QĐND - Lồ ô, một loại cây thuộc họ tre nứa, từ xưa đã trở thành vật dụng vô cùng thân thiết với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Đặc biệt, những món ăn nấu bằng lồ ô đã trở thành đặc sản làm mê đắm thực khách bốn phương.

Trong cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cây lồ ô được dùng để dựng chòi, làm phên nhà, gùi, cán cuốc… Trong sinh hoạt văn hóa, nhiều loại nhạc cụ đã được chế tác từ cây lồ ô như: Sáo, kèn, đàn lồ ô. Ở các lễ nghi truyền thống thì không thể thiếu cây nêu làm từ cây lồ ô. Những ống lồ ô nhỏ được dùng để uống rượu. Độc đáo hơn cả, cây lồ ô trở thành những “chiếc nồi” để chế biến thức ăn.

Cơm lam nấu bằng lồ ô.

Truyền thống sử dụng lồ ô trong ẩm thực có xuất xứ từ xa xưa. Khi cuộc sống của người Tây Nguyên còn khó khăn, thiếu các dụng cụ để chế biến thức ăn, họ đã biết dùng cây lồ ô để nấu nướng và  đặc biệt tiện lợi trong sinh hoạt gia đình. Với tập quán du canh du cư trước đây, việc mang vác các đồ dùng rất bất tiện. Vì thế, đi đâu, bà con chỉ cần chặt một cây lồ ô, dùng một đoạn để xuống suối lấy nước, một đoạn để nấu cơm, đoạn để nấu canh, là xong bữa cơm cho cả nhà.

Ngày nay, đời sống đã khá hơn, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã định canh định cư, nhưng truyền thống sử dụng cây lồ ô trong các bữa ăn vẫn được gìn giữ. Cây lồ ô để nấu món ăn phải là những cây không già cũng không non, các đốt dài và thẳng, lõi trong phải lớn để chứa được nhiều nguyên liệu nấu ăn. Món ăn phổ biến nhất nấu bằng lồ ô là cơm lam. Gạo nếp được ngâm mềm, đổ vào ống lồ ô, dùng lá chuối bịt lại, nướng trên lửa cho chín đều. Khi cơm chín, bỏ lớp vỏ ngoài và cắt miếng nhỏ vừa ăn. Cơm lam là món ngon dân dã, chứa đựng tình cảm của người dân hòa quyện với mùi thơm của gạo nếp, của lồ ô từ rừng núi Tây Nguyên bạt ngàn.

Những món ăn nấu bằng lồ ô.

Ngoài cơm lam, ống lồ ô còn được dùng để nấu những món khác như: Canh thụt được nấu từ gạo, cà đắng, lá bép, đọt mây, cá suối. Món cà đắng thụt ống khi ăn có vị đắng của cà và đọt mây, vị béo của cá, vị bùi bùi của gạo, rất hấp dẫn; rồi món lá mì nấu cá suối, khi ăn có mùi thơm, vị vừa đắng vừa ngọt…

Những món ăn nấu bằng lồ ô không quá cầu kỳ về nguyên liệu, không cần nêm quá nhiều gia vị nên luôn giữ được hương vị nguyên gốc, thuần khiết, luôn cuốn hút bất kỳ ai đã một lần được thưởng thức. Tuy nhiên, cái khó nằm ở cách nấu. Khi nấu, một đầu ống được dựng nghiêng lên, phải canh lửa, tính toán thời gian hợp lý, trở đều tay để thức ăn chín đều và không bị cháy, khi lấy ra bốc lên mùi thơm phức rất đặc trưng của từng loại nguyên liệu…

Từ các bản làng xa xôi, nhiều món ăn nấu bằng lồ ô giờ đây đã đi vào thực đơn của các nhà hàng, khách sạn, đặc biệt hấp dẫn với thực khách từ nơi khác đến, thậm chí cả du khách nước ngoài.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG XUÂN