Người Tày Poọng là một nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ, chủ yếu sinh sống ở miền núi Tương Dương (Nghệ An). Hiện nay chỉ có hai xã có người Tày Poọng sinh sống là xã Tam Hợp và xã Tam Quang. Trong đó, bản Phồng thuộc xã Tam Hợp là nơi tập trung đông người Tày Poọng nhất với 157 hộ gia đình và 690 nhân khẩu. Cũng như nhiều cộng đồng khác sinh sống ở miền núi, người Tày Poọng có một hệ thống nghề thủ công quan trọng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của mình. Đó là nghề đan lát đồ mây tre nứa, nghề xe sợi dệt vải, thêu may trang phục, sản xuất nông cụ… Nhưng hiện nay, những nghề thủ công truyền thống của người Tày Poọng đã bị mai một rất nhiều.

leftcenterrightdel
Một ép xôi theo kiểu truyền thống của người Tày Poọng do ông Viêng Hồng Phê mới đan.

Đan lát là nghề thủ công mà ngày trước gần như mọi gia đình Tày Poọng đều có người biết làm thì nay trong bản chỉ còn vài ba người quan tâm. Những sản phẩm đan lát của người Tày Poọng nổi tiếng như: Ép xôi, ghế mây, nống, sảo, rổ, gùi; các dụng cụ đánh bắt cá như oi, đơm, đó, giỏ… Nhiều người Tày Poọng còn biết cách nhuộm màu các thanh tre, mây, nứa để tạo ra những hoa văn cực kỳ bắt mắt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, nghề đan lát đang ngày càng mai một, chỉ còn mấy người lớn tuổi làm nghề này.

Theo ông Viêng Hồng Phê (75 tuổi), trước đây, đàn ông Tày Poọng đều biết đan các loại dụng cụ phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhà nào không đan được thì phải đem thóc, ngô, sắn hay đi làm công cho người khác để đổi lấy dụng cụ. Tuy nhiên, gần hai chục năm nay, đời sống kinh tế-xã hội thay đổi, người dân có thể mua các dụng cụ dễ dàng từ ngoài chợ nên nghề đan lát mất dần. “Ngày trước chúng tôi thi nhau xem ai đan đẹp hơn. Những người đàn ông đan lát đẹp cũng được nhiều cô gái thích hơn. Bây giờ, chỉ có một số người già chúng tôi đan lát vì nhớ nghề, vì thói quen, vì nhớ những ngày xưa, chứ lớp trẻ thì không thích. Con trai tôi trước đây cũng học đan lát và làm khá đẹp nhưng lâu rồi nó không làm nữa. Còn cháu nội thì không biết làm và chúng cũng không thích học. Khi chúng tôi chết thì có lẽ nghề đan lát cũng chẳng ai biết đến”-ông Phê tâm sự.

Một nghề thủ công khác từng phổ biến ở người Tày Poọng là nghề quay sợi dệt vải, thêu may quần áo, nay gần như đã biến mất khỏi cuộc sống hằng ngày của họ. Trước đây, hầu hết phụ nữ Tày Poọng đều biết trồng bông, trồng đay, xe sợi, dệt vải, nhuộm vải và may quần, váy, áo để sử dụng. Trình độ dệt may cũng được cộng đồng xem như một trong những giá trị để đánh giá về người phụ nữ. Cô gái nào khéo tay, may được những bộ trang phục đẹp sẽ có nhiều chàng trai mến mộ, theo đuổi. Người Tày Poọng trồng cây bông, cây đay, cây gai trên nương rẫy. Khi thu hoạch, họ quay thành sợi rồi dệt thành các tấm vải thô. Họ sử dụng các cây, lá rừng để nhuộm vải cho bền hơn, đẹp hơn rồi may thành các bộ trang phục truyền thống. Đến khi hàng may mặc dưới xuôi ngày càng phổ biến lên đây thì nghề dệt may của người Tày Poọng cũng mất dần và trang phục truyền thống cũng ít người sử dụng.

leftcenterrightdel
“Khi chúng tôi chết đi, có lẽ nghề đan lát sẽ không còn nhiều người biết đến”-ông Viêng Hồng Phê chia sẻ.

Theo những người già trong làng, nghề dệt may ở bản Phồng bắt đầu mai một vào đầu năm 2000. Bà Lương Thị Hoa (78 tuổi) cho biết, đến nay, trong bản đã không còn người dệt vải. Lúc còn trẻ bà Hoa được nhiều chàng trai theo đuổi vì khéo tay, dệt may giỏi. Cầm trên tay mảnh vải mà bà tự dệt từ đầu năm 2000, bà tâm sự: “Ngày trước, cứ rời nương rẫy về là chúng tôi ngồi vào khung dệt. Có khi tập trung ba-bốn người ngồi, vừa làm, vừa nói chuyện. Cuộc sống vui tươi lắm. Nhưng sau này, diện tích nương rẫy ít dần nên trồng bông, trồng đay cũng hạn chế. Rồi trang phục cũng dễ mua hơn nên những người học dệt may và làm dệt may cũng ít dần. Tôi dệt tấm vải này và giữ lại để làm kỷ niệm trước khi dỡ bỏ khung dệt. Đến nay vẫn cất kỹ trong nhà, thỉnh thoảng nhớ lại ngày xưa thì mang ra xem”. 

Đồng cảm với bà Hoa, bà Vi Thị Huệ cũng đau đáu nỗi niềm về sự mai một nghề dệt may truyền thống của người Tày Poọng. Năm nay đã 75 tuổi, từng làm cán bộ xã, gần 20 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Hợp và hơn 8 năm làm chi hội trưởng chi hội người cao tuổi của bản nên bà rất quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Lấy một túi đựng bông cách đây gần hai chục năm, bà Huệ kể rằng: Khi còn làm ở hội phụ nữ xã, được đi nhiều nơi và thấy được nhiều sản phẩm dệt may của một số dân tộc được đưa ra làm hàng hóa để bán cho khách du lịch, về lại thấy tiếc cho dân tộc mình. Nhiều lần bà muốn dựng lại các khung dệt, mở lại những lớp dệt may, thêu thùa cho các bạn trẻ để giữ lại nghề thủ công truyền thống này, nhưng không biết làm từ đâu. Nhiều nhà khác khi không dệt nữa thì khung dệt cũng mất luôn nhưng bà vẫn giữ lại trên gác bếp với dự định có lúc sẽ làm sống lại những khung dệt này. Nhưng hiện nay mọi thứ lại càng khó khăn hơn. “Trước đây, con gái mới lớn đều phải học dệt may, nhưng nay không ai muốn học. Lớp trẻ đi học và ra ngoài xin việc làm chứ chẳng mấy ai ở nhà. Vậy nên cũng khó để khôi phục lại nghề dệt. Còn người già rất mong muốn khôi phục lại nhưng thực sự không biết bắt đầu từ đâu”-bà Huệ trăn trở.

leftcenterrightdel
Bà Lương Thị Hoa với tấm vải kỷ niệm do bà dệt trước khi dỡ khung dệt.

Bên cạnh nghề đan lát, dệt may thì một số nghề khác như nghề rèn, nghề mộc trước đây vốn khá phổ biến ở người Tày Poọng, nay cũng không còn nữa. Ngày trước trong bản có mấy lò rèn để rèn dao, rìu, vạch, khé, hẹp, vốn là những công cụ sản xuất quan trọng của người dân. Nhưng bây giờ cả bản không còn lò rèn nào vì không có nhu cầu. Nghề mộc cũng vậy.

Những năm gần đây, tình trạng chung ở miền núi là trong khi kinh tế phát triển vẫn còn chậm so với các vùng khác nhưng văn hóa truyền thống tộc người thì bị mai một nhanh chóng. Đặc biệt là các nghề thủ công truyền thống, mà người Tày Poọng là một trong nhiều ví dụ. Ông Viêng Văn Liêm, Trưởng bản Phồng cho biết: “Ngày trước người ta phải đan lát, phải dệt may vì không thể mua hay đổi đâu được. Họ phải làm ra để phục vụ đời sống gia đình. Dù làm đẹp hay xấu cũng phải làm cho được để dùng. Còn bây giờ đời sống đã khác. Cái gì ngoài chợ cũng có bán mà giá cả so với việc tự sản xuất cũng rẻ hơn. Thế nên các nghề thủ công truyền thống dần bị mất đi cũng là điều dễ hiểu. Giờ muốn khôi phục lại thì phải làm sao gắn nó với cuộc sống, như nhiều nơi đã gắn với phát triển du lịch vậy. Còn không thì chỉ còn là ký ức của những người cũ mà thôi”...

Bài và ảnh: BÙI HÀO