Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đỗ Trung Lai, tác giả "Đêm sông Cầu" về hành trình "từ thơ đến nhạc" của thi phẩm này, cũng như nhìn nhận của nhà thơ về tình yêu trong giới trẻ hiện nay...
- Thưa anh! Bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ” được nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ nhạc năm 1982. Vậy bài thơ gốc “Đêm sông Cầu” của anh có từ khi nào?
- “Đêm sông Cầu” được đăng trên Báo Văn nghệ năm 1980, hai năm trước khi anh Phan Lạc Hoa phổ nhạc.
- Vì sao lại có “Đêm sông Cầu”?
- Tôi nhập ngũ năm 1972, tức là 3 năm trước ngày kết thúc chiến tranh chống Mỹ. Trước đó, 4 anh tôi đều đã ra trận và anh thứ hai của tôi là Đỗ Trung Cẩn, hy sinh năm 1971 ở Tây Nguyên. Sau chống Mỹ là hai cuộc chiến tranh biên giới! Chiến tranh choán hết thời niên thiếu, thời thanh niên của tôi nói riêng và ba, bốn thế hệ trước sau tôi nói chung! Đằng sau vẻ êm ả đẹp đẽ của “Đêm sông Cầu” là gương mặt bi tráng của chiến tranh giữ nước. Đó là bối cảnh chung. Với riêng tôi, đến năm 1980, tôi và người con gái bên sông Cầu ấy yêu nhau đã 3 năm, nhưng thì giờ để chúng tôi gần nhau, cộng cả lại, may ra chỉ được vài bốn tiếng đồng hồ! Cô ấy cũng là quân nhân mà. Có thể nói, khung cảnh, hoàn cảnh chiến tranh và tình yêu đôi lứa là năng lượng ngầm của bài thơ. Nhưng nếu không có nhà thơ Phạm Tiến Duật, chưa chắc “Đêm sông Cầu” đã ra đời vào năm ấy.
- Vì sao lại thế? Thưa anh!
- Tôi, đến lúc ấy, hầu như không viết thơ ngắn. Kịch thơ 5 màn, “Thi sĩ”, ám ảnh tôi nhiều năm. Nhà thơ Lưu Trọng Lư rất thích vở kịch này. Rồi tôi gặp anh Phạm Tiến Duật ở số 9 ngõ Yên Thế. Nói chuyện, anh Duật khuyên tôi làm thơ ngắn. Anh bảo: “Với các nền thơ, đoản thi là quan trọng nhất!”. Tôi bảo: “Voi không đẻ, đẻ thì lớn”, một cách tự tin và ngạo mạn! Anh Duật bảo: “Đoản thi còn khó làm hơn thơ dài. Anh đố chú làm được đấy!”. Một tuần sau, tôi mang “Đêm sông Cầu” về đưa anh Duật. Một tuần sau nữa, nó được đăng trang 1 Báo Văn nghệ, họa sĩ-nhà thơ-nhạc sĩ Văn Cao minh họa. Thế là, “Đêm sông Cầu” như mũi tên nằm trên cây nỏ đã giương mà nhà thơ Phạm Tiến Duật là người giục tôi bật lẫy. Sau, tôi và người con gái trong bài thơ thành vợ chồng và chúng tôi thân thiết với anh Duật và gia đình anh từ đó.
- Anh và “Đêm sông Cầu” của anh có thân thiết với anh Phan Lạc Hoa không?
- Rất tiếc là không được thế! Tháng 6 năm 1982, tôi về nhận công tác tại Báo QĐND thì anh Phan Lạc Hoa đã mất. Chúng tôi không được gặp anh bao giờ. Sau, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tìm tôi, kể rằng, một buổi, anh Tạo và anh Kha đến thăm Phan Lạc Hoa, anh Hoa xuống phố mua một ấm trà, đợi trà ngấm, anh Hoa giở tờ giấy gói trà ra thì vô tình thấy bài thơ “Đêm sông Cầu”. Đọc xong, anh Hoa nhấc cây ghi-ta, phổ thử. Tan cuộc trà, “Tình yêu bên dòng sông quan họ” cũng gần xong. Khoảng một tuần sau, bài hát xong hẳn. Anh Hoa bảo anh Tạo: “Thế là tớ có cái để đi lại với Làng quan họ quê tôi của Tạo rồi!”. Anh Tạo, trước đó đã có bài hát rất hay vừa nói, phổ thơ Nguyễn Phan Hách!
- Thưa anh! “Tình yêu bên dòng sông quan họ” là bài "hot" những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đến giờ vẫn nhiều người thích. Anh có thể lý giải điều ấy?
- Chắc là vì giai điệu và tiết tấu của anh Hoa đã thuyết phục được người hát, người nghe. Về phần ca từ, tôi nghĩ rằng, phía sau tình yêu đôi lứa của riêng chúng tôi, người nghe có thể thấy thấp thoáng, số phận người lính và tình yêu của họ suốt một thời, có khi là một đời, trong các cuộc chiến tranh ở ta mấy chục năm ấy... Tôi cũng không biết nữa!
Số phận không cho tôi và anh Phan Lạc Hoa được gặp mặt nhau, nhưng lại cho chúng tôi được song hành trong một ca khúc. Đó chẳng phải là sự may mắn của tôi sao? Cầu Trời Phật phù hộ cho gia đình anh ấy!
- Anh có nghĩ, ngoài những lý do để “Tình yêu bên dòng sông quan họ” được yêu thích như vừa nói, thì còn vì trong bài thơ, có đủ những phẩm chất của tình yêu cao đẹp? Này nhé! Đó là sự chung thủy, sự trân trọng, nỗi nhớ thương không tàn trong chịu đựng cách xa, sự hy sinh không tính thiệt hơn..., những phẩm chất làm nên sự phi thường của tình yêu truyền thống. Bây giờ, theo anh, “tình yêu thời @” có còn những phẩm chất ấy không?
- Theo tôi, tình yêu đích thực thì đời nào cũng như nhau, chỉ có cách biểu hiện là có thể khác đi thôi.
- Nhiều người trẻ bây giờ thích “yêu gấp, sống thử”, sớm nở tối tàn cũng chẳng làm sao! Hình như họ quá nghiêng về vẻ đẹp bên ngoài. Anh nghĩ gì về điều ấy?
- Chắc họ nhầm mà tưởng thế là tình yêu chăng? “Sắc đẹp là hoa nhưng đức hạnh là quả ngọt của muôn đời”. Danh ngôn viết thế.
- Nghe nói, “Đêm sông Cầu” không chỉ được anh Phan Lạc Hoa phổ nhạc?
- Vâng, trước đó, anh Văn Thành Nho đã phổ thành “Từ phương anh, từ phương em”, rồi các anh Đoàn Bổng, Trần Thanh Tùng v.v.. Nhưng bài của anh Hoa được nhiều người nhớ nhất. Có lẽ là vì nó cũng dễ hát hơn những bài khác? Tôi cũng không biết nữa.
- Bây giờ, anh có còn viết thơ tình?
- Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu bảo tôi: “Trên đời chỉ có hai loại người không có tuổi, một là thi sĩ, hai là mỹ nhân”. Thế thì có nhà thơ nào lại thôi viết thơ tình, khi còn chưa “nhắm mắt xuôi tay”?
- Anh có thể tặng độc giả Báo QĐND một đoạn thơ tình ngắn anh mới viết không?
- “Lòng đang mưa lại phải ngồi trông mưa/ Không sông Ngân, hai đứa vẫn hai bờ/ Cầu Ô Thước đổ từ trong cổ tích/ Rượu tương tư còn rót đến bao giờ?”.
- Xin cảm ơn anh!
HOÀI THƯƠNG (thực hiện)