Nhớ mãi món nhộng tằm rang... dầu luyn
35 năm đã trôi qua nhưng GS, TS, bác sĩ Phạm Minh Thông, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vẫn không thể quên những ngày tháng theo học bác sĩ nội trú (BSNT) khóa 9 (1982-1985), đặc biệt là món nhộng tằm rang dầu luyn. Ông nhớ lại: “Khóa BSNT chúng tôi năm ấy có 39 người, đủ các chuyên ngành. Trong khóa có PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cùng nhiều bác sĩ tên tuổi, như: GS, TS Nguyễn Anh Trí; PGS, TS Tạ Văn Bình; GS, TS Phạm Văn Thức; GS, TS Nguyễn Văn Kính; GS, TS Nguyễn Đạt Anh,… Phòng mà tôi ăn ở ngày ấy nằm trong Trường Đại học Y Hà Nội vì các bệnh viện không có chỗ. Trong số 4 anh em phòng tôi thì đến nay có 3 giáo sư và 1 phó giáo sư, 2 người đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ.
    |
 |
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Minh Thông. |
Ngày ấy, kỳ thi BSNT giới hạn ôn trong 8 môn, bốc thăm thi 5 môn. Quy chế học BSNT vô cùng khắc nghiệt. Các bác sĩ không được lấy vợ, lấy chồng trong khi học. Họ gần như phải thường trú tại bệnh viện. Cả khóa BSNT 9 chỉ có một người là bác sĩ Phạm Minh Thông học chẩn đoán hình ảnh (CĐHA). Theo GS, TS Phạm Minh Thông thì BSNT giống như con cưng của các thầy, việc gì cũng phải làm, phải lao vào tất cả những kỹ thuật mới, làm các đề tài nghiên cứu khoa học. Tôi đi nội trú ở Bệnh viện Việt Đức. Ngày đó có các thầy như GS Hoàng Kỷ, PGS Vũ Long. Các thầy chuyên môn đều rất giỏi, ngoại ngữ cũng rất giỏi. Cho nên tự bản thân cũng bắt buộc phải cố gắng học để theo các thầy. Có thầy còn làu làu 5-6 ngoại ngữ. Đó đều là những tấm gương để mình học theo. Ngày xưa học không có nhiều tài liệu như bây giờ. Những buổi tối, có thời gian là mọi người đều đi học thêm ngoại ngữ ở bên ngoài.
GS, TS Phạm Minh Thông nhớ mãi những buổi tối đi làm về muộn, chợ chỉ còn rau nát, rau xấu. Các bà hàng chợ bảo nhau, yên tâm không ai mua nữa thì sẽ có BSNT mua. Rồi có lần mua được ít nhộng tằm cải thiện, lơ đễnh thế nào lại rang nhầm bằng dầu luyn. Phần vì đói, phần vì tiếc nên tất cả vẫn ăn hết sạch.
Trải qua nhiều cương vị chuyên môn, lãnh đạo, GS, TS Phạm Minh Thông cho rằng, học nội trú tức là học chuyên khoa, học liên tục, cho nên bác sĩ tốt nghiệp nội trú rồi thì kiến thức rất vững, vững hơn rất nhiều so với học chuyên khoa I, chuyên khoa II hoặc cao học. Ngày nay, đào tạo nội trú hướng đến đào tạo chuyên khoa như các nước phát triển (Pháp, Mỹ...) thì 100% học chuyên khoa. “Như vậy tốt hơn vì tất cả đều được học, được va chạm nhiều. Chương trình học hiện tại là 3 năm, nhưng tôi nghĩ với CĐHA có lẽ phải học thêm 4-5 năm thì mới có thể vững về chuyên môn vì ngày nay, trang thiết bị máy móc rất nhiều. CĐHA phải có ít nhất một năm đi các khoa lâm sàng để đào tạo lâm sàng, sau đó mới CĐHA”-GS, TS Phạm Minh Thông chia sẻ.
Quả ngọt sau một kỳ thi “khốc liệt”
Kỳ thi tuyển sinh BSNT do Học viện Quân y tổ chức năm 2007 đến nay dường như vẫn nguyên vẹn trong ký ức Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ nhiệm Khoa Thần kinh (Bệnh viện Quân y 103) kiêm Giáo vụ Bộ môn-Khoa Thần kinh, Học viện Quân y. Đó là kỷ niệm ngọt ngào về một kỳ thi vô cùng “khốc liệt”.
    |
 |
Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận. |
Trở thành BSNT là niềm mơ ước của rất nhiều học viên, sinh viên khi bước chân vào ngành y. Vì vậy, ngay từ năm thứ nhất của Học viện Quân y, Nguyễn Đức Thuận đã xây dựng mục tiêu phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt để sau khi tốt nghiệp được thử sức qua kỳ thi tuyển sinh BSNT tại học viện. Tuy nhiên, đây là kỳ thi tuyển chọn rất khắt khe về phẩm chất đạo đức cũng như chất lượng chuyên môn của người làm bác sĩ. Không chỉ phải đạt kết quả tốt nghiệp đại học loại khá trở lên mà trong tất cả 6 năm học, học viên không được vi phạm kỷ luật, không có môn nào phải thi lại và điểm thi tốt nghiệp chuyên ngành cũng như môn y học cơ sở dự định đăng ký thi tuyển BSNT không được thấp hơn 7 điểm... Hơn nữa, chỉ tiêu tuyển sinh BSNT rất thấp (khoảng 10% số học viên tốt nghiệp trong năm). Trong khi số học viên dự thi phần lớn là những học viên ưu tú. Theo TS Nguyễn Đức Thuận, năm 2007 có 42 học viên đăng ký dự thi BSNT nhưng chỉ chọn hai chỉ tiêu trúng tuyển (một chỉ tiêu chuyên ngành nội thần kinh và một chỉ tiêu chuyên ngành ngoại chung).
Biết trước những khó khăn như vậy nên một số anh chị cùng nhiều bạn bè khuyên anh nên cân nhắc kỹ, thậm chí không nên dự thi vì chỉ tiêu quá ít, nhiều học viên giỏi từng bị trượt khỏi cuộc đua này... Thế nhưng Nguyễn Đức Thuận vẫn quyết tâm thử sức, bởi theo anh, đó là con đường có thể mở ra rất nhiều cơ hội để tiếp tục học tập và cống hiến khả năng của mình. Thực tế thì ngay từ năm học thứ hai ở học viện, anh đã tranh thủ học thêm tiếng Anh buổi tối tại Trường Đại học Hà Nội để chuẩn bị cho môn thi tiếng Anh. Còn các môn Toán và Sinh lý cũng được xây dựng kế hoạch ôn tập trong năm cuối và thời gian đi thực tập cuối khóa. Trước kỳ thi BSNT khoảng một tuần, anh tận dụng mọi thời gian có thể để hệ thống lại các kiến thức đã học của 4 môn: Toán, tiếng Anh, Sinh lý và Lâm sàng nội chung. Có lẽ đó cũng là quãng thời gian căng thẳng nhất anh đã trải qua. Mỗi ngày anh chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, thậm chí có đêm chỉ dựa vào thành giường tranh thủ chợp mắt một lát rồi lại dậy ôm sách vở…
Nhờ sự nỗ lực cố gắng học tập suốt mấy năm học và những ngày ôn tập quên ăn, quên ngủ trước kỳ thi như thế đã mang lại cho Nguyễn Đức Thuận kết quả như mong đợi. Anh đỗ thủ khoa của kỳ tuyển chọn BSNT năm ấy và là người được đào tạo BSNT chuyên ngành Nội Thần kinh khóa đầu tiên (2007-2010) của Học viện Quân y. Nhờ đó, anh đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và trình độ chuyên môn để tiếp tục học lên các bậc học cao hơn sau này. Những năm qua, Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận luôn là người thầy thuốc-giảng viên tận tâm, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bệnh viện là đào tạo học viên và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân.
Ngủ - ước mơ xa xỉ
Là BSNT khóa 41 (2016-2019), chuyên ngành nội khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, Thạc sĩ, bác sĩ Ngọ Thị Thảo nhớ mãi kỳ thi đặc biệt trong đời. Cuối năm thứ 5, Thảo đã xác định sẽ thi BSNT. Trong thời gian ôn thi BSNT, Thảo và các bạn vẫn hoàn thành các môn học và thi hết môn như bình thường. Thi BSNT gồm 8 môn và ngoại ngữ, trong đó có 4 môn chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi) và 4 môn cơ sở (Giải phẫu, Hóa sinh, Sinh lý, Sinh học). Với 4 môn cơ sở, hết Y2 (năm thứ hai) là học xong nên Thảo tự sắp xếp thời gian ôn thi. Còn 4 môn chuyên ngành, đến Y6 vẫn học nên Thảo thường ôn trong mỗi đợt đi học lâm sàng ở viện. Thảo có nhóm gồm hai người bạn nữa là Lê Thị Minh Vượng và Nguyễn Đình Bắc, thường chia nhau đọc sách, giảng lại bài cho nhau rồi vặn vẹo, kiểm tra nhau, hoặc ngồi học với nhau sau mỗi buổi chiều học lý thuyết ở trường.
Trước kỳ thi khoảng nửa tháng, Thảo bị ốm. Cô chủ quan không uống thuốc. Gần một tuần sau thấy không khỏi, cô mới xuống phòng y tế xin thuốc. Ốm ròng rã cho đến cả khi thi, đến hôm đi thi thì mang cả nước và thuốc vào phòng thi. May mắn thay, nhóm bạn của Thảo cả 3 người đều thi đỗ. Vượng là thủ khoa đầu vào, sau đó học BSNT tai mũi họng, còn Nguyễn Đình Bắc học BSNT ngoại khoa.
    |
 |
Thạc sĩ, bác sĩ Ngọ Thị Thảo. |
“Khi đỗ nội trú thì cũng như bao người khác thôi. Ở nhà chơi chờ ngày đi học. Bố mẹ tôi thì hay lắm, tốt nghiệp xong đại học là “bắt” lấy chồng. Nhưng thấy tôi đỗ BSNT nên không “bắt” nữa”-bác sĩ Ngọ Thị Thảo nhớ lại.
Trong 3 năm học BSNT thì phần lớn thời gian là ở bệnh viện, thỉnh thoảng có lịch học lý thuyết ở trường. Mặc dù BSNT nội khoa chưa phải vất vả nhất nhưng cũng vất vả hơn nhiều chuyên ngành khác. Thời gian cả ngày túc trực ở bệnh viện. Buổi tối nếu chưa xong việc thì không thể về bởi mỗi người sẽ phụ trách bệnh nhân cùng với bác sĩ chính của khoa, cũng chính là thầy, cô giáo của mình. Trong thời gian này, BSNT cũng phải trực tối. Ngọ Thị Thảo trực ở Khoa Cấp cứu A9, các khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai, sau này thêm cả Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y. Thời gian trực từ 16 giờ 30 phút hôm trước đến 7 giờ 30 phút hôm sau, hoặc 18 giờ hôm trước tới 8 giờ hôm sau. Lịch trực quay vòng, cả ngày lễ, tết. Có lẽ thời gian trực ở Khoa Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai là thời gian vất vả và đáng nhớ nhất đối với bác sĩ Thảo. “Bệnh nhân rất đông. Có lúc đông đến mức bác sĩ không có chỗ để đứng khám cho bệnh nhân. Chưa kể đôi khi gặp người nhà bệnh nhân có thái độ gay gắt, không hợp tác khiến mình rất mệt mỏi. Những lần trực vào mùa hè, có hôm 22 giờ 30 phút mới được ăn cơm tối, món trứng rán trong hộp còn bị thiu bởi thời tiết quá nóng. Có thể nói, để có được một giấc ngủ dài và say là một ước mơ xa xỉ của đám nội trú. Chúng tôi thiếu ngủ liên miên khiến tất cả có thể ngủ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào có thể”-bác sĩ Ngọ Thị Thảo chia sẻ.
Hiện nay, Thạc sĩ, bác sĩ Ngọ Thị Thảo đang là giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, đồng thời là bác sĩ lâm sàng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
VIÊT HOÀNG - MINH THÀNH – PHẠM NGUYỆT (thực hiện)