Mấy chục năm xa mái trường, nhưng tôi vẫn bồi hồi xúc động khi nghe lại tiếng trống trường vang lên từng hồi từ tay thầy hiệu trưởng. Tiếng trống như chạm vào ký ức xa xôi, thức dậy bao nỗi niềm của riêng tôi và của bao thế hệ học sinh đã đi qua. Ngày hôm nay chính là sự tiếp nối những gì đã có từ ngày hôm qua.
Một thời trong ký ức
Có lẽ mỗi chúng ta, ai cũng đều có ký ức tuổi thơ với những kỷ niệm dưới mái trường. Tôi không nói tuổi thơ của thế hệ chúng tôi là đẹp hơn tuổi thơ của lớp trẻ hôm nay. Nhưng tuổi thơ bao giờ cũng được coi là đẹp vì nó vô tư, hồn nhiên và trong sáng. Tất nhiên, thời chúng tôi đi học có rất nhiều cái khác so với hiện tại. Đó là những năm chiến tranh khói lửa.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta khốc liệt đến nỗi chẳng có nơi nào trên đất nước tránh được bom rơi đạn nổ. Khi tôi chuẩn bị vào học cấp 3 thì chính Lớp 9B, Trường Cấp 3 Ý Yên (mà tôi học sau đó) bị trúng bom Mỹ. 34 bạn học sinh và 1 thầy giáo đã vĩnh viễn ra đi. Hiện nay vẫn còn Nhà bia tưởng niệm tại thôn An Lộc Thượng, xã Yên Hồng. Dù ở vùng nông thôn nhưng trường vẫn phải sơ tán, tránh xa thị trấn, các trục quốc lộ giao thông, các trận địa pháo cao xạ. Nhà tôi cách trường chừng 9 cây số nên phải trọ học trong nhà dân, do đường sá xấu, phương tiện đi lại không có, xe đạp cũng rất hiếm và chủ yếu là để an toàn. Nhiều gia đình đã không dám cho con đi học tiếp vì sợ rủi ro. Việc chúng tôi phải làm đầu tiên khi nhập học là cùng bố mẹ xây dựng lớp học (tranh, tre, nứa, lá), đào hào giao thông (từ trong lớp) và các hầm tránh bom tản mát quanh lớp. Tháng 9 vào thu, trời mưa dầm, nước ngập giao thông hào ngay dưới chân. Cóc nhái, cá tôm và cả rắn rết bơi vào nhà. Ngay từ năm 14 tuổi (đầu cấp 3), chúng tôi đã phải làm quen với cuộc sống tự lập. Sau giờ học là về, tự lo việc hái rau, vo gạo, thổi cơm, rồi cùng phụ giúp mọi công việc của gia chủ (như trồng rau, vớt bèo, chăn trâu, thậm chí ra đồng làm cỏ lúa...). Lần đầu tiên, chúng tôi phát hiện ra các món ăn mà bây giờ không ai tin. Đó là món dưa bằng rau rệu (một loại rau dại mọc lẫn trong lúa nước hay đồng lầy). Lá râm bụt luộc hay nấu canh khá ngon (hơi nhớt như canh mồng tơi). Cuộng cây hoa súng tước vỏ chần qua chấm muối vừng hay nấu canh cua đều tuyệt. Còn muối vừng ư? Đó là ngô rang giã nhỏ trộn muối chứ không có vừng và lạc chính hiệu đâu. Lo đủ mọi thứ cho cuộc sống của mình, rất vất vả. Ấy vậy mà vẫn phải học sao cho kịp chương trình. Bởi mỗi khi nghĩ về thầy bu tôi ở nhà, chắt chiu từng hạt gạo củ khoai, từng gánh rạ mang lên cho con (trong khi ở nhà gạo không đủ ăn, rạ rơm không đủ đốt) là tôi lại thấy mình còn được ưu đãi nhiều, nhiều lắm. Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu, tôi ngồi im lặng ôn bài, đọc sách. Đôi lần dừng lại lắng nghe tiếng ngâm thơ từ chiếc đài cụ chủ nhà vặn nhỏ, tôi như thấy mình có thêm sức mạnh và tình yêu quê hương, tình yêu mái trường cứ lớn dần lên.
Tình thầy trò trong gian khó: Tiên học lễ, hậu học văn
Hồi đó, khi sơ tán, thầy cô giáo cũng phải ở trọ như mọi học sinh (bất luận đó là giáo viên ở quê hay ở vùng khác). Thầy chủ nhiệm của tôi tên Lê Hùng, quê gốc Hà Nội (nhà thầy ở 22 Tràng Tiền), là người rất nho nhã, uyên bác và thể hiện đúng tư cách một nhà giáo mẫu mực.
Tuy dạy môn Địa lý nhưng thầy đọc nhiều sách văn học và am hiểu văn chương, cuộc đời. Thầy học đại học trong nước mà đọc thông viết thạo tiếng Nga. Nhà tôi trọ cùng xóm với thầy. Nhưng mỗi lần có việc gặp thầy tôi lại thấy vô cùng hồi hộp, dù thầy chẳng bao giờ cáu gắt, đe nẹt hay trách mắng tôi điều gì. Bởi với tôi “bóng của thầy cao lồng lộng” và thật đáng kính trọng.
Mãi sau này tôi mới hiểu và thấm thía câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” (mà hiện nay ta có thể bắt gặp ở nhiều ngôi trường trong cả nước). Câu thành ngữ (theo âm Hán Việt) này có nghĩa là “Mỗi người chúng ta đi học, trước hết phải biết học lễ nghĩa (những phép tắc phải tuân theo để hành xử cho đúng mực trong cuộc sống) rồi sau đó mới học đến chữ nghĩa (tri thức thuộc mọi lĩnh vực mà ta cần lĩnh hội để giỏi giang)”. Tôi nhớ có lần thầy Lê Hùng nói với lớp tôi: “Học hành luôn vất vả các em ạ. Thầy chỉ muốn lưu ý các em một điều: Các em phải học để thành người trước khi thành tài. Bởi có tài giỏi mấy mà không có đức độ, không biết phân biệt phải trái, không biết đùm bọc và yêu thương mọi người thì cũng vô dụng (hữu tài vô đức cũng bằng không)”.
Tôi vẫn nhớ mãi một câu chuyện nhỏ thầy Hùng từng kể cho tôi nghe. Đó là khi mới về trường, thầy được phân công dạy Địa lý cho 4 lớp thuộc khối 8 và 9, thầy phải làm giáo cụ trực quan. Có nhiều dụng cụ phải làm nhưng khó nhất là làm quả địa cầu. Dân thành phố nên thầy không biết vót nan tre để uốn khung, lại không biết vẽ bản đồ rồi phết lên khung tròn để có quả địa cầu “khả dĩ” mà lên lớp. Thầy Hùng không ngờ thầy Vũ Đình Rưu (tên thầy Hiệu trưởng) lại khéo léo và nhiều sáng kiến đến vậy. Thầy chọn tre, pha tre và vót nan tre rất thạo. Uốn xong hình cầu, thầy bồi một lớp giấy trắng mỏng cho kín mặt, sau đó mới dùng bút màu “căn ke” bản đồ từng châu lục (có in trong sách), tô màu, rồi cắt dán lên các vị trí thích hợp. Chỉ trong buổi sáng là mọi chuyện đâu vào đấy. Thầy Hùng nói với tôi: “Không thầy đố mày làm nên em ạ”. Cứ tưởng thầy Rưu dân “ngoại đạo” địa lý không có những kỹ năng thao tác việc này. Ai ngờ thầy làm ngon lành và đó là bài học nhớ đời về tinh thần vượt khó. Rồi thầy đọc cho tôi nghe câu nói của nhà bác học thiên tài
A.Einstein: “Tôi thành công không phải tôi thông minh. Tôi thành công là do tôi chăm chỉ. Chính nhờ lòng kiên trì mà con rùa đã thắng cuộc. Người ta nói rằng giá trị của bưu phẩm là cuối cùng nó đã đến được tay người nhận” và “Thầy kính trọng thầy Rưu không chỉ thầy là Hiệu trưởng, mà là một người thầy đúng nghĩa của từ này”-thầy Hùng nhắc đi nhắc lại câu nói đó.
Chuyện học hôm nay: Có chí thì nên
Bây giờ, gặp lại các em học sinh THPT của trường tôi năm xưa, tôi ngỡ ngàng vì các em khác chúng tôi nhiều. Học sinh lớp 10 đầu cấp đã cao lớn, khỏe mạnh, ra dáng lắm (chứ hồi tôi vào lớp 8 năm xưa chỉ có hơn 30kg). Các lớp tề tựu trước lễ đài trong bộ trang phục đẹp, trang trọng. Trời hơi mưa, cả ngàn cái ô được giương lên. Đa số các em đã được trang bị mobile, nhiều em còn có smartphone đời mới, có máy tính bảng cầm tay... Bãi để xe trong trường thấy phần lớn là xe đạp tốt (chứ hồi chúng tôi toàn là đi bộ), thậm chí có em được bố mẹ đưa đến lớp bằng ô tô riêng. Chao, so với ngày xưa, học sinh bây giờ đã hiện đại, tân kỳ lắm rồi (ngày xưa chúng tôi nằm mơ cũng không thấy). Vấn đề là các em sẽ học ra sao nữa thôi?
Đó là một câu hỏi và cũng là niềm trăn trở. Bởi không ít em, do được nuông chiều, do mọi thứ quá đầy đủ mà ỷ lại, không chịu học hành, tu dưỡng đến nơi đến chốn. Tôi chợt nghĩ tới một câu tục ngữ rất quen thuộc mà cha ông ta để lại: “Có chí thì nên”.
“Có chí thì nên” chỉ là một câu tục ngữ như hàng trăm ngàn câu tục ngữ thông thường của người Việt. Nhưng theo tôi, đây là một câu tục ngữ khá đặc biệt-câu tục ngữ rất thân thuộc đối với mỗi chúng ta, và càng rất cần có trong hành trang mỗi bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Nó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa triết luận và mang tính giáo dục sâu sắc, diễn tả đầy đủ và rõ ràng một thông điệp: “Con người ta nếu có hoài bão lớn, biết nhẫn nại, kiên trì thì cuối cùng công việc chắc chắn sẽ thành công”. Chí ở đây chính là chí khí, tức là “ý muốn bền bỉ, mạnh mẽ, quyết khắc phục mọi trở ngại, thực hiện mục đích cao đẹp của cuộc sống”. Chí cũng còn là chí hướng, là quyết tâm vươn tới và thực hiện hoài bão, lý tưởng, mục tiêu đích thực của cuộc đời. Người ta sống ở đời có nhiều hoàn cảnh và thân phận, nhưng lý tưởng, chí hướng là điều cần phải có. Cái đó quyết định hướng đi và quyết định sự thành đạt, ước vọng của mỗi người. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã “Khuyên thanh niên” qua một bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn, mà như một chân lý, một châm ngôn định hướng rất rõ ràng: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.
Tiếng trống trường quen thuộc lại vang lên trong ngày khai giảng quen thuộc. Tôi đứng lặng một mình giữa sân trường, dưới bóng cây xà cừ cổ thụ-một nhân chứng lịch sử cho bao thế hệ thầy trò. Trường chúng tôi sắp kỷ niệm 60 năm tròn. Bao nhiêu “thê đội” học trò đã đến và đi từ mái trường thân yêu này. Nhớ về trường, nhớ và biết ơn thầy cô là tình cảm chung ai cũng có. Nhưng thể hiện lòng biết ơn ấy tốt nhất là phải bằng hành động. Đó là mỗi chúng ta phải cố gắng sao cho tròn bổn phận một học sinh trong thời đại mới, gắng tu dưỡng để thành người “vừa hồng vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH