nhận xét: “Việt Nam được hưởng lợi nhờ có một chính quyền thân thiện, cũng như nước này mong muốn đạt được tiến bộ, từ một thị trường mới nổi trở thành một điểm đến đầu tư có sức hấp dẫn hơn. Hệ thống quy định đối với sở hữu nước ngoài ở Việt Nam đã dần dần được tự do hóa”.
Nhận thức rõ những thách thức cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin rằng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục có những thành tựu mới như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (ngày 5-12-2018): “Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế”. Thủ tướng cam kết: “Việt Nam sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mềm, số hóa để chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa, đổi mới cơ chế tuyển dụng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, người tài để tận dụng Cách mạng công nghệ 4.0 làm động lực tăng trưởng đất nước”.
Giáo sư, TSKH NGUYỄN MẠI