Những ví von, nhận định liệu có đúng về mạng xã hội?

Có người nói, MXH như “một cái chợ trời khổng lồ” không cổng, không cửa, không ai quản lý. Vì thế, ai thích ra thì ra, ai thích vào thì vào!

Có người lại ví, MXH như một “vương quốc tự do thông tin nhất trên thế giới”. Vì thế, ai cũng có quyền tự do bày tỏ ý kiến, bày tỏ quyền biểu đạt, bày tỏ quan điểm, thái độ và tự do tranh luận, thảo luận mà không chịu sự kiểm soát, điều khiển của ai cả!

Chưa hết, có người cho rằng, MXH là “đại sứ thân thiện nhất hành tinh”, vì ai cũng có thể làm quen, ai cũng có thể kết nối, ai cũng có thể sẻ chia, ai cũng có thể tương tác với nhau mà không gặp phải bất cứ rào cản nào!

Thậm chí, có người ngợi khen MXH như “nhà hảo tâm vĩ đại”, vì đã cho mọi công dân toàn cầu thỏa thích sử dụng miễn phí mà không ai bị hao tổn bất cứ một “đồng cắc” nào!

Lại nữa, có người không ngại ngần khi vinh danh MXH là “nhà tâm lý nhân văn nhất” khi ngày càng quan tâm, tôn trọng, bảo vệ quyền riêng tư của cư dân mạng, thế nên không mấy ai  phải lo toan, bận tâm về những bí mật cá nhân của mình!

Một nửa sự thật cần làm sáng tỏ

Sự thật có phải thế không?

Câu trả lời là: Không. Hoàn toàn không! Bởi lẽ:

Thoạt nhìn cứ tưởng MXH như “cái chợ trời khổng lồ” vì tính chất xuyên biên giới, xuyên quốc gia của “thế giới phẳng” này, nhưng không phải là không có người quản lý. Người quản lý chính là “ông chủ” đã sinh ra MXH và những “ông chủ” công nghệ lớn trên thế giới. Số “ông chủ” này rất ít ỏi, nhưng trong tay họ đang quản lý vô hình hàng tỷ công dân mạng trên thế giới. Thế nên, mỗi cư dân mạng có thể trở thành “nô lệ” của những “ông chủ” này bất cứ lúc nào mà không hề hay biết.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

Ví MXH như “vương quốc tự do thông tin nhất trên thế giới” cũng chỉ nhìn thấy một mặt của vấn đề. Dẫu thực tế trên không gian ảo này ai cũng có thể nói gì thì nói, bàn gì thì bàn, lời ra tiếng vào ra sao cũng được, nhưng một khi ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của các nước trên thế giới ngày càng được coi trọng, đề cao và đi vào thực tế, thì bất cứ sự tự do thông tin, tự do ngôn luận nào trên MXH cũng phải ít nhiều chịu sự điều chỉnh, kiểm soát của quy định luật pháp mỗi nước. Đến nay có hơn 80 quốc gia trên thế giới đã ban hành quy phạm pháp luật về quản lý an ninh mạng, trong đó có Trung Quốc, Nga, Đức, Mỹ, Australia, Thái Lan, Singapore… Thế nên, nói là tự do trên không gian ảo nhưng không thể và không được phép vượt qua giới hạn đạo đức cộng đồng và luật pháp quốc gia. MXH vào mỗi nước phải “nhập gia tùy tục” vì lẽ ấy.

MXH sinh ra là có sứ mạng kết nối, chia sẻ thông tin, hình ảnh của con người thuộc mọi dân tộc, giới tính, tôn giáo, thành phần xã hội, nhưng nói là “đại sứ thân thiện nhất hành tinh” thì chưa khách quan, công bằng. Vì trên không gian ảo này, bên cạnh vô số thông tin tích cực, lành mạnh, hình ảnh thân thiện, nhân văn có sức lan tỏa, lay động lòng người khắp hành tinh, cũng có vô vàn tin tức tiêu cực, hình ảnh độc hại có khả năng hủy hoại đời sống văn hóa, tinh thần, đạo đức của con người, nhất là giới trẻ. Qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện trên YouTube hiện có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng đến tháng 6-2019, Google mới ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc.

Khen MXH như là “nhà hảo tâm vĩ đại” thì quá lời và có phần không thỏa đáng, thiếu cơ sở, vì thực tế MXH tuy cho mọi người sử dụng miễn phí, nhưng những “ông chủ” sở hữu nền tảng công nghệ có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới này đã, đang thu được những khoản siêu lợi nhuận từ doanh thu quảng cáo trên “thế giới phẳng”. Động cơ kinh tế của những bộ não siêu cường công nghệ lớn trên thế giới không hẳn mang tính chất “hảo tâm” như có người suy nghĩ đơn giản, phiến diện.

Thời gian gần đây, MXH đã đưa ra thông điệp tôn trọng, bảo đảm các quyền riêng tư của cư dân mạng. Vì thế, có người vội vinh danh MXH là “nhà tâm lý nhân văn nhất”. Nhưng trên thực tế, “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, chẳng ai cho không ai cái gì, thế nên người sử dụng đừng sớm ảo tưởng tin rằng MXH đang bảo vệ những quyền riêng tư của mình, vì những “ông chủ” của không gian ảo này lúc nào cũng có thể kiểm soát, thậm chí biết được mỗi cư dân mạng/mỗi nhóm sử dụng MXH đang suy nghĩ, đọc, xem, tương tác, chia sẻ cái gì; từ đó họ có thể định hướng, chi phối, dẫn dắt suy nghĩ, hành vi của hàng nghìn, thậm chí hàng vạn, hàng triệu cư dân mạng mà những người trong cuộc không hề hay biết. Vụ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook do Công ty Cambridge Anlytica (Mỹ) sử dụng trái phép được phát hiện cuối năm 2018 là lời cảnh báo đối với bất cứ ai khi sử dụng MXH mà không biết tự bảo vệ những quyền cá nhân chính đáng của mình.

Đừng nhìn mạng xã hội chỉ qua “lăng kính màu hồng”

Tất nhiên, phải khẳng định rằng, sự ra đời của MXH là bước tiến vượt bậc trong lịch sử phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ của nhân loại, góp phần làm thay đổi căn bản một phần tư duy, nhận thức và đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội và con người.

Trở lại vấn đề muôn thuở của triết học, bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng có hai mặt của nó. MXH có những ưu điểm, ưu thế vượt trội trong đời sống xã hội hiện đại, nhưng những mặt trái của nó là không thể coi nhẹ, xem thường. Cần nhận thức rõ ràng, dứt khoát, khách quan như vậy để không nhìn MXH chỉ qua “lăng kính màu hồng” rồi tự do, tùy tiện sử dụng không gian ảo này một cách thiếu trách nhiệm; đồng thời cũng không nên xem MXH như “con ngoáo ộp” trong tưởng tượng để hù dọa người khác tránh xa nó.

Vấn đề là ở chỗ, không chỉ trên phương diện vĩ mô, chính sách quốc gia và các cấp quản lý phải nhận thức đúng tầm, ứng xử đúng mực với MXH để có sự khuyến khích phát triển và quản lý phù hợp MXH phục vụ mục tiêu, lợi ích quốc kế dân sinh, mà bản thân mỗi người sử dụng MXH cũng phải có suy nghĩ thấu đáo, đề cao trách nhiệm đạo lý, pháp lý nhằm khai thác, phát huy tối ưu không gian ảo lớn nhất hành tinh này để góp phần làm giàu trí tuệ, đời sống văn hóa tinh thần của mình và xã hội.

THIỆN VĂN