Sau 45 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay Côn Đảo. Cảm nhận đầu tiên của tôi về nơi này là một cảng hàng không nhỏ nhắn, xinh xắn nằm yên bình trong một thung lũng. Trái ngược hẳn với cảnh ồn ào, tấp nập ở các cảng hàng không lớn tôi từng qua.
Đón chúng tôi từ sân bay về khách sạn, anh lái taxi giới thiệu sơ qua về Côn Đảo như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Anh chia sẻ: Côn Đảo nằm ở phía Đông Nam của vùng biển nước ta, gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 76km2, cách Vũng Tàu 97 hải lý, cách sông Hậu 45 hải lý. Trong đó, Côn Đảo (hay còn gọi là Côn Sơn, Côn Lôn) là hòn đảo lớn nhất, có hình dạng giống một con gấu nằm quay lưng về đất liền, diện tích khoảng 51,5km2. Anh lái xe còn cho chúng tôi biết, đến Côn Đảo bằng đường biển đi tàu chậm từ Vũng Tàu mất khoảng 12 tiếng, nếu đi từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng) thì mất khoảng 3 giờ đồng hồ là đã có mặt ở Côn Đảo.
    |
 |
Côn Đảo với những bãi biển đẹp còn mang vẻ hoang sơ. Ảnh: LINH TÂM |
Về tới khách sạn, sau khi ăn trưa xong thì một cơn mưa to, dai dẳng bất chợt ập đến. Mưa sầm sập như trút nước, giăng kín các ngả đường khiến chúng tôi không thể bước ra khỏi khách sạn được. Tôi thầm nghĩ, thời gian ở Côn Đảo không có nhiều, thế là mất một buổi chiều. Mãi đến gần tối trời mới ngớt mưa và tạnh. Nhân viên khách sạn cho chúng tôi biết, giờ này các khu di tích trên đảo đã đóng cửa, muốn đến tham quan phải đợi 8 giờ sáng hôm sau.
Tôi lang thang ra bãi biển, bước chầm chậm trên chiếc Cầu tàu 914-chiếc cầu tàu lịch sử đã chứng kiến bao biến cố trên đảo. Cầu tàu được khởi công xây dựng vào năm 1873 và con số 914 là một con số mang tính tượng trưng về số người đã chết khi làm cầu tàu này. Ngay đầu cầu đặt một tấm bia tưởng niệm họ, được hương khói quanh năm. Qua nhiều lần trùng tu và mở rộng, cầu có chiều dài 300m, chạy từ cửa dinh Chúa đảo đến vịnh Côn Sơn. Dưới chân tôi, từng tảng đá vững chãi hiện hình lên chiếc cầu tàu đã thấm bao xương máu của những người tù khổ sai xây cầu. Dưới kia là vịnh Côn Sơn, bến Đầm, mũi Cá Mập... Ôi! Một nơi từng là “địa ngục trần gian”, giờ sao mà đẹp và thơ mộng thế!
21 giờ, tôi cùng anh em trong đoàn sửa soạn đồ lễ đi viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Do được hướng dẫn từ trước nên mọi lễ vật chúng tôi đều chuẩn bị từ TP Hồ Chí Minh mang ra. Lễ viếng chị Võ Thị Sáu có hoa trắng, nón trắng, áo dài trắng, nước trắng, trái cây, gương, lược...
Nghĩa trang Hàng Dương được Nhà nước khởi công xây dựng và tôn tạo ngày 19-12-1992 với diện tích 20ha, chia làm 4 khu A, B, C, D, đã quy tập được 1.913 ngôi mộ. Sau khi làm lễ viếng các anh hùng liệt sĩ trên tượng đài nghĩa trang, viếng thăm mộ chí của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh ở khu A, chúng tôi đến khu B, nơi yên nghỉ của chị Võ Thị Sáu. Nườm nượp từng đoàn khách đến viếng chị, trong khói hương ngào ngạt, trong ánh đèn đêm và tiếng trầm bổng du dương của bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Từng đóa hoa trắng tinh khôi được xếp vòng quanh mộ như những vầng mây trắng tụ hội về bên chị. Có nhiều đoàn khách còn mang dâng lên chị những trái lê-ki-ma vàng ươm, óng ả.
Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện đã đọc trong một cuốn sách, kể về nữ anh hùng Jeanne d’Arc ở thế kỷ 15, đã cầm vũ khí chống lại ách thống trị của Anh để bảo vệ nước Pháp. Kẻ thù bắt được bà, chất củi thiêu sống. Bà đã hát, khi lửa cháy đến miệng, bà ngừng hát, từ miệng bà có một con chim bồ câu trắng bay ra. Tôi hiểu rằng chi tiết con bồ câu trắng chỉ là huyền thoại, nhưng ở Nghĩa trang Hàng Dương hôm nay, lòng không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi như thấy hình ảnh chị Sáu vẫn còn đó, chị ngắt những đóa hoa dại cài lên mái tóc và hát. Lời hát của chị trong trẻo vút lên, ánh mắt kiêu hãnh, ngời sáng làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, gieo vào lòng đồng chí, đồng đội, bạn tù một niềm tin bất tử.
Ngày nay, ở Côn Đảo, trước khi kết hôn, các cặp đôi đều đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương và đến trước mộ chị Võ Thị Sáu dâng hương hoa thề nguyện sẽ yêu thương, chung thủy trọn đời, mong chị phù hộ che chở cho thật bình an, hạnh phúc. Chị Sáu đã hóa thân vào sông núi, nước mây Côn Đảo, trở thành vị thần linh thiêng, là một phần trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân trên hòn đảo này. Họ gọi chị bằng cái tên thật thân thương, trìu mến “cô Sáu” như chính người thân yêu trong gia đình... Hằng năm, cứ đến ngày 23-1 - ngày giỗ của chị Sáu - một ngày lễ lớn trên đảo do Nhà nước và nhân dân cùng tổ chức, nhiều người từ các tỉnh, thành phố vượt biển ra thắp hương, tưởng niệm chị, trong đó có không ít người trước kia từng là cai ngục ở các nhà tù Côn Đảo.
Hành trình tiếp theo của chúng tôi ở Côn Đảo là khám phá hệ thống nhà tù nơi đây. Tôi hòa vào dòng khách du lịch đi thăm từng xà lim, từng phòng giam, chuồng cọp, chuồng bò, phòng tắm nắng trong các trại giam Phú Hải, Phú Phong, Phú Tường... Tiếng cô hướng dẫn viên du lịch trầm bổng, du dương vang lên phía trước. Cô giới thiệu cho du khách về lịch sử 113 năm của nhà tù “địa ngục trần gian” này; về những tấm gương yêu nước lẫm liệt, kiên trung, chưa bao giờ khuất phục; những chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm nơi đây mà tên tuổi của họ sống mãi với non sông đất nước như: Phan Chu Trinh, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... Cô hướng dẫn viên còn cho chúng tôi biết, chính tại trại giam Phú Hải, nhà yêu nước Phan Chu Trinh đã cảm tác nên bài “Đập đá ở Côn Lôn”-bài thơ tôi được học trong sách giáo khoa cấp 2, cách đây hơn 20 năm.
Hình ảnh về một nhà tù man rợ, hà khắc nhất của bộ máy thực dân, đế quốc chưa bao giờ dập tắt được lòng yêu nước, khí tiết anh hùng của những người con đất Việt. Mỗi câu chuyện mà cô hướng dẫn viên kể là một trang anh hùng ca bất khuất, một thiên sử vàng được viết bằng máu và hoa của dân tộc Việt Nam.
Trong lòng tôi rộn lên biết bao cảm xúc, tôi thấy mình thật may mắn, hạnh phúc và tự hào khi được sinh ra, lớn lên trong hòa bình, ở một đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Một đất nước mà mỗi người dân đều sẵn sàng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc cá nhân mình để đổi lấy mùa xuân cho đất nước, sẵn sàng “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Không có một thứ nhà tù nào có thể giam cầm được lòng yêu nước thương nòi của đồng bào ta. Không có một chế độ xâm lược, đàn áp nào của kẻ thù khuất phục được ý chí quật cường, khí tiết anh hùng, trung kiên của những người con đất Việt. Đến với Côn Đảo hôm nay, tôi thấy mình như được trở về với cội nguồn, thêm yêu Tổ quốc mình và biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã sẵn sàng hy sinh để “đất nước trọn niềm vui” hôm nay.
Chúng tôi rời Côn Đảo, dưới kia biển xanh hiền hòa, chợt vang vọng đâu đây lời bài hát của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.
VŨ THANH HUYỀN