Tiềm năng của doanh nghiệp xã hội

Ở Việt Nam, DNXH lần đầu tiên được quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, “DNXH là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký”.

Một đặc điểm nổi bật của DNXH là hầu hết được hình thành một cách tự phát, có khi từ chính người trong cuộc cần có sự trợ giúp xã hội, tập hợp nhau lại, hoặc được sự trợ giúp từ doanh nhân xã hội, gắn chặt với doanh nhân xã hội trong quá trình phát triển. Cũng do những đặc thù, DNXH có những khó khăn hơn các doanh nghiệp bình thường khác nên rất cần có sự kiên nhẫn của người trong cuộc và cần sự trợ giúp của Nhà nước và các tổ chức khác trong xã hội để họ khẳng định được vị trí, bảo đảm tính ổn định, cởi mở và gắn kết-điều mà các tổ chức tư nhân từ thiện khó đạt được. Nhân viên của DNXH là người làm công tác xã hội. Cũng có thể trong hoạt động, DNXH nhận được sự góp sức của nhiều tình nguyện viên, nhưng các nhân viên của DNXH và các doanh nhân xã hội là sáng lập viên đều nhận lương cho lao động của mình như ở các tổ chức và doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, nhân viên DNXH khác với tình nguyện viên. Trên thế giới, công tác xã hội là một nghề nghiệp riêng biệt và trở nên phổ biến. Những người làm trong DNXH chính là người làm công tác xã hội thuộc loại này. Chính vì vậy, việc khuyến khích khởi nghiệp DNXH vừa giải quyết được nhiều vấn đề xã hội, vừa giải quyết được việc làm cho mình, vừa góp phần giải quyết được một phần gánh nặng là tạo việc làm cho xã hội, tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho xã hội.

Người ta có thể đặt vấn đề, rằng DNXH được thành lập theo các tiêu chí nêu trên, trong đó, tiêu chí “phi lợi nhuận” phải là tiêu chí xuyên suốt quá trình hoạt động. Vậy, DNXH có lợi ích gì? Thông thường, mỗi việc làm của con người ta đều nhằm có “danh” hoặc có "lợi”, hoặc cả danh và lợi. Nói về danh, ngày nay, không ít doanh nhân thành đạt có nhu cầu làm những việc từ thiện, lập nên các quỹ từ thiện hay những DNXH để coi đó như một hành động “trả công” cho những gì mà xã hội đã đưa lại cho mình sự thành công có được trên thương trường. Cũng không loại trừ, có những doanh nhân nhìn trước được sự ưu ái, hay những chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư có tính xã hội cao (ví dụ như trong giáo dục, y tế...) để đi trước trong việc lập ra những DNXH và theo đó tranh thủ được nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ như chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục pháp lý... thuận lợi. 

Một khía cạnh khác về lợi ích mà DNXH mang lại là, như chúng ta đã biết, DNXH giống như các doanh nghiệp thông thường khác ở chỗ phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nó tạo cầu cho xã hội, ví dụ như tạo ra việc làm và tự tạo việc làm cho bản thân và nhân viên trong các DNXH, làm cho nền kinh tế có cơ hội tăng trưởng. Mặt khác, DNXH nhằm mục tiêu xã hội, môi trường và vì là hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên tính ổn định cao hơn, khác với tính bất ổn định ở các tổ chức xã hội-từ thiện thông thường. Điều đó chính là lợi ích có được, có thật và có thể lượng hóa được những gì nó sẽ cung cấp cho xã hội.

Sự cần thiết

Hiện nay, xu hướng phát triển DNXH trên thế giới và trong nước cho thấy tư tưởng “Vì một thế giới tốt đẹp hơn” đang dần được nhiều người hưởng ứng, gắn với điều kiện kinh tế-xã hội ngày một phát triển. Trong vấn đề này, vai trò của nhà nước được chuyển dịch theo hướng tinh giản hơn, nhỏ gọn hơn, chia sẻ một phần chức năng cung cấp phúc lợi xã hội vốn trước đây thường coi đương nhiên là nhà nước, sang cho các DNXH. Chính các DNXH được coi là “khu vực thứ ba”-đứng giữa khu vực công và khu vực tư là các doanh nghiệp tư nhân.      

Việt Nam bước ra từ chiến tranh với hậu quả còn không ít khó khăn bởi các gánh nặng xã hội như: Xóa đói, giảm nghèo và nhiệm vụ giảm chênh lệch giàu nghèo; giải quyết việc làm và tạo việc làm mới; vấn đề hỗ trợ người khuyết tật; bảo trợ trẻ em; vấn đề chăm sóc người cao tuổi do quá trình già hóa dân số; vấn đề tái hòa nhập cộng đồng cho những người mãn hạn tù, nghiện ma túy, tệ nạn mại dâm... Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế dự phòng, an toàn giao thông, an ninh trật tự, giảm nhẹ tác động ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, vấn đề văn hóa và tiếp biến văn hóa trong quá trình phát triển... Trong khi nguồn lực từ nguồn ngân sách nhà nước và trong dân còn hạn chế, thì việc phát triển các DNXH được coi như một hướng đi đúng.

Sau một thập niên hình thành và phát triển, giờ đây khái niệm DNXH không còn xa lạ với cộng đồng. Nhưng để mô hình này được nhân rộng và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, vẫn cần đến vai trò của “bà đỡ chính sách” và sự cộng hưởng của cộng đồng. Hầu hết DNXH ở Việt Nam đều kinh doanh có lợi nhuận. Các DNXH ở Việt Nam đều có công trong việc tạo ra việc làm cho lao động trong nước chủ yếu là ở các ngành sử dụng nhiều lao động, với trình độ kỹ năng và công nghệ tương đối thấp. Lĩnh vực phổ biến nhất là nông nghiệp (35%), y tế (9%), giáo dục (9%) và môi trường (7%).

leftcenterrightdel

Doanh nghiệp xã hội CRAFT LINK hỗ trợ nhóm phụ nữ dân tộc Mường ở Lang Chánh (Thanh Hóa) khôi phục và duy trì kỹ năng dệt truyền thống, có thêm thu nhập. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG 

Hoàn thiện thể chế pháp lý

Trên thực tế, số lượng và chất lượng hoạt động của các DNXH đăng ký chưa cao; nhiều tổ chức hoạt động hoặc doanh nghiệp hoạt động mang tính xã hội nhưng không muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình DNXH. Thực tế điều này không chỉ rơi vào DNXH mà ngay cả các hình thức kinh doanh theo mô hình hộ gia đình cũng chưa mặn mà chuyển sang hình thức doanh nghiệp, chủ yếu là vì ngại chuyển đổi hệ thống kế toán, vấn đề nhân sự và chắc chắn là phải chịu sự quản lý của hệ thống thuế, tăng chi phí nộp thuế.

Tuy vậy, về địa vị pháp lý của DNXH ở Việt Nam đã có được một vị thế khá vững chắc, được coi là một thuận lợi. Như đã viện dẫn, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015 của Chính phủ đã chỉ rõ quyền và nghĩa vụ của DNXH; các chính sách nhằm phát triển DNXH và đặc biệt là về những thể thức chuyển đổi từ các tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành DNXH hoặc chuyển ngược lại. Kể cả các thủ tục chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với DNXH-điều hoàn toàn có thể diễn ra trong thực tiễn vận hành doanh nghiệp hoặc sự vận động biến đổi trong nhận thức và quyết sách của các thành viên trong tổ chức. Ở đây, vai trò quản lý nhà nước cũng đã được chỉ ra. Đó là nền tảng bước đầu rất cần thiết và quan trọng để DNXH của Việt Nam có cơ sở phát triển ổn định, bền vững.

Để DNXH có thể thực sự chia sẻ gánh nặng xã hội với Chính phủ, “làm điều Chính phủ mong muốn” thông qua con đường phát triển DNXH để thực hiện các mục tiêu xã hội, thì Nhà nước phải đảm nhiệm tốt vai trò: Thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tạo nên sự thừa nhận trên thực tế vai trò của DNXH; hoàn thiện thể chế pháp lý cho DNXH với tính minh bạch cao, chế tài phù hợp, đủ mạnh để vận hành thông thoáng, hiệu quả theo quy định của pháp luật; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản lý của các DNXH qua những kênh tập huấn kiến thức, kỹ năng thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp và DNXH để giúp họ giảm thiểu chi phí và trước hết là tự tin để vận hành có hiệu quả doanh nghiệp của mình; tuân thủ đúng pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp tương tự khác; hỗ trợ về mặt pháp lý cho các tổ chức xã hội, cá nhân các sáng lập viên muốn chuyển đổi, thành lập mới DNXH sao cho thuận lợi, dễ dàng, thông thoáng-trước hết là các thủ tục pháp lý-kể cả khi họ không còn nhu cầu tiếp tục thực hiện sứ mệnh làm DNXH để trở về doanh nghiệp thông thường cũng vậy.

Ngoài những hành động thiết thực trợ giúp pháp lý như nêu trên, cũng cần sự trợ giúp về tài chính (thuế, phí, trợ giúp về tín dụng, thuê mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh...) để giảm bớt chi phí cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng hình thức DNXH. Đồng thời, xã hội cần tôn vinh những cá nhân, tổ chức làm tốt, có những đóng góp thiết thực cho việc phát triển các DNXH. Việc làm này vừa có ý nghĩa tinh thần, vừa có ý nghĩa kích thích nhân rộng ra cộng đồng những việc làm tốt, để DNXH tự khẳng định mình, tự tạo được việc làm, tham gia vào giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

TS NGUYỄN HUY THÁM