Tôi biết Hương từ ngày còn là cô sinh viên Khoa Triết. Bẵng đi một thời gian thì bắt gặp Hương đang... bán hàng online. Tìm hiểu thì biết, ra trường năm 2015, Hương lập gia đình và theo chồng về quê ở Bắc Kạn sinh sống. Vợ chồng vừa khởi nghiệp thì bị bạn xấu lừa hết. Tay trắng, hoang mang, đúng lúc sắp sinh con đầu lòng, hai vợ chồng còn chưa biết sẽ làm thế nào thì một hôm, Hương nghe chồng nói chuyện ở mấy huyện miền núi, người dân bỏ đất hoang nhiều, nghệ mọc đầy mà bán chẳng được bao nhiêu. Một ý nghĩ táo bạo nảy ra trong đầu... Chồng Hương vay tiền, mua một mảnh đất gần 2ha rồi mua giống nghệ nếp, phân bón, thuê nhân công để trồng nghệ. Vụ ấy thu hoạch được gần 4 tấn nghệ. Nghiên cứu cách làm tinh bột nghệ, hai vợ chồng mua thêm nghệ của nông dân trong vùng để làm rồi bán. Đó chính là giai đoạn Hương bắt đầu bán hàng online trên mạng.

leftcenterrightdel
 Mỗi năm, doanh nghiệp của Lê Thị Hương sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm từ nghệ.

Năm 2016, hai vợ chồng Hương quyết định thành lập doanh nghiệp, mở rộng vùng trồng nghệ lên 20ha, cấp giống, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng nghệ theo quy trình đánh giá sản phẩm chuẩn hữu cơ. Đến nay, mỗi năm doanh nghiệp của Hương sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm từ nghệ: Nghệ thái lát, tinh bột nghệ, curcumin, viên nghệ mật ong, tinh dầu nghệ... và mới ra mắt sản phẩm tinh chất curcumin nano, tạo công việc và thu nhập ổn định cho hơn 1.060 hộ nông dân. 40% sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu; ở Đài Loan (Trung Quốc), Philippines đều có nhà phân phối; hàng trăm đại lý, nhà phân phối ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; là đơn vị tốp đầu, đạt 4 sao của chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn.

Lê Thị Hương chia sẻ, giá trị lớn nhất mà doanh nghiệp mang lại không chỉ là lợi nhuận mà là hỗ trợ người nông dân phát triển bền vững. Trong những tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn hữu cơ được thực hiện hằng năm, quyền lợi của người nông dân và những tác động đến người dân, tới môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Để bảo đảm những tiêu chí khắt khe ấy, đôi khi doanh nghiệp của Hương phải chịu thua lỗ nặng nề để mang về những bài học kinh nghiệm.

Năm 2017, công ty mở rộng đối tác trong nước, có thêm những đối tác nước ngoài, đặc biệt là từ thị trường Nhật Bản và châu Âu. Đến năm 2018, Hương mở rộng diện tích trồng nguyên liệu lên 120ha, trong đó 70ha trồng nghệ theo chuẩn hữu cơ. Mọi thứ tưởng thuận lợi thì một lô hàng xuất sang châu Âu bị trả về do không đạt tiêu chuẩn hữu cơ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong khi đó, người nông dân không thông cảm, vẫn yêu cầu doanh nghiệp trả tiền hàng đúng hạn. Nợ nần, mất uy tín với đối tác khiến Hương gần như muốn bỏ cuộc. Ngã ở đâu đứng lên ở đó. Phải nhìn lại quá trình để rút ra bài học, Hương nhận ra mình còn thiếu kinh nghiệm, chủ quan, trong khi nhiều nông dân còn mang tư tưởng chộp giật, trồng không đúng quy trình hữu cơ, trà trộn hàng kém chất lượng, doanh nghiệp vì tin tưởng nên không kiểm soát chặt chẽ. “Quy trình sản xuất hữu cơ đòi hỏi rất nghiêm ngặt từng khâu nhỏ, nhưng nhiều bà con được phát bao đựng nghệ đạt chuẩn lại cất đi, mang bao đựng phân ra dùng, có người lại dùng thuốc trừ sâu, trộn sắn, đá vào giữa bao để cân cho nặng...”, Hương kể. Việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, vì vậy, Hương đã mời chuyên gia, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, thường xuyên gặp mặt bà con trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để bà con hiểu ý nghĩa, lợi ích của việc sản xuất hữu cơ, việc cần gắn bó với doanh nghiệp như thế nào để cùng phát triển. Các đơn vị đối tác nước ngoài cũng cử chuyên gia tới hỗ trợ công ty và nông dân... Mọi khó khăn dần được khắc phục. Ngoài nghệ, Hương còn thu mua, chế biến các nông sản của bà con có tại chỗ như trà hoa vàng, chuối.

Cuộc sống luôn mang lại những điều bất ngờ và có nhiều cách để khởi nghiệp, nhưng với Lê Thị Hương, để thành công, hãy luôn hướng tới những điều tốt đẹp và dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bài và ảnh: DUY LINH